3 vấn đề lớn trong chuyến thăm của Obama

Hoài Thanh 22/05/2016 07:54

Hiệp định TPP, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương và vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ là những chủ đề lớn mà Mỹ và Việt Nam sẽ xem xét thảo luận trong vài ngày tới. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia về chuyến thăm Việt Nam quan trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama, sẽ diễn ra từ ngày 23-25.5.

Ông Barack Obama là vị Tổng thống Mỹ thứ 3 liên tiếp thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton của đảng Dân chủ. Ông Clinton cũng chính là người quyết định bỏ cấm vận Việt Nam, một bước quan trọng giúp Việt Nam hội nhập kinh tế - thương mại với thế giới theo đường lối Đổi mới năm 1986. Ông Clinton thăm Việt Nam lần đầu vào tháng 11.2000, sau 25 năm Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sau đó, ông còn trở lại Việt Nam 4 lần nữa vào các năm 2006, 2010, 2014 và 2015. Về phía đảng Cộng hòa, Tổng thống George W.Bush cũng đã thăm chính thức Việt Nam vào tháng 11.2006 khi ông đến Hà Nội dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Như vậy, các nhà lãnh đạo Mỹ thời hậu chiến luôn ý thức được vị trí chiến lược về đường biển và đất liền quan trọng của Việt Nam trong tuyến phòng thủ an ninh ở Biển Đông. Chuyến Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama cũng không nằm ngoài những mối quan tâm này.


Hiệp định TPP – cuộc vận động ở hai Quốc hội

Nhà Trắng thông báo: Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam và sẽ có các cuộc gặp và thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về đường hướng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng hơn nữa trong nhiều lĩnh vực". Trong thời gian ở Hà Nội, ông Obama sẽ có bài diễn văn về mối quan hệ Việt-Mỹ. Và trong các cuộc gặp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Tổng thống sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc cần thông qua TPP trong năm nay.

Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng nghĩa với việc “thương mại song phương sẽ tăng vọt sau khi TPP được thực thi”. Bên cạnh đó, trong con mắt các nhà lãnh đạo Mỹ, TPP không chỉ đơn thuần là một thỏa thuận về thương mại mà nó còn là một phần quan trọng trong vấn đề "quyền lợi của người lao động". Chẳng hạn, theo kế hoạch thực thi về lao động của TPP, Việt Nam cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động được Tổ chức Lao động Quốc tế đặt ra. Và như vậy thành công của TPP không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt thương mại. Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ là một dịp tốt để nhắc nhở nghĩa vụ của cả hai nước, cũng như là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ nước này sẵn sàng thúc đẩy và tiếp tục điều chỉnh luật pháp hướng tới một môi trường kinh doanh thân thiện hơn.

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ biểu quyết thông qua TPP trong phiên họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XIV, dự kiến khai mạc vào tháng 7.2016. Tuy nhiên, lịch thảo luận về TPP của Quốc hội Mỹ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là khi nào thì phe đa số kiểm soát Hạ viện hay Thượng viện Mỹ muốn thảo luận. Việc này cũng phải chờ sau kết quả các cuộc bầu cử tháng 11 tại Mỹ, bao gồm cả bầu cử Tổng thống, bầu lại 30 Thượng nghị sĩ và tất cả 435 Hạ nghị sĩ. Viễn cảnh đưa TPP ra trước Quốc hội Mỹ sẽ càng khó khăn hơn vì cả hai ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa đều không hài lòng với nội dung đã được Chính quyền Obama nhất trí với 11 nước thành viên trong TPP.

Loại bỏ di chứng của ngờ vực

Một chủ đề được dư luận nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama.

Vào năm 2014, Chính quyền Obama từng dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí, giúp Việt Nam cải thiện năng lực an ninh hàng hải và tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển. Như Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel từng nói: "Đó là nhu cầu chính đáng của Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Việc làm này cũng cho thấy mối quan hệ về an ninh và quốc phòng giữa hai nước đang ngày càng được cải thiện". Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên thành đối tác toàn diện vào năm 2013; khởi động hợp tác giữa Lực lượng Bảo vệ bờ biển của hai nước trong cùng năm và ký kết một tuyên bố chung về thúc đẩy quan hệ quốc phòng vào năm 2015.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, việc duy trì lệnh cấm vận có nghĩa rằng các quan hệ, bao gồm cả quân sự, vẫn chưa hoàn toàn được bình thường hóa. Năm ngoái, chuyến thăm Nhà Trắng đầu tiên của một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là dấu hiệu đầy ý nghĩa cho thấy sự tôn trọng hệ thống chính trị giữa hai bên. Năm nay, lòng tin càng được củng cố với chuyến thăm Việt Nam của một Tổng thống Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ song phương. Việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ loại bỏ một di chứng còn lại nữa của sự ngờ vực giữa hai đối tác tiềm năng này. Các bên trong Chính phủ Mỹ đang xem xét các lợi ích và phí tổn của việc dỡ bỏ. Những người ủng hộ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm, trong đó có Thượng nghị sỹ John Mc Cain, chỉ rõ giá trị trong việc tạo dựng mối quan hệ hợp tác an ninh hàng hải chặt chẽ hơn với Việt Nam.

Đối với Washington, việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể coi như biện pháp xây dựng lòng tin để chuyển tới thông điệp rằng, Mỹ muốn hai bên tích cực hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo của quan hệ quốc phòng, cụ thể là thương mại. Các nỗ lực ban đầu trong lĩnh vực này đã diễn ra nhưng vẫn ở giai đoạn đầu. Năm 2015, Bộ Quốc phòng hai nước đã khởi động một nhóm làm việc về thương mại quốc phòng cho phép các đại diện từ ngành công nghiệp quốc phòng của hai bên trở thành một phần trong cơ chế đối thoại chính sách giữa hai Bộ. Nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ, đây sẽ là điều kiện giúp nhà thầu quốc phòng Mỹ như Boeing BA, Raytheon hay Lockheed Martin tăng mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Tự do hàng hải ở Biển Đông

Do sự hiện diện quân sự phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông mà Mỹ, dưới chính quyền Tổng thống Obama, đã dần xoay trục từ châu Âu và Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu tại Hà Nội hôm 10.5 vừa qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel cho rằng, tình hình Biển Đông đã không chỉ là mối quan tâm của các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn là vấn đề lớn của thế giới. Theo ông Russel, nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về những động thái gần đây của Trung Quốc: như việc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa các thực thể mà Bắc Kinh chiếm đóng. Ông Russel nhấn mạnh: "Mỹ không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, mà thiên về luật pháp quốc tế. Là một cường quốc, Mỹ bảo đảm thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở mọi khu vực mà luật pháp quốc tế cho phép. Hải quân Mỹ và các chiến hạm Mỹ có trách nhiệm giúp bảo đảm việc thực hiện các quyền này của các nước nhỏ hơn". Đây cũng là những vấn đề có thể Tổng thống Obama sẽ đề cập trong chuyến thăm Việt Nam lần này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        3 vấn đề lớn trong chuyến thăm của Obama
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO