3D - cứu cánh của điện ảnh

Khang Duy 19/11/2009 00:00

Việc trở lại mạnh mẽ của phim làm bằng công nghệ 3D trong năm 2009 này được coi là cứu cánh cho ngành điện ảnh giữa cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Kỷ nguyên vàng của phim 3D là thập kỷ 1950, khi những phim như The Creature from the Black Lagoon mê hoặc khán giả. Và những tiến bộ về mặt công nghệ này giờ đây lại thổi bùng doanh thu của các phòng vé. Từ bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng Pixar Up (Vút bay) đến siêu phẩm sắp tới của đạo diễn phim Titanic James Cameron, Avatar, năm 2009 cho thấy phim 3D đã trở lại mạnh mẽ hơn cả mong đợi tại khắp các rạp chiếu bóng ở Bắc Mỹ. Hầu hết các hãng phim lớn năm nay đều phát hành phim 3D, với tổng cộng khoảng 15 phim. Ngay cả LHP Cannes uy tín cũng ủng hộ thể loại phim này khi lần đầu tiên chọn phim 3D chiếu mở màn LHP 2009 vừa qua (phim Up).

Chủ tịch hãng phim Walt Disney Mark Zoradi cho biết: “Tôi nghĩ rằng phim 3D thực sự hồi sinh bởi công nghệ của điện ảnh số cho phép hình ảnh 3D sắc nét hơn và khán giả sẽ có những trải nghiệm thú vị hơn. Khán giả sẽ có thêm một lý do để tiếp tục đến rạp. 3D là một trải nghiệm mà xem phim tại nhà bạn sẽ không có được”. Zoradi cũng chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của các rạp có thể chiếu phim 3D là bằng chứng cho sự tồn tại dài lâu của thể loại này. “Khi chúng tôi phát hành bộ phim 3D đầu tiên năm 2005, Chicken Little, ở Mỹ chỉ có 84 rạp chiếu phim 3D”. Bộ phim 3D mới nhất của Disney, A Christmas Carol, được công chiếu tại 2.000 rạp ở Bắc Mỹ.

Theo BBC, vé xem phim 3D thường đắt hơn phim 2D 20-40%, bởi kinh phí làm phim 3D đắt hơn, trong khi lại được chiếu ở ít rạp hơn. Hơn nữa, để chiếu phim 3D, các rạp phải nâng cấp màn hình lên kỹ thuật số và lắp máy chiếu kỹ thuật số, với chi phí khoảng 70.000 USD. Vì thế, cả thế giới hiện mới chỉ có 6.882 rạp chiếu phim 3D. Tại Việt Nam, MegaStar đã đầu tư 2 rạp 3D tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để chiếu các phim 3D trong thời gian tới.

Bộ phim kinh dị The House Of Wax, phát hành năm 1953, là bộ phim lớn đầu tiên làm bằng công nghệ 3D. Khi chiếu, người ta phải dùng 2 máy chiếu riêng rẽ để tạo ra hình ảnh kép và sử dụng 2 cuộn phim riêng. Ngày nay, công nghệ 3D phức tạp, tinh tế hơn trước nhiều và nó không chỉ giới hạn trong phim thiếu nhi, phim hoạt hình hoặc phim kinh dị như trước, mà còn mở rộng sang các thể loại khác. Phim hành động cũng có thể làm bằng công nghệ 3D nhờ các máy quay kỹ thuật số thấu kính kép có thể thu 2 điểm nhìn. Công ty 3ality Digital của Mỹ đã phát triển công nghệ này cho phim thương mại, các chương trình hòa nhạc và các sự kiện thể thao.

Avatar được dự đoán là bộ phim làm bằng 3D có kinh phí cao nhất trong lịch sử điện ảnh (200 triệu USD). Đạo diễn James Cameron đã dành gần như cả thập kỷ qua để nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ này. Cameron phát biểu: “3D không phải chỉ là những gì bạn thấy. Nó thực sự khiến bạn có cảm giác như đang bước vào một thế giới khác vậy”. Nhiều người cho rằng, James Cameron sẽ mở rộng định nghĩa về phim 3D. Phim hành động, phiêu lưu, khoa học viễn tưởng và các phim hồi hộp, ly kỳ là những thể loại hàng đầu mà 3D có thể khai thác.

Có thể sự phát triển của phim 3D không giải quyết được mọi thách thức mà ngành công nghiệp điện ảnh đang phải đối mặt, nhưng nó sẽ thu hút khán giả tiếp tục đến rạp. Zoradi cho biết: “Ngay khi thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì lượng khán giả đến rạp vẫn tăng chứ không giảm”.

Theo AFP, BBC

    Nổi bật
        Mới nhất
        3D - cứu cánh của điện ảnh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO