Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc:

3 mũi nhọn: Việc làm, đào tạo và tiền lương

- Thứ Tư, 08/09/2021, 05:58 - Chia sẻ
Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết 5 năm trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) với mục tiêu thúc đẩy việc làm, chuyển trọng tâm sang tăng trưởng tiền lương và mở rộng hệ thống giáo dục nghề nghiệp để giúp thúc đẩy nhu cầu trong nước và nâng cấp ngành công nghiệp.

Được biết, Kế hoạch thúc đẩy việc làm trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) vừa được Quốc vụ viện ban hành tuần trước đặt ra mục tiêu tạo việc làm đầy đủ hơn và tạo công việc có chất lượng tốt hơn cho người dân. Theo đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện chính sách ưu tiên việc làm, cải thiện hệ thống chính sách, tăng cường dịch vụ đào tạo. Kế hoạch mới cũng nhằm mục đích “nâng cao tính ổn định” tỷ trọng tiền lương tính theo GDP; đồng thời đưa ra mục tiêu bắt buộc phải đạt trung bình 11,3 năm giáo dục đối với dân số trong độ tuổi lao động vào năm 2025, tăng từ 10,8 tuổi vào năm 2020.

 

55 triệu việc làm mới

Bắc Kinh đã coi việc làm trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái. Việc làm được coi là một biện pháp bảo vệ kinh tế, đặc biệt khi Trung Quốc theo đuổi chiến lược "lưu thông kép" - một hướng đi nhằm thúc đẩy khả năng tự cường của sản xuất trong nước, tập trung vào sản xuất tiên tiến để tránh bẫy thu nhập trung bình cũng như vượt qua các lệnh trừng phạt của nước ngoài về công nghệ cao.

Theo Kế hoạch việc làm 5 năm tới, Trung Quốc cam kết tạo ra thêm hơn 55 triệu việc làm mới ở thành thị trong 5 năm tới và giới hạn tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở thành thị ở mức 5,5%, so với hơn 50 triệu vị trí và tỷ lệ thất nghiệp 5% theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020.

Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của Thứ trưởng Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc Li Zhong cho biết, kế hoạch trên là “hướng dẫn” quan trọng cho công việc liên quan đến việc làm, vốn phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức.

Quan chức cấp cao của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Gao Gao thì cho rằng, triển vọng phát triển tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đặt nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy việc làm. Ông Gao dự báo, những động lực tăng trưởng mới cũng sẽ được hình thành để thúc đẩy việc làm, với dẫn chứng về nền kinh tế kỹ thuật và những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo.

Lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển của Trung Quốc, với những ngành công nghiệp mới xuất hiện, đang thu hút lực lượng lao động. Theo Thứ trưởng Li Zhong, lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 47,7% tổng lực lượng lao động trong năm 2020, tăng 4,4 điểm phần trăm so với năm 2016.

Ngoài ra, thị trường việc làm Trung Quốc cũng được hỗ trợ từ khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân với quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và các doanh nghiệp tư doanh đem lại hơn 80% vị trí việc làm và tạo ra hơn 90% việc làm mới ở Trung Quốc.

Thúc đẩy đào tạo nghề

Trong Kế hoạch 5 năm, Trung Quốc đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề nổi cộm nhất ảnh hưởng đến thị trường việc làm tại nước này đó là tình trạng thiếu thụt lao động tay nghề cao. Trung Quốc đang có 200 triệu lao động lành nghề, trong đó có hơn 50 triệu lao động tay nghề cao. Những lao động này đang là những trụ cột vững chắc hỗ trợ cho động lực “sản xuất tại Trung Quốc” và “thiết kế tại Trung Quốc”.

Các tác giả của bản Kế hoạch cảnh báo rằng hệ thống giáo dục của đất nước đã không thể sản xuất đủ các chuyên gia tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu thị trường, dẫn đến "sự co lại về cơ cấu" trong thị trường việc làm. Mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc đạt kỷ lục 9,09 triệu người trong năm nay, nhiều công ty sản xuất vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút những người có kỹ năng mà họ cần.

Các nhà kinh tế cho biết việc thiếu lao động có tay nghề cao một phần là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm liên tục của khu vực sản xuất trong nền kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, các nhà hoạch định chính sách kêu gọi mở rộng đào tạo nghề, với trợ cấp đào tạo cho khoảng 75 triệu người. Các nhóm đối tượng chính bao gồm sinh viên tốt nghiệp đại học, thanh niên thành thị, cựu chiến binh quân đội, lao động nhập cư ở nông thôn, người thất nghiệp và người tàn tật.

Kế hoạch cho biết Chính phủ sẽ mở cửa hoàn toàn việc đào tạo nghề và khuyến khích nhiều công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, một cơ chế sẽ được thiết lập để theo dõi và đánh giá tác động của trí tuệ nhân tạo đối với việc làm, nhằm hạn chế xu hướng công nghệ thay thế con người quá nhanh.

Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực xóa sổ tình trạng dạy thêm, học thêm sau giờ học chính khóa, một động thái mà nhiều nhà phân tích cho rằng nhằm giải phóng thêm nguồn lực cho đào tạo nghề.

Lương theo kịp năng suất lao động

Kế hoạch 5 năm này cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng lương để theo kịp tốc độ tăng năng suất lao động với mục tiêu “nâng cao tính ổn định” tỷ trọng tiền lương tính theo GDP.

Tăng trưởng thu nhập chậm chạp lâu nay được cho là do tiêu dùng cá nhân yếu, một yếu tố làm suy yếu chiến lược quốc gia về thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Nhắc lại lời kêu gọi mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình về “thịnh vượng chung”, Kế hoạch nhấn mạnh tiền lương là phân phối chính của của cải.

Các nhà hoạch định chính sách cũng khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, với lời hứa sẽ có những hỗ trợ tích cực nhất về tài chính và chính sách.

Đạt Quốc