3 thách thức lớn

Đạt Quốc 16/04/2022 06:14

Việc Indonesia trở thành chủ tịch G20 đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với đất nước vạn đảo, thể hiện năng lực đảm đương vai trò lãnh đạo ở Đông Nam Á và thế giới. Năng lực của Indonesia trong việc đại diện cho tiếng nói của các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi ngoài G20 được đặc biệt quan tâm trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch của nước này, với Hội nghị Thượng đỉnh sẽ diễn ra tại Bali vào tháng 11.2022. Bất chấp khả năng lãnh đạo mới của Indonesia đã được chứng minh, vẫn còn đó những thách thức đáng kể, ba trong số đó chính là xung đột địa chính trị ngày càng mở rộng bắt nguồn từ cuộc chiến Ukraine - Nga, mức độ tham gia kinh tế thấp của Indonesia với các nước G20 khác và thách thức về năng lượng tái tạo.

Tình hình Nga - Ukraine

Căng thẳng Ukraine - Nga ngày càng leo thang đã đặt nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia vào thế khó. Kể từ năm ngoái, chính phủ Indonesia đã chuẩn bị một chương trình nghị sự tập trung vào quá trình phục hồi công bằng và bình đẳng hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thủ tục của G20 năm nay rất có thể sẽ được triệu tập trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang sôi sục liên quan đến nhiều quốc gia thành viên G20.

Cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 tại Jakarta, Indonesia hôm 18.2 Nguồn: Reuters
Cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 tại Jakarta, Indonesia hôm 18.2
Nguồn: Reuters

Trong những tuần gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về sự tham gia của Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh. Đã bắt đầu có ý kiến yêu cầu G20 cô lập hoặc trục xuất lãnh đạo và các đại diện khác của Nga khỏi các cuộc họp của nhóm. Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã tuyên bố rằng họ sẽ không “ngồi cùng” với Tổng thống Putin. Đây vẫn là thách thức cấp bách nhất mà Indonesia phải đối mặt trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 của mình. Không chỉ xử lý những vấn đề tế nhị liên quan đến ngoại giao, mà Indonesia sẽ phải tìm ra được giải pháp cho những chia rẽ chính trị trong diễn đàn. Hơn nữa, cuộc chiến Ukraine - Nga đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, và đương nhiên ảnh hưởng đến các mục tiêu trong chương trình nghị sự của G20 như an ninh năng lượng và giá cả, an ninh lương thực và nguồn cung, thị trường tài chính. Nếu không sớm có một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga, thì tác động của các lệnh trừng phạt đa chiều đối với Nga có thể làm suy yếu các mục tiêu kinh tế của G20.

Tương tác kinh tế với các đối tác G20 còn hạn chế

Mặc dù nền kinh tế Indonesia đang khá phát triển, những cam kết kinh tế của nước này với các nước G20 khác vẫn còn tương đối hạn chế, đặc biệt là khi so sánh với dòng chảy thương mại giữa các thành viên khác của G20. Đây là một vấn đề đối với Indonesia do ảnh hưởng kinh tế đáng kể của các quốc gia mà các nước G20 đã làm chủ tịch trước Indonesia. Điều này đặt ra thách thức đối với Indonesia trong vai trò hiện tại là lãnh đạo của G20.

Mục tiêu của Indonesia - tăng cường tham gia tương tác kinh tế với các thành viên G20 khác, đã được thực hiện thông qua một loạt sáng kiến ​​trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế trong nước bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể được nhìn thấy thông qua Đánh giá chính sách doanh nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ của OECD lần đầu tiên của chính phủ Indonesia, được thực hiện vào năm 2018. Ngoài ra, Indonesia cũng đang thúc đẩy hơn nữa các dự án chiến lược quốc gia quan trọng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiếp tục hiện đại hóa các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế.

Mặc dù Covid-19 đã làm tổn thương nền kinh tế Indonesia trong ngắn hạn, nhưng Chính phủ nước này đã cố gắng giảm thiểu những tác động đó thông qua các gói kích thích vào giữa năm 2020 và đã thành công trong việc xoa dịu cơn địa chấn của đại dịch đối với một nền kinh tế phát triển dựa vào du lịch. Kết quả, nền kinh tế Indonesia trở lại đà tăng trưởng 3,69% vào năm 2021. Bảo đảm đà tăng trưởng trong nước để giúp thúc đẩy động lực với các đối tác quốc tế G20 phải tiếp tục là ưu tiên của Indonesia.

Vị trí địa lý tương đối biệt lập và năng lực thực tiễn hạn chế khác của Indonesia gây ra một số trở ngại cho quá trình tham gia vào các dòng thương mại xuyên biên giới, mặc dù sự phát triển của giao thông hiện đại đã giúp gỡ bỏ nhiều rào cản ban đầu. Tuy nhiên, một số thách thức khác vẫn còn đó, bao gồm thanh toán giao dịch bằng các loại tiền tệ như dollar Mỹ, thời gian thông quan kéo dài và nhiều vấn đề khác.

Để vượt qua những khó khăn trên, Indonesia trong vai trò Chủ tịch G20 của mình đã thúc đẩy việc sử dụng thanh toán bằng nội tệ (LCS) ở cấp độ toàn cầu, với mục đích giảm chi phí giao dịch thông qua thanh toán bằng tiền tệ trực tiếp. Ngoài ra, vị trí của Indonesia với tư cách là nhà lãnh đạo G20 có thể được sử dụng để giảm bớt xung đột trong thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện cho luồng hàng hóa giữa các quốc gia diễn ra suôn sẻ hơn. Đạt được mục tiêu như vậy có thể giúp tăng dòng chảy kinh tế đến và đi từ các đối tác G20 khác.

Năng lượng tái tạo

Nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay mang đến cho Indonesia cơ hội thúc đẩy G20 đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững. Các thành viên của G20 hiện còn chia rẽ về cách quản lý quá trình chuyển đổi này. Một nghiên cứu của Viện Cải cách các dịch vụ thiết yếu cho thấy G20 chưa phù hợp với lộ trình 1,5 độ C  (mục tiêu giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp mà Thỏa thuận Paris đặt ra), do khoảng cách phát thải đáng kể giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế đang phát triển trong chính nhóm. Indonesia phải giải quyết thách thức nằm ở chỗ không phải tất cả nền kinh tế G20 đều có trình độ phát triển kinh tế, kiến ​​thức và nhu cầu xã hội giống nhau về vấn đề chuyển đổi năng lượng.

Trong năm nay, Indonesia đã khởi xướng một loạt các dự án nhằm thiết lập các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Tuy nhiên, sự phụ thuộc kinh tế của Indonesia vào than đá khiến Indonesia rơi vào tình thế bấp bênh trong việc cân bằng các ưu tiên năng lượng tái tạo với yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Lượng năng lượng tái tạo được tạo ra bởi Indonesia, quốc gia phát thải carbon lớn thứ 8 thế giới, vẫn rất thấp so với các quốc gia G20 khác, có khả năng ảnh hưởng đến uy tín của Indonesia trong quá trình dẫn dắt, lãnh đạo G20 về vấn đề này.

Điều này đặc biệt đúng với lượng vốn đầu tư đáng kể cần thiết để Indonesia thực sự phát triển lĩnh vực điện tái tạo của mình, với ước tính vào tháng 1, chi phí này lên tới hơn 50 tỷ USD. Yếu tố này đặt ra những thách thức đáng kể đối với khả năng mở rộng quy mô tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong khi giảm sự phụ thuộc vào than, do đó ảnh hưởng đến một trong ba sáng kiến ​​chính của G20 của Indonesia. Các nỗ lực phát triển không dùng than phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Cho đến nay, Indonesia đã liên tục nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng thông qua một loạt hành lang pháp lý. Vào tháng 11.2021, nước này đưa ra quy định về việc áp dụng các khoản thanh toán dựa trên kết quả cho các sáng kiến ​​dẫn đến giảm carbon như một phần của cơ chế giao dịch carbon. Indonesia cũng đã thông qua thuế carbon vào tháng 10 cùng năm, nhằm vào ngành công nghiệp than của nước này. Một số kế hoạch tài chính xanh được thiết kế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước cũng đã được ban hành trong vài năm qua, thể hiện cam kết của Indonesia đối với việc đạt mục tiêu. Tuy nhiên, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong khi vẫn phụ thuộc vào than như một trụ cột kinh tế, sẽ đặt ra cho Indonesia những thách thức đáng kể trong tương lai.

Vấn đề thiết lập chương trình nghị sự và sáng kiến ​​ưu tiên sẽ là một thách thức đặc biệt đối với vai trò Chủ tịch G20 của Indonesia. Những vấn đề bắt nguồn từ cuộc chiến Ukraine - Nga, thương mại quốc tế G20 thấp và những hạn chế trong quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia sẽ đặt ra những thách thức đáng kể cho Indonesia trong thời gian lãnh đạo G20. Tuy nhiên, nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia thực sự mang lại cho quốc gia quần đảo này cơ hội phát triển hơn nữa, đặc biệt nếu nước này hóa giải được thách thức thông qua các sáng kiến ​​bên trong và bên ngoài.

    Nổi bật
        Mới nhất
        3 thách thức lớn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO