Ngày 25.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Báo cáo tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023.
Thay đổi gì trong 10 năm?
Theo Báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, tăng 73.290 phòng học so với năm 2013; trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố hoá (KCH) là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013, cụ thể theo từng cấp học như sau:
- MN: 142.177 phòng học; tỷ lệ KCH 83,0% - tăng 35,3% so với năm 2013;
- TH: 254.967 phòng học; tỷ lệ KCH 83,2% - tăng 21,6% so với năm 2013;
- THCS: 125.001 phòng học; tỷ lệ KCH 94,9% - tăng 14,4% so với năm 2013;
- THPT: 60.514 phòng học; tỷ lệ KCH 97,0% - tăng 6,6% so với năm 2013;
Các trường phổ thông có nhiều cấp học có 45.912 phòng học; tỷ lệ KCH trung bình khoảng 83,0%;
Tỷ lệ phòng học KCH bình quân của cả nước từ 83% trở lên (theo từng cấp học). Tuy nhiên, các vùng Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ KCH thấp hơn bình quân của cả nước; về tỷ lệ phòng học/lớp đối với cấp mần non là 0,86 phòng học/lớp và tiểu học 0,97 phòng học/lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông đã đáp ứng yêu cầu (tối thiểu 0,6).
Về nhà công vụ (NCV) cho giáo viên, trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng nặng không thể sử dụng.
Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ các địa phương thực hiện KCH và NCV cho giáo viên) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là KCH các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng NCV cho giáo viên. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.
Bộ GD-ĐT đánh giá, trong giai đoạn 10 năm từ 2013 đến 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và NCV cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD-ĐT, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc XHH trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc KCH trường lớp học và xây dựng NCV cho giáo viên.
Quá trình KCH đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó việc XHH là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác XHH trong những năm tiếp theo, nhằm đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục tiếp tục được cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia ủng hộ
Trong giai đoạn 2013 - 2023, nguồn vốn XHH để đầu tư xây dựng phòng học và NCV cho giáo viên là rất lớn, góp phần không nhỏ vào việc tăng tỷ lệ phòng học KCH ở các địa phương. Cụ thể như sau:
Số tập thể, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư XHH để KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên: khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân;
Số phòng học được đầu tư từ nguồn XHH trong 10 năm là: khoảng 36.000 phòng;
Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hoá (XHH) trong 10 năm là: khoảng 1.300 phòng;
Tổng số kinh phí XHH để đầu tư KCH, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên là: ước khoảng 33.000 tỷ đồng;
Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, KCH phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương là: khoảng 521,9ha.
Việc XHH giáo dục đang có những bước tiến tích cực, với sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Một số trường mầm non và phổ thông nhiều cấp học có yếu tố nước ngoài đã được thành lập, đáp ứng nhu cầu học tập của con em chuyên gia nước ngoài và học sinh Việt Nam. Nhờ đó, học sinh và giáo viên có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến, tài liệu và phương pháp giáo dục hiện đại.
Về tăng cường đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị dạy học (TBDH), các địa phương đã triển khai lồng ghép tích cực các chương trình và đề án của Chính phủ nhằm đảm bảo điều kiện CSVC, thiết bị trường học phục vụ chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa.
Đến nay, CSVC của các trường mầm non và phổ thông tại nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể, đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ hơn và TBDH được nâng cấp hàng năm. Đặc biệt, các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số và những vùng kinh tế khó khăn đã nhận được nhiều hỗ trợ để tạo điều kiện cho trẻ em đến trường thuận lợi hơn.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông được đẩy mạnh, đội ngũ đánh giá được bồi dưỡng và phát triển. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT, 18/2018/TT-BGDĐT và 19/2018/TT-BGDĐT. Theo khảo sát đến tháng 7.2023, cả nước hiện có 15.334 trường mầm non, trong đó 8.722 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 56.9%, tăng 1.773 trường, tương đương 11.3% so với năm học 2017-2018.
Một số tỉnh/thành phố có tỉ lệ rất cao, đạt trên 90%: Ninh Bình 98.7%, Hà Nam 95%, Bắc Giang, Thái Bình 94.4%, Vĩnh Phúc 93.9%, Bắc Ninh 91.5%. Bên cạnh, vẫn còn các địa phương có tỉ lệ rất thấp so với tỉ lệ chung toàn quốc: TP. Hồ Chí Minh 18.1%, Bình Dương, Trà Vinh 21.5%,…
Đối với cấp tiểu học có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp trung học cơ sở có 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp trung học phổ thông có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học, có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia. Nhìn vào tỷ lệ đạt được nêu trên sẽ thấy, ở đa số các cấp học đều cao hơn so với năm học 2022 - 2023.
Còn nhiều thách thức
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, phong trào XHH giáo dục vẫn còn nhiều thách thức khi vẫn chưa được triển khai đồng bộ và mạnh mẽ tại tất cả các địa phương.
Việc huy động nguồn lực XHH còn gặp khó khăn, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa và các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ở những địa bàn này, nguồn lực để đầu tư vào CSVC giáo dục còn hạn chế, khiến cho các công trình xây dựng và cải tạo trường lớp gặp nhiều khó khăn.
Việc đầu tư CSVC vẫn còn phân tán và không hiệu quả. Nhiều địa phương chưa có quy hoạch rõ ràng về việc xây dựng trường lớp, dẫn đến tình trạng một số khu vực có thừa trường lớp, trong khi nhiều khu vực khác lại thiếu các cơ sở giáo dục đạt chuẩn.
Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục chưa được tối ưu hóa, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án giáo dục, đặc biệt là trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội.
Việc KCH trường lớp và xây dựng NCV cho giáo viên, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, khiến cho tiến độ cải thiện CSVC tại các địa phương còn chậm và chưa đồng đều, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
5 nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả xã hội hoá giáo dục
Đối với công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng và kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương là giải pháp trọng tâm để thu hút được đầu tư cho giáo dục từ nguồn XHH, đặc biệt là việc KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên. Các địa phương cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng và mở rộng các CSGD phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả...; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng CSGD theo các quy định của Nhà nước.
Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, xây dựng các chương trình đề án về đầu tư CSVC, giao trách nhiệm cho các cấp chính quyền thực hiện theo phân cấp, có lộ trình cụ thể.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền và phong trào XHH, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc đóng góp cho giáo dục. Các chiến dịch kêu gọi sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội và doanh nghiệp cần được tổ chức rộng rãi hơn.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp, Chính quyền các cấp ở địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích họ đầu tư vào giáo dục. Các chính sách ưu đãi nên được cụ thể hóa và minh bạch, tạo động lực cho các nhà đầu tư.
Thứ tư, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực XHH, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả
Thứ năm, Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đầu tư kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên cả nước. Cơ sở dữ liệu được công khai và các CSGD có thể khai báo, đăng tải thông tin thường xuyên khi có nhu cầu. Năm 2024, lần đầu tiên Bộ GDĐT công bố Cổng thông tin về Nhu cầu KCH trường, lớp học và NCV cho giáo viên trong hệ thống các trường mầm non, phổ thông công lập tại địa chỉ sau:
Cổng thông tin được xây dựng với mục đích làm cầu nối giữa các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm có mong muốn đóp góp nhiều hơn cho ngành giáo dục và các CSGD thực sự khó khăn về CSVC, trường, lớp học và NCV cho giáo viên.
Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chính Phủ, đề nghị nghiên cứu và sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến XHH giáo dục, cụ thể là Nghị định 69/2008/NĐ-CP về khuyến khích XHH, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Cần bổ sung thêm các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế, tín dụng và đất đai để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.
Chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến việc tiếp cận quỹ đất và các ưu đãi về thuế, tín dụng cho các CSGD ngoài công lập. Cần có các chính sách miễn giảm chi phí sử dụng đất, tiền thuê đất và các thủ tục pháp lý khác để hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng CSGD tại các khu vực có điều kiện phát triển mạnh. Có chính sách hấp dẫn về thuế cho các doanh nghiệp, khi tham gia hỗ trợ, XHH cho giáo dục.