40 năm - sức sống bất diệt của bản di chúc Bác Hồ

- Thứ Ba, 19/05/2009, 00:00 - Chia sẻ
NĐBO- Đã 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng và của dân tộc để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử thiêng liêng, bất hủ. 40 năm qua là sự phấn đấu bền bỉ, là sự đồng sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam để thực hiện những ước nguyện thiêng liêng của Người. Nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác, Phóng viên Báo điện tử Người đại biểu nhân dân đã có cuộc trò chuyện với TS Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh về bản Di chúc của Bác Hồ.

Di chúc của Hồ Chủ Tịch là cẩm nang tinh thần vô giá

PV: Thưa Tiến sĩ, ông có cho rằng, trong sâu thẳm của mỗi ngưòi dân Việt Nam, Di chúc của Hồ Chủ Tịch là một tài sản tinh thần vô giá?

TS Chu Đức Tính: Tháng 5.1965, bác Hồ đã viết xong bản di chúc. Từ đó trong suốt các năm: 1966, 1967, 1968, 1969 Bác đã dành thời gian lúc mình khoẻ mạnh, minh mẫn nhất và vào đúng dịp sinh nhật mình hàng năm xem lại bản di chúc mình đã viết lần đầu để sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới trong nước và thế giới.

Tính từ ngày Bác viết di chúc lần đầu tiên đến nay là 44 năm, còn tính từ ngày bác đi vào cõi vĩnh hằng đến nay là 40 năm Đảng ta công bố di chúc của Bác. Lịch sử càng lùi xa thì chúng ta càng thấy sự vĩ đại đã được Bác viết đến trong những lời căn dặn cuối cùng của mình.

Bản di chúc là sự kết tinh tình cảm của Bác Hồ đối với toàn thể nhân dân Việt Nam, đặc biệt là đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, với bạn bè thế giới; kết tinh mối quan tâm đặc biệt của Người với nhân dân lao động Việt Nam, những người như Bác nói là có hy sinh nhiều nhất cho cách mạng và bây giờ khi kháng chiến thành công, Đảng, Nhà nước cũng phải quan tâm nhiều nhất.

Di chúc kết tinh phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người cộng sản, một người công dân số 1 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Một người mà phẩm chất đạo đức của Người được thể hiện một cách nhất quán: trung với nước, hiếu với dân; là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; là yêu thương con người, là tinh thần quốc tế trong sáng.. Và Di chúc của Người cũng là những định hướng về xây dựng đất nước Việt Nam trong một thời kỳ dài.         

PV: Xin TS cho biết, ý nghĩa của bản Di chúc của Hồ Chủ Tịch trong thời điểm được công bố?

TS Chu Đức Tính: Lứa tuổi tôi hồi ấy cũng như lứa tuổi cha, anh nghe tin Bác mất như một sự hẫng hụt rất lớn. Ai cũng có chung một niềm lo là cuộc chiến tranh đang ác liệt thế này, Bác là người xây dựng Đảng, là người thành lập nước mà Bác mất đi thì liệu chúng ta sẽ đi đâu, về đâu… Bác mất, sự nghiệp dang dở, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc chưa hoàn thành...

Nhưng sau đó, được học tập di chúc Bác Hồ, được học tập lời điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trình bày thì tất cả mọi công dân Việt Nam bấy giờ hoàn toàn tin tưởng. Bác mất nhưng Di chúc của Bác để lại là cẩm nang của cả dân tộc. Từ Di chúc của Bác Hồ, mỗi người dân Việt Nam yêu nước lấy lại được niềm tin, tin tưởng vào định hướng mà Bác Hồ đã gửi gắm. Chính vì niềm tin đó mà chúng ta thắng lợi, chứng tỏ chúng ta đặt niềm tin chính xác.

Đoàn kết là chiến lược để phát triển

PV: Thưa Tiến sĩ, phải chăng vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết luôn được đề cao và là vấn đề then chốt của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh?

TS Chu Đức Tính: Trong Di chúc Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết. Đoàn kết trước hết là đoàn kết trong Đảng và đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, đoàn kết trong Đảng là tư tưởng xuyên suốt của Người bởi sức mạnh của Đảng chính là sức mạnh đoàn kết.

Bác đã dặn đi dặn lại trong di chúc là Đảng ta phải thực sự đoàn kết như "giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Trong Di chúc Bác chưa dùng từ đổi mới nhưng Bác nói là muốn hoàn thành những công việc nặng nề của đất nước thì phải động viên toàn dân, tổ chức toàn dân và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân. Đoàn kết là chiến lược chứ không phải là sách lược, bởi đoàn kết tạo thành sức mạnh của cả dân tộc.

PV: Quan điểm vì con người và giải phóng con người được Hồ Chủ Tịch thể hiện trong bản di chúc như thế nào, thưa Tiến sỹ?

TS Chu Đức Tính: Trong di chúc, quan điểm vì con người và giải phóng con người được Bác thể hiện rất rõ. Nhất là các bản Bác viết thêm vào tháng 5.1968 và năm 1969. Bác viết 6 trang vào năm 1968, 6 trang này thể hiện rất rõ quan điểm vì con người và giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh Bác dặn chúng ta phải chỉnh đốn lại Đảng thì Bác dặn công việc hàn gắn vết thương chiến tranh là công việc đầu tiên là đối với con người. Bác dặn phải chăm lo thương binh, chăm lo gia đình liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, quyết không để họ đói nghèo, thiếu thốn. Đồng thời, chăm lo cho cả phần hương hồn những liệt sỹ đã khuất bằng cách nơi nơi có thể làm những nghĩa trang liệt sỹ để làm nơi đi về cho các liệt sỹ đã hy sinh vì nước.

Với bà con nông dân thì Bác có chủ trưng là sau ngày hoà bình thì nên đề nghị nhà nước miễn thuế nông nghiệp cho nông dân để bà con được hỉ hả, mát dạ, mát lòng.

Đối với thanh niên, Bác luôn luôn đặt niềm tin vào thanh niên. Bác nói nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Đặc biệt trong di chúc, Bác dặn phải quan tâm đến thanh niên xung phong, quan tâm đến những người chiến sỹ lực lượng vũ trang trẻ tuổi, có điều kiện, có năng lực thì cho họ đi đào tạo. Đấy là nòng cốt để xây dựng chủ nghĩa xã hội tương lai.

Và một điều thấm đẫm nhân văn Hồ Chí Minh đó là Bác dặn bên cạnh việc quan tâm đến những người đã tham gia kháng chiến cứu nước dưới đủ các hình thức: bộ đội, thanh niên xung phong, thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công… thì ngay cả nạn nhân của chế độ cũ như đối tượng cờ bạc, đĩ điếm, hút sách... vừa dùng pháp luật để cải tạo vừa giáo dục họ để trở nên con người lương thiện. Đấy là một điều rất nhân văn của Hồ Chí Minh trong di chúc, thể hiện tầm nhìn xa và sự hoà hợp dân tộc trong Di chúc của Người. Đấy là tầm mà Di chúc của Bác đã nêu lên và Đảng ta đã thực hiện suốt 40 năm qua.

PV: TS có cho rằng, ngày nay, quan điểm của Người về con người và vấn đề đoàn kết vẫn ý nghĩa ?

TS Chu Đức Tính: 40 năm nhìn lại, quan điểm của Bác thể hiện trong Di chúc về con người và về đoàn kết vẫn có ý nghĩa rất lớn. Bởi vì, không phải bỗng dưng trong những năm gần đây, trong những văn kiện của đại hội Đảng, chúng ta đã đề ra: Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Đây là quan điểm nhất quán và là quan điểm có tính chất chiến lược của Hồ Chí Minh. Và cũng chính vì theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta thắng lợi.

PV: Trong xu thế hội nhập kinh tế  quốc tế hiện nay, quan điểm của Bác về con người và vấn đề đoàn kết vẫn là kim chỉ nam cho Việt Nam khẳng định vị thế của mình ?

TS Chu Đức Tính: Hội nhập là một bước đi tất yếu. Nhưng trong thế giới hội nhập, vấn đề đoàn kết, tạo thành sức mạnh nội lực của dân tộc vẫn không có gì thay đổi. Năm 1945, khi nói về công tác ngoại giao, Bác đã nói: thực lực là cái chiêng mà ngoại giao như cái tiếng. Chiêng có tốt thì tiếng mới to được. Thực lực Bác nói chính là nội lực. Chúng ta trong xu hướng tất yếu của toàn cầu hóa thì phải hội  nhập. Nhưng điều chúng ta muốn hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam không có gì khác là phát huy được nội lực Việt Nam. Mà một trong những điều tạo nên nội lực Việt Nam, tạo thành một cấu kết cộng đồng chặt chẽ chính là tinh thần đoàn kết Hồ Chí Minh. Đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân, đoàn kết quốc tế. Có nội lực là vì đoàn kết, mà đoàn kết thì có nội lực.

PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Lệ Thủy thực hiện