3 thách thức đối ngoại của Trung Quốc năm 2022

- Thứ Ba, 11/01/2022, 06:21 - Chia sẻ
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, bất chấp những thành công đối ngoại đáng kể trong năm qua, Trung Quốc cũng phải đối mặt với 3 thách thức lớn mà về lý thuyết, có thể làm chậm quá trình vươn lên vị thế trung tâm của quốc gia này.

2021 là một năm thành công lớn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, do quốc gia này đã kiểm soát hiệu quả cuộc khủng hoảng Covid-19 trong nước, tăng trưởng kinh tế ổn định và sự tham gia tích cực vào quản trị toàn cầu, đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu. Như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã nhận xét: “Chúng tôi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt đầu hành trình mới cho một trăm năm thứ hai. Rút ra sức mạnh từ những thành tựu đạt được trong thế kỷ qua, nền ngoại giao của Trung Quốc đã dũng cảm đi trước trong ván cờ và viết nên một chương mới trong nền ngoại giao các nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc”. Tuy nhiên, nhìn vào năm 2022, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn mà về lý thuyết, có thể làm chậm sự vươn lên vị thế trung tâm toàn cầu dường như không thể ngăn cản của Trung Quốc.

Cải thiện hình ảnh quốc tế

Thách thức lớn đầu tiên là làm thế nào để tạo ra một hình ảnh quốc tế đáng tin cậy và khả ái. Đây hiện là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với Trung Quốc hiện nay. Trên thực tế, Trung Quốc liên tục thu hẹp khoảng cách với siêu cường duy nhất là Mỹ về nhiều mặt như kinh tế, công nghệ và sức mạnh quân sự; nhưng hình ảnh quốc tế của Trung Quốc lại không được các nước đón nhận. Như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị công tác lớn về truyền thông quốc tế vào tháng 6.2021, nhiệm vụ là “giải thích và quảng bá hơn nữa văn hóa tốt đẹp đặc sắc Trung Quốc, tinh thần Trung Quốc và trí tuệ Trung Quốc ra thế giới. Chúng ta nên giữ thái độ đúng mực, cởi mở, tự tin và khiêm tốn, đồng thời cố gắng tạo ra một Trung Quốc đáng tin cậy, đáng mến và đáng kính trọng”.

Tuy nhiên, điều này rất khó. Theo nhiều cuộc thăm dò do các cơ quan quốc tế như Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, hình ảnh của Trung Quốc ở các nước phương Tây và các nước láng giềng đã xấu đi rõ rệt trong vài năm qua, mặc dù lý do đằng sau sự suy giảm này rất phức tạp. Bất kể lý do là gì, làm thế nào Trung Quốc có thể duy trì sự cân bằng mong manh giữa việc được tôn trọng và bị các đối thủ khác trong khu vực và toàn cầu sợ hãi sẽ là một vấn đề dài hạn.

Tham gia quản trị toàn cầu

Thách thức lớn thứ hai là làm thế nào để Trung Quốc tham gia sâu hơn vào quản trị toàn cầu. Thế giới đang phải đối mặt với một loạt vấn đề toàn cầu hàng đầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, và chống đói nghèo, cùng các cuộc khủng hoảng khẩn cấp khác. Cho đến nay Trung Quốc vẫn tự coi mình là quốc gia đang phát triển và tỏ ít trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu, dù nước này đã có nhiều biểu hiện tích cực hơn trong năm 2021. Tuy nhiên, trong mắt cộng đồng quốc tế, với quy mô của nền kinh tế, Trung Quốc hiện được coi là một nhà lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt là khi Mỹ đang vướng vào nhiều vấn đề khó khăn trong nước, và do đó không thể cung cấp vai trò lãnh đạo quốc tế hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn đang diễn ra là một trường hợp điển hình.

Nhưng liệu Trung Quốc có thể dẫn đầu chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu sau màn trình diễn đầy thiện chí tại COP26 vào tháng 11.2021? Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu toàn cầu về sản lượng năng lượng tái tạo, với thị phần gần 50% công suất toàn cầu vào năm 2021. Nhưng Trung Quốc cũng là nước còn phụ thuộc rất lớn vào than để sản xuất điện. Do đó, Trung Quốc phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa áp lực quốc tế về những cam kết khí hậu với tăng trưởng và ổn định kinh tế trong nước. Nhìn chung, đòi hỏi của cộng đồng quốc tế về việc Trung Quốc phải có trách nhiệm hơn sẽ chỉ tăng lên trong những thập kỷ tới, và Trung Quốc phải quyết định làm thế nào để cân bằng giữa nghĩa vụ quốc tế và nhu cầu trong nước - nhiệm vụ không nhỏ đối với các nước lãnh đạo.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bên phải, bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nguồn: Indian Express 

Quản lý mối quan hệ Trung - Mỹ

Có lẽ thách thức khó khăn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm 2022 và cả những năm sắp tới là làm thế nào để quản lý hiệu quả mối quan hệ bất ổn Trung - Mỹ. Đã có một vài dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ song phương vào năm 2021, được biểu hiện bởi lượng tương tác ngày càng tăng giữa hai nhà lãnh đạo, kết thúc bằng một cuộc gặp trực tuyến khá thực chất vào tháng 11.2021. Nhìn chung, quan hệ Trung - Mỹ đang dần ổn định hơn trong năm 2021, đặc biệt là so với quỹ đạo rơi tự do ở giai đoạn cuối của chính quyền Trump. Nhưng rủi ro và các “khúc cua” vẫn rất đáng lo ngại, nghiêm trọng nhất là lập trường của hai bên trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Chính quyền Biden, hoặc một số quan chức cấp cao trong đó, dường như tin rằng Hoa Kỳ có thể giành được một số lợi thế chiến lược chống lại Trung Quốc bằng cách chơi “quân bài Đài Loan”. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể dễ dàng rơi vào vòng xoáy mà ở đó, một sự cố rất nhỏ có thể dẫn đến những biến cố lớn, thậm chí là một cuộc đụng độ quân sự.

Tất nhiên, đằng sau vấn đề Đài Loan là bối cảnh lớn hơn của chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc - một chiến lược thường được mô tả là “cạnh tranh chiến lược”, nhưng nội dung của chiến lược này chưa bao giờ được các quan chức chính quyền hoặc các nhà tư vấn lớn của Mỹ nêu rõ. Trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ Mỹ, nhiệm vụ của Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn khi nước này vẫn cần sự hợp tác của Mỹ trên nhiều mặt trước khi Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thực sự. Làm thế nào để ổn định quan hệ Trung - Mỹ vào năm 2022 và không để mọi thứ xấu đi thêm nữa sẽ là một thách thức rất lớn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Nói như vậy, nhưng có những lý do chính đáng để tin rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ vận hành tốt vào năm 2022. Tiếp sức cho dự báo tự tin này là thực tế nền kinh tế Trung Quốc được đánh giá tiếp tục tăng trưởng khoảng 5 - 6%, trận chiến với Covid-19 có thể đạt được thắng lợi cuối cùng vào năm 2022, và trên hết, những cái đầu thực tế ở Trung Quốc sẽ không cho phép xảy ra những sai lầm chiến lược lớn.

Quốc Đạt
Theo The Diplomat