45 năm giữ lửa nghề thủ công mành tre, nứa
Tại thôn Vân Lũng, xã An Khánh, Hoài Đức, nghề làm mành tre nứa đã tồn tại qua nhiều thế hệ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân nơi đây.
Giữa nhịp sống hiện đại, những tấm mành tre giản dị không chỉ là vật dụng che nắng, chắn gió mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần lao động cần mẫn, tỉ mỉ và sáng tạo của người Việt.
Góp phần giữ lửa cho nghề truyền thống ấy là đôi vợ chồng nghệ nhân ông Đặng Văn Nguyên (73 tuổi) và bà Hoàng Thị Hiền (69 tuổi) - những con người đã gắn bó gần trọn đời mình với tre nứa.

Ông Nguyên bén duyên với nghề làm mành từ thuở đôi mươi. Những ngày đầu, công việc chủ yếu mang tính tự cung tự cấp nhưng bằng sự kiên trì và đôi bàn tay khéo léo, sản phẩm của họ dần chinh phục được người tiêu dùng trong vùng và lan rộng ra các địa phương lân cận.
Để tạo nên một tấm mành hoàn chỉnh, người thợ không chỉ cần kỹ thuật điêu luyện mà còn phải dành cả tâm huyết. Quy trình sản xuất trải dài từ việc chọn nguyên liệu, chẻ nan, chuốt sợi, phơi khô, đan mành, đến công đoạn hoàn thiện cuối cùng – tất cả đều được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi độ chính xác cao và tính thẩm mỹ tinh tế.
Nguyên liệu làm mành là tre và nứa – những loài cây gắn liền với đời sống làng quê Bắc bộ. Nứa được chọn phải đủ độ già, có độ dai và độ đàn hồi tốt. Sau khi phơi khô và xử lý mối mọt, tre được chẻ thành những sợi mảnh.



Các công đoạn như chẻ nứa, tách nứa, vót nứa, … sẽ do ông Nguyên làm. Những công đoạn này là những công đoạn khó nhất, yêu cầu người làm phải tập trung, cẩn thận. “Tuổi cũng cao, mắt cũng mờ nhưng tôi vẫn muốn làm, muốn cống hiến cho xã hội”, ông Nguyên chia sẻ.


Hai vợ chồng ông Nguyên làm nghề đến nay cũng được 45 năm. Gia đình ông bà là một trong những gia đình hiếm hoi tại thôn Vân Lũng vẫn theo nghề làm mành nứa thủ công cho dù ngành nghề truyền thống này đang bị công nghiệp hoá.

Công đoạn đan mành là phần đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất: từng nút thắt phải thật đều, từng hàng mành phải thẳng, chắc mà không làm gãy nan. Chỉ cần sai lệch một ly khi thắt nút hay lệch một góc nhỏ khi đan, toàn bộ tấm mành có thể bị cong vênh, mất dáng.

Trong bối cảnh xã hội không ngừng chuyển mình, nhiều nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một, bị lãng quên trong vòng xoáy hiện đại hóa. Thế nhưng, ở một góc nhỏ yên bình của thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, vợ chồng ông Nguyên vẫn ngày ngày miệt mài bên từng nan tre, từng sợi cước, cần mẫn đan nên những tấm mành – như một cách giữ lại thời gian, gìn giữ hồn cốt làng nghề Việt. Đối với họ, làm mành không đơn thuần là một công việc mưu sinh. Đó là cả một đời sống gắn bó, là tình yêu dành cho chất liệu quê hương, là sự tiếp nối một truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt.


Giữ nghề trong thời buổi này không dễ. Nguồn nguyên liệu dần khan hiếm, thị trường tiêu thụ bấp bênh, lớp trẻ ít mặn mà tiếp nối… Thế nhưng, ông Nguyên và bà Hiền vẫn quyết tâm bám trụ. Với họ, mỗi tấm mành được làm ra là một thông điệp lặng thầm gửi đến mai sau – rằng nghề truyền thống vẫn còn sống, rằng văn hóa không thể bị lãng quên.
Câu chuyện của họ không chỉ là câu chuyện về hai người thợ, mà là câu chuyện của cả một làng nghề, một thế hệ, một nếp nghĩ: trân trọng cái cũ để làm nên giá trị mới.
Giữ nghề là giữ lại một phần ký ức, một phần bản sắc dân tộc – điều mà đôi bàn tay thô ráp, khéo léo nơi làng quê vẫn đang từng ngày kiên trì gìn giữ, lặng lẽ nhưng đầy kiêu hãnh.