5 vấn đề cần tháo gỡ

- Thứ Năm, 24/12/2020, 08:04 - Chia sẻ

ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 và thời gian tới là phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đặc biệt là tính tự chủ của nền kinh tế, phát triển mạnh thị trường trong nước để phát triển bền vững. Trong đó, từ tình hình thực tế tại địa phương, có 5 vấn đề cụ thể đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ. 

Thứ nhất, phải tập trung nguồn nhân lực, tài chính để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia bởi chỉ có hoàn thành các quy hoạch này mới mở đường cho phát triển được. Hiện nay các địa phương đang rất tích cực lập quy hoạch nhưng theo tiến độ thực tế và đặc biệt là theo quy định của Luật Quy hoạch thì rất đáng lo ngại vì phải tích hợp rất nhiều quy hoạch chuyên ngành, từ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đến quy hoạch giao thông... Làm được từng đó quy hoạch của một tỉnh cũng phải mất hàng năm. Sau đó, địa phương phải báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định; thẩm định xong 63 tỉnh, thành phố mới trình Chính phủ phê duyệt. Quá trình này nhanh cũng phải mất 2 năm.

Ở địa phương hiện nay muốn làm gì, đề xuất gì các bộ, ngành cũng hỏi có quy hoạch không. Không có quy hoạch thì không ai dám phê duyệt, cho ý kiến, không ai dám ký. Có những dự án rất lớn nhưng địa phương trình lên thì các bộ, ngành đều lắc đầu vì chưa có quy hoạch. Cốt lõi bây giờ để tháo gỡ cho địa phương là phải có nguồn lực làm quy hoạch và nhân lực làm quy hoạch. 

Thứ hai, cần tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để đáp ứng nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Dịch Covid-19 đã cho thấy, trong khi các ngành kinh tế đều suy giảm thì duy nhất nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá tốt. Ví dụ ở Hải Dương, năm 2020, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đều giảm sâu nhưng riêng nông nghiệp vẫn tăng 7,5%. Giá trị tuyệt đối chưa phải là lớn nhưng nông nghiệp đem lại sự ổn định cho đời sống của người dân.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ hiện đang vướng 2 việc. Một là, cơ chế, chính sách về tập trung ruộng đất để có diện tích đất nông nghiệp đủ lớn đáp ứng yêu cầu đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao. Hai là, cơ chế hỗ trợ các hộ nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng chính sách hỗ trợ hiện còn rất yếu nên rất khó phát triển.

Thứ ba, cần tập trung phát triển mạnh hạ tầng bất động sản công nghiệp. Vừa qua, Hải Dương nhận được rất nhiều đề nghị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng lại không có bất động sản công nghiệp sạch để cho các nhà đầu tư này thuê đất. Lý do là bởi quỹ đất cho công nghiệp trước đây đã triển khai cơ bản hết và lấp đầy khoảng trên 80%. Bây giờ, khi phát triển các khu công nghiệp mới thì rất vướng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đất phục vụ phát triển công nghiệp thì không phải đấu giá, nhưng Bộ Tài chính cho rằng phải đấu giá. Giữa đấu giá và không đấu giá là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nếu đất đô thị thì buộc phải đấu giá hoặc đấu thầu dự án vì luật đã quy định rất rõ. Nhưng bất động sản công nghiệp, ví dụ hạ tầng 1 khu công nghiệp 100 hecta thì chủ đầu tư hạ tầng phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư đồng bộ theo quy định của pháp luật mới được phép thuê đất. Sau này, chính các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó sẽ đóng thuế cho Nhà nước. Bản thân các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đó cũng phải đóng thuế cho Nhà nước. Nhưng nếu phải đấu giá đất để làm hạ tầng công nghiệp thì giá đất sẽ bị đẩy lên rất cao, kéo theo đó là giá thành cho thuê hạ tầng cũng sẽ rất cao nên không thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào. Giữa đầu tư hạ tầng đô thị với hạ tầng công nghiệp là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Nếu đấu giá đất làm hạ tầng công nghiệp không thể nào triển khai được. Nhiều địa phương vướng chỗ này. Nếu không tháo gỡ được thì làn sóng đầu tư từ các nước e là sẽ trôi mất.

Thứ tư, điểm rất mới trong phương hướng, nhiệm vụ của năm 2021 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, xây dựng xã hội số. Đây là hướng đi đột phá. Kinh tế số sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn và sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ở địa phương cũng đang rất tích cực triển khai các vấn đề này. Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số vẫn đang thiếu. Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng giá trị và sẽ đẩy mạnh phát triển các đô thị thông minh để ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, quy định pháp lý để triển khai cũng đang lúng túng. Nhiều công ty, cơ quan đến hợp tác nhưng địa phương cũng đang bí chỗ này. Đây là vấn đề Quốc hội cần quan tâm vì muốn thúc đẩy kinh tế số thì phải có hành lang pháp lý cho các hoạt động này vận hành. 

Thứ năm, cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển doanh nghiệp trong nước thông qua các chính sách nuôi dưỡng, phát huy, phát triển, đặc biệt là tạo dựng những doanh nghiệp lớn, đủ tầm để từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

PV lược ghi