5 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cuộc thi Sáng tác truyện tranh lần thứ nhất
Cuộc thi Sáng tác truyện tranh lần thứ nhất đã tìm ra 5 tác phẩm xuất sắc để trao giải và xuất bản, ra mắt bạn đọc.
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng cuộc thi Sáng tác truyện tranh lần thứ nhất ngày 27/5/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Rachida Dati cho biết đây là dịp để tôn vinh mối quan hệ hợp tác văn hóa tiêu biểu trong một lĩnh vực được ưu tiên. Đó là xuất bản, đặc biệt là truyện tranh - thể loại mà nước Pháp và người dân Pháp đặc biệt yêu thích.
Sức mạnh của truyện tranh chính là khả năng tiếp cận rộng rãi mọi đối tượng, là một hình thức văn hóa đại chúng, phù hợp với mọi thế hệ. Nghệ thuật thứ 9 lại thường là “cánh cửa đầu tiên” đưa công chúng đến gần hơn với văn hóa, nghệ thuật.

Chương trình hỗ trợ xuất bản của Pháp - với mục tiêu khuyến khích chuyển nhượng bản quyền và xuất bản các tác phẩm của Pháp ở nước ngoài - đã góp phần đưa hơn 500 tác phẩm của các tác giả Pháp đến với độc giả Việt Nam từ năm 1990 đến nay. Các lĩnh vực được dịch và xuất bản đa dạng từ sách văn học, tiểu thuyết, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật, sách thiếu nhi, đến sách văn hóa - nghệ thuật.
Trong ba năm qua, Viện Pháp đã hỗ trợ nhiều dự án nhằm thúc đẩy việc phổ biến sách Pháp tại Việt Nam. Trong hai năm 2024 - 2025, trọng tâm được đặt vào lĩnh vực truyện tranh, với mục tiêu xây dựng ngành truyện tranh tại Việt Nam, thông qua huy động chuyên môn và kinh nghiệm từ phía Pháp.

Trong khuôn khổ Dự án khu vực về Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, chương trình "Truyện tranh tại Việt Nam và Campuchia: Huy động chuyên môn và kinh môn của Pháp" cùng với Quỹ êkíp Pháp - Sáng tạo (với tổng kinh phí 135.000 euro, tương đương 4 tỷ đồng), Viện Pháp tại Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Cuộc thi Sáng tác truyện tranh toàn quốc do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức là điểm nhấn nổi bật trong khuôn khổ dự án này. Hơn 100 bài dự thi chất lượng từ mọi miền đất nước đã được gửi về.
Các tác phẩm dự thi đa dạng về chủ đề, phong cách, thể hiện sự sáng tạo và nhiệt huyết của các tác giả ở mọi lứa tuổi, hứa hẹn mang đến "làn gió mới" cho thị trường truyện tranh trong nước. Hội đồng giám khảo, gồm các tác giả đến từ cả Pháp và Việt Nam, lựa chọn trao giải cho các tác phẩm xuất sắc.

Trong đó, tác phẩm Bài văn về trứng vịt lộn của tác giả Trần Khắc Khoan đã được trao giải Nhất; giải Nhì được trao cho tác phẩm Bút chì đỏ của Cao Hoàng Anh Thư; giải Ba thuộc về tác phẩm Lockdown xứ người, Trần Thảo Nguyên. Hai giải Khuyến khích dành cho 2 nhóm tác giả Ngô Thị Ngọc Anh, Vương Nhiên Khang với tác phẩm Tiệm thuê truyện và Nguyễn Hải Nam, Đỗ Đình Cương với tác phẩm Bọ/Finding Evergreen.
"Chúng tôi sẽ tổ chức Liên hoan Truyện tranh đầu tiên tại Hà Nội vào cuối năm nay. Đây sẽ là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh loại hình nghệ thuật đại chúng này, đồng thời là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu các tài năng Việt Nam và tăng cường kết nối với các nghệ sĩ Pháp", Bộ trưởng Rachida Dati thông tin.
Chia sẻ tại buổi lễ, Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Bùi Tuấn Nghĩa cũng bày tỏ niềm tự hào khi đồng hành với Viện Pháp tổ chức cuộc thi - một sân chơi ý nghĩa cho các bạn trẻ đam mê truyện tranh. Ông mong muốn thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng cơ hội và tạo điều kiện tốt nhất giúp các họa sĩ trẻ phát huy tài năng sáng tạo.

Cuộc thi Sáng tác truyện tranh lần thứ hai (2025) đang tiếp nhận bài dự thi đến hết tháng 6. Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các tác giả, họa sĩ truyện tranh thể hiện tài năng, mà còn đóng góp xây dựng cộng đồng sáng tác truyện tranh và phát triển dòng sách nghệ thuật này tại Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Viện Pháp tại Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản các tác phẩm đoạt giải, giới thiệu đến đông đảo bạn đọc.
"Bài văn về trứng vịt lộn" - tác phẩm đoạt giải Nhất, kể về nghề bán trứng vịt lộn của mẹ một cậu nhóc đã có tác động mạnh mẽ với một họa sĩ, làm sống lại trong lòng anh ký ức về cha mình. Sách được in song ngữ Việt - Pháp với hai chiều đảo ngược độc đáo. Theo họa sĩ Tạ Huy Long, tác phẩm được đánh giá cao nhờ "cách thể hiện chuyên nghiệp trong lối kể, cách triển khai đề tài, nhịp điệu câu chuyện".
"Bút chì đỏ, Lockdown xứ người & Tiệm thuê truyện" giới thiệu ba câu chuyện từ ba tác giả, nhóm tác giả theo đuổi những phong cách khác nhau. Một chuyến phiêu lưu đến thế giới kỳ diệu nhờ vào quyền năng của chiếc bút chì đỏ, gắn liền nhiều yếu tố văn hóa đậm nét Việt Nam. Một ghi chép về thời kỳ Covid-19 đầy khó khăn nơi xứ người nhưng lại giúp ta trưởng thành lên rất nhiều. Một ký ức về tiệm thuê truyện xưa cũ trong khu chợ nhỏ là một phần kỷ niệm tuổi thơ của các cô bé, cậu bé thế hệ 8X, 9X.