Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh

5 giải pháp kiểm soát quyền lực

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 22:01 - Chia sẻ
Đây là nội dung trong chuyên đề “Chính quyền địa phương và HĐND cấp tỉnh” do GS.TS Lê Minh Thông, nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội đảm trách nhận được nhiều sự quan tâm của các học viên. Bởi, không có quyền lực thì đại biểu HĐND không thể thực hiện được chức trách, nhiệm vụ. Nhưng quyền lực cũng có xu hướng lộng quyền, lạm quyền nhằm mục đích vụ lợi, tiêu cực... Nếu kiểm soát hiệu quả quyền lực chắc chắn sẽ bảo đảm được tính khách quan trong hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh; đồng thời, củng cố niềm tin của cử tri, Nhân dân đối với chính quyền.
GS.TS Lê Minh Thông
Ảnh: Đức Kiên

Xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh là tồn tại gây nhiều bức xúc. Vấn đề này không được giải quyết một cách triệt để sẽ là nguy cơ, là mối đe dọa, là nguồn gốc và là căn nguyên cơ bản nhất có thể dẫn đến những sự xung đột xã hội nghiêm trọng.

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác, ông Lê Minh Thông đã chỉ ra 5 giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này. Trước hết đại biểu cần nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn và kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm giảm thiểu những xung đột lợi ích có thể phát sinh, làm tổn hại lợi ích của Nhà nước và Nhân dân. Đây được coi là giải pháp quan trọng có tính chất quyết định đến việc giải quyết xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Các học viên tại điểm cầu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc
Ảnh: Đức Kiên
GS.TS Lê Minh Thông trao đổi với các đại biểu tại điểm cầu Bộ Nội vụ
Ảnh: Đức Kiên

Về khía cạnh pháp lý, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động của đại biểu HĐND, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm thực thi trách nhiệm giải trình trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh.

Thứ nữa, cần thiết lập cơ chế kiểm soát để ngăn chặn những tác động tiêu cực mà xung đột lợi ích có thể gây ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để đảm bảo hiệu quả kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động thực thi công vụ của đại biểu HĐND cấp tỉnh cần xây dựng một cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích có đủ ba yếu tố, bao gồm: (1) Giảm thiểu nguy cơ phát sinh tình huống xung đột lợi ích tiềm ẩn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh; (2) Kiểm soát và loại bỏ được các “vùng cấm” có thể tạo ra xung đột lợi ích trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh (kiểm soát xung đột lợi ích thực tế); (3) Kịp thời phát hiện và xử lý xung đột lợi ích khi những tình huống này phát sinh. Cùng với đó, phát huy vai trò của Nhà nước, nhân dân, xã hội và các cơ quan truyền thông trong kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của đại biểu HĐND cấp tỉnh. Hiện tại, hệ thống giám sát hoạt động công vụ từ phía cơ quan nhà nước, xã hội, cơ quan truyền thông chủ yếu nhằm mục đích phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo thực hiện hoạt động công vụ nói chung và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND cấp tỉnh nói riêng. Mục tiêu phòng ngừa vi phạm hay phát hiện tình huống xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ của đại biểu HĐND cấp tỉnh chưa được đề cao và chủ động thực hiện. Cuối cùng, cần có chế tài đủ mạnh để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh những trường hợp đại biểu HĐND vi phạm pháp luật. Khi xử lý xung đột lợi ích, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ của chính quyền địa phương.

Hoàng Yến