Tổ chức bầu cử an toàn trong đại dịch Covid-19

3 nhân tố quản trị bầu cử

- Chủ Nhật, 16/05/2021, 07:29 - Chia sẻ

LTS: Đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, kinh tế và chính trị. Các quốc gia nơi các cuộc bầu cử được lên kế hoạch trong thời gian xảy ra đại dịch phải đối mặt với những lựa chọn quan trọng về thời điểm tổ chức, các biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm liên quan đến các quy trình bầu cử và cách giảm thiểu tác động tiềm tàng của những căng thẳng liên quan đến bầu cử do hoàn cảnh của đại dịch và các hạn chế liên quan.

Một số nước đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hóa giải thách thức để thực hiện bỏ phiếu an toàn. Tổ chức British Academy đã tiến hành dự án nghiên cứu mang tên “Covid-19: Định hình tương lai” trong đó có riêng một phần với chủ đề “Làm thế nào để tổ chức bầu cử an toàn trong đại dịch”. Các nhà nghiên cứu tham gia dự án, trên cơ sở khảo sát, tổng hợp kinh nghiệm của các sự kiện bầu cử được tổ chức trong những tháng đầu tiên của đại dịch và cũng như kinh nghiệm của các cuộc bầu cử được tổ chức trong các cuộc khủng hoảng về sức khỏe trước đó, cung cấp một cái nhìn tổng quan về cách các nước đối mặt với những thách thức bầu cử cũng như những bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm của họ. Đại biểu Nhân dân xin giới thiệu những phần cơ bản nhất của dự án nghiên cứu này.

Đạt Quốc

Các Cơ quan quản lý bầu cử (EMB - ở một số nước là Ủy ban Bầu cử quốc gia), với tư cách là các cơ quan công quyền cung cấp dịch vụ công thiết yếu, phải chứng minh rằng họ tuân thủ theo các nguyên tắc tốt về quản lý công để bảo đảm các cuộc bầu cử diễn ra hiệu quả, tốt đẹp, từ đó, khơi dậy niềm tin của người dân. Các EMB có xu hướng đạt được những mục tiêu này trong điều kiện "bình thường". Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng cao, minh bạch thực sự đối với quy trình bầu cử trở nên cực kỳ quan trọng trong thời kỳ đại dịch. 

Có một nguy cơ là niềm tin của công chúng vào quá trình bầu cử có thể bị suy giảm. Ví dụ, nếu phải đưa ra quyết định về hoãn một cuộc bầu cử, người dân có thể có xu hướng nhìn nhận rằng, những người cầm quyền đang cố gắng sử dụng đại dịch để phá hoại nền dân chủ và tối đa hóa cơ hội thắng cử của họ. Công dân cũng có thể gặp vấn đề trong việc thực hiện quyền bầu cử nếu mối quan tâm của họ không được giải quyết.

Có 3 nhân tố cần được quan tâm cấp bách để quản lý hiệu quả các cuộc bầu cử trong thời kỳ đại dịch: Bảo đảm sự tham gia của công chúng, bảo đảm trách nhiệm giải trình, truyền thông công khai, minh bạch.

Sự tham gia của công chúng

Sự tham gia của công chúng vào quá trình quản lý bầu cử mang lại nhiều lợi ích. Việc khuyến khích công dân tham gia thiết kế các dịch vụ công mang lại giá trị chuẩn mực vì nó cho thấy tiếng nói của họ được lắng nghe. Ngoài ra, điều này còn giúp cải thiện hiệu quả dịch vụ công bởi cơ quan công quyền có thể nhanh chóng xác định các nhu cầu cụ thể của công dân, đặc biệt là các nhóm thiểu số, dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, yếu tố này hiếm khi đạt được, vì mạng lưới ra quyết định có xu hướng khép kín. Nghiên cứu cho thấy sự tương tác của các EMB thường là với Chính phủ, giới truyền thông và các đảng phái chính trị, trong khi các ý tưởng cải cách bầu cử ít có khả năng đến trực tiếp từ người dân.

Do đó, tương tác với xã hội dân sự có thể tạo ra một “danh sách nhu cầu” phong phú hơn nhiều trong thời kỳ đại dịch. Trong giai đoạn đại dịch, EMB nên thúc đẩy các cơ chế tham vấn công chúng hoặc các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm: Tổ chức các nhóm tập trung, tham vấn với các tổ chức bên liên quan, khảo sát trực tuyến các mẫu dân số và tham vấn trực tuyến mở.

Nguồn: ITN

Cơ chế giải trình

Khuyến nghị của British Academy

• Công chúng và các nhóm dễ bị tổn thương nên được tham vấn trong quá trình chuẩn bị bầu cử.

• Hệ thống khiếu nại nên được cung cấp đầy đủ cho công dân và các bên liên quan.

• Các Ủy ban của nghị viện nên tham gia giám sát công việc của các EMB.

• Các EMB phải sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để cung cấp thông tin phi đảng phái chính xác về quy trình bỏ phiếu và nên giám sát nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.

Các EMB cần cung cấp các cơ chế giải quyết khiếu nại trong trường hợp công dân, đảng phái và đại diện gặp vấn đề với việc tổ chức bầu cử, chẳng hạn việc công dân không hài lòng khi phòng bỏ phiếu của họ mở cửa trễ, báo cáo hành vi chưa đúng mực của các quan chức bầu cử hoặc hành vi không phù hợp của các ứng cử viên khác. Hệ thống khiếu nại phải được thiết kế một cách thuận tiện, nhanh chóng vì chúng sẽ giúp cải thiện niềm tin của người dân, đồng thời giúp thu thập thông tin quan trọng cho các quan chức bầu cử về tần suất và bản chất của các vấn đề trong quá trình bầu cử.

Các cơ chế giải trình cấp tổ chức cũng rất quan trọng để các EMB có thể được các tổ chức khác xem xét về hiệu quả hoạt động của họ. Một phương pháp hiệu quả để các EMB được xem xét giải trình ở cấp độ tổ chức là thông qua các ủy ban của nghị viện. Các ủy ban có thể tổ chức các cuộc điều trần về cách một cuộc bầu cử đã diễn ra để xác định các vấn đề và cho phép rút ra bài học ngay lập tức. Ví dụ, Bộ trưởng Tư pháp Australia và Bộ trưởng Tư pháp bang Queensland đã tiến hành một cuộc điều tra về quá trình tổ chức các cuộc bầu cử địa phương ở Queensland 2020. Cuộc bầu cử diễn ra ngày 28.3.2020, cuộc điều tra được bắt đầu vào ngày 22.4.2020 và được báo cáo trước Ủy ban Pháp lý và An toàn Cộng đồng của Nghị viện Queensland ngày 2.6.2020.

Việc gắn trách nhiệm giải trình với vai trò giám sát của các ủy ban nghị viện không chỉ giúp nâng cao trách nhiệm giải trình, mà còn giúp nâng cao nhận thức của các nhà lập pháp về tầm quan trọng của vấn đề này; thúc đẩy nghị viện sớm thông qua những điều chỉnh pháp lý phù hợp để tiến hành các cuộc bầu cử một cách hiệu quả trong hoàn cảnh khẩn cấp trong tương lai. Ngoài ra, việc tiến hành điều trần ở các ủy ban cho phép công chúng nhiều bên liên quan hơn, từ các nhóm xã hội dân sự đến giới học giả… chia sẻ mối quan tâm của họ về việc tiến hành bầu cử.

Công tác truyền thông

Việc cung cấp thông tin bầu cử đầy đủ, chính xác và minh bạch đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đại dịch bởi các yêu cầu liên quan đến an toàn có thể khiến quy trình bỏ phiếu thay đổi hoặc kéo dài, đưa ra các thủ tục mới về bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc các yêu cầu về giãn cách xã hội. Ngoài ra, thực hiện công tác truyền thống bao quát, nhanh chóng đến cử tri còn giúp ngăn chặn những thông tin thất thiệt, sai lệch (fake news) về bầu cử. Các EBM cần kiểm soát tính chính xác của các trang web, cung cấp các chương trình phát sóng trên truyền hình và đài phát thanh; đóng vai trò chủ động trong việc giám sát và phản hồi các phương tiện truyền thông xã hội.

Một ví dụ về tính công khai, minh bạch là việc Ủy ban Bầu cử Hoa Kỳ có chuyên mục trên trang web của họ dành cho Covid-19, bao gồm các phiên điều trần công khai liên quan đến bầu cử. Trong khi đó, trang web của Ủy ban Bầu cử hoặc Nội các Vương quốc Anh không có các chuyên mục tương tự, cho ấn tượng rằng cơ quan ra quyết định liên quan đến bầu cử của Anh khá khép kín và thiếu công khai, minh bạch.

Đạt Quốc