4 trụ cột phải cùng nhau thay đổi

Nguyễn Long
Theo NYT
23/09/2011 07:07

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hệ thống thế giới đã được hình thành dựa trên bốn trụ cột kinh tế hàng đầu. Đến nay dường như cả bốn trụ cột kinh tế đó đều đang lung lay và cần được xây dựng lại.

4 trụ cột phải cùng nhau thay đổi ảnh 1
Nguồn: shaheenpost

Liên minh châu Âu (EU) và thế giới Ảrập đều đang rạn nứt trầm trọng hơn. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang chịu nhiều sức ép khác nhau. Mô hình tư bản theo định hướng tăng cường tín dụng kiểu Mỹ đã nhận được lời cảnh bảo bằng một cơn đau dữ dội. Quy mô rộng lớn của các tác động này đã khiến cho sự thay đổi một trong bốn trụ cột trên là không đủ. Điều đó đòi hỏi sự  thay đổi cùng lúc cả 4 trụ cột đó khi mà thế giới vẫn chưa hoàn toàn được kết nối với nhau – một điều có thể làm nản chí bất kỳ ai lạc quan nhất. Vậy chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Đầu tiên là với các nước vùng Trung Đông, trung tâm khai thác dầu của thế giới. Sau Tunisia, Ai Cập và Yemen, Libya đã trở thành quốc gia tiếp theo mà nhà lãnh đạo đã bị lật đổ, trong khi đó Syria cũng đang phải chịu ảnh hưởng của cơn bão biểu tình. Theo thời gian, có lẽ các vị vua ở Trung Đông sẽ buộc phải chia sẻ quyền lực. Điều đó cho thấy mô hình cũ, dựa trên việc các vương hầu và các nhà độc tài quân sự nắm giữ các quyền lợi từ dầu mỏ, dựng nên quân đội và lực lượng an ninh nhằm bảo vệ và duy trì quyền lực của mình, sẽ không còn phù hợp. Nhưng trong khi hệ thống nhà nước cũ của các nước Trung Đông lung lay, thì cũng phải mất một thời gian nữa người dân các quốc gia này mới có thể tìm được tiếng nói chung để mọi người có thể cùng tồn tại.

Xa hơn về phía Bắc, đó là Liên minh châu Âu và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trong khi các nước vẫn cùng hít thở trong một liên minh tiền tệ thì mỗi nước lại đang thi hành chính sách thắt chặt tiền tệ của riêng mình để đối phó với nguy cơ vỡ nợ. Nguyên nhân là do chính phủ một số nước châu Âu chi cho những khoản phúc lợi khổng lồ mà không có được sự đảm bảo về tài chính từ hoạt động sản xuất trong nước. Các quốc gia có vị thế trong EU đang đề xuất một thỏa thuận mới với các nước vung tay quá trán như Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp và Tây Ban Nha, theo đó, các nước kể trên sẽ phải chịu những biện pháp kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, liệu những nước này có thể chịu đựng được những biện pháp thắt lưng buộc bụng đến đâu, khi các biện pháp này có thể làm cho nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái? Và khi đó, tình trạng hỗn loạn như trên đường phố thủ đô London của Anh vừa qua sẽ diễn ra với quy mô lớn hơn nhiều. Bằng cách này hay cách khác, EU sẽ phải thu hẹp quy mô của mình hoặc sẽ phải có những quy định chặt chẽ hơn với mỗi thành viên.

Trụ cột phía Đông là một nền kinh tế với tăng trưởng dựa vào xuất khẩu cộng với tiêu thụ nội địa thấp và mức tiết kiệm cao. Điều này cho phép nền kinh tế Trung Quốc vẫn đạt được những thành công trong khi các nền kinh tế lớn khác trên thế giới ngập chìm trong nợ công. Nhưng mô hình này đang tiềm ẩn nguy cơ. Tỷ lệ thất nghiệp cao tại Mỹ và các nước châu Âu - thị trường chính của Trung Quốc - đang làm cho mô hình kinh tế Trung Quốc trở nên thiếu bền vững. Nền kinh tế hiện tại sẽ phải chuyển từ mô hình “hai bố mẹ tiết kiệm tiền cho một đứa con” sang mô hình “một người con chi trả tiền cho bố mẹ đã về hưu”. Để làm được như vậy, Bắc Kinh phải chuyển từ nền kinh tế sản xuất lắp ráp sang nền kinh tế sáng tạo – tri thức – dịch vụ. Điều đó đòi hỏi hệ thống pháp luật chặt chẽ và rõ ràng hơn.

Đối với nước Mỹ, những thập kỷ gần đây đã chứng kiến sự lên ngôi của nền kinh tế định hướng vào tín dụng tiêu dùng. Bằng cách tăng chi tiêu của tầng lớp trung lưu thông qua việc sử dụng nhiều hơn các biện pháp kích thích (điều kiện tín dụng dễ dàng, các khoản thế chấp dưới chuẩn và các công trình xây dựng) và giảm bớt chi tiêu cho các chương trình dài hạn (như giáo dục, xây dựng kỹ năng và nghiên cứu sáng chế). Điều này đã đẩy nước Mỹ vào hố sâu của nợ nần. Có lẽ cách duy nhất để nước Mỹ thoát ra khỏi tình trạng này là một hệ thống chính trị mới có thể kết hợp việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cải cách thuế và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu và sản xuất. Nhưng không một đảng riêng lẻ nào ở Mỹ có thể đại diện cho những thay đổi này. Hoặc cả hai đảng sẽ tìm ra cách để hợp tác và cùng giữ vai trò trung tâm của hệ thống chính trị mới này, hoặc một đảng thứ ba sẽ xuất hiện. Nếu không nước Mỹ sẽ mắc kẹt tại đây và cơn đau sẽ càng thêm trầm trọng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        4 trụ cột phải cùng nhau thay đổi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO