Với 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu tâm lý trẻ em, tổ chức thành công nhiều chương trình online miễn phí về nuôi dạy con thu hút hàng chục nghìn phụ huynh tham gia, Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh (Học viện Minh Trí Thành) đưa ra lời khuyên hữu ích về 3 điều cha mẹ nên làm để con được sống trong hạnh phúc.
Yêu con vô điều kiện như thể con vốn là
Theo cô Lanh, “yêu con vô điều kiện như thể con vốn là” nghĩa là yêu tất cả những thứ thuộc về con, từ ngoại hình cho đến tính cách, yêu con dù con có thấp hay cao, da đen hay da trắng, hiền lành hay ngang bướng… Yêu con vô điều kiện là để con được là chính con chứ không phải đặt ra tiêu chuẩn như con phải ngoan ngoãn, học giỏi thì cha mẹ mới yêu.
Yêu con vô điều kiện còn là khi con mắc sai lầm thì cha mẹ phải bình an giúp con vượt qua sai lầm đó. Sai lầm là cách để con trưởng thành, không một đứa trẻ nào muốn mắc sai lầm, các con cũng muốn thoát khỏi nó nhưng bị mắc kẹt. Do đó, cha mẹ cần phải cùng con vượt qua sai lầm, giúp con nhận ra bài học qua mỗi sai lầm, cơ hội phát triển qua mỗi sai lầm.
Trên thực tế, mỗi người cha người mẹ đều ấp ủ những kỳ vọng của riêng mình về con cái. Nhưng nếu cha mẹ muốn con thực hiện nốt giấc mơ dang dở của mình, muốn được người khác ghi nhận mình thông qua thành tựu của con, thì đó là tình yêu có điều kiện chứ không phải vô điều kiện. Con có tài năng riêng của con, giấc mơ riêng của con. Muốn con hạnh phúc, cha mẹ cần tạo ra môi trường để con được ủng hộ và an toàn, có thể tự do thể hiện bản thân, theo đuổi ước mơ mà không phải lo lắng về sự kỳ vọng quá mức.
Nữ chuyên gia nhấn mạnh, cha mẹ yêu con không phải để con yêu cha mẹ. Cha mẹ yêu con là để con yêu lấy chính mình. Nếu cha mẹ không chấp nhận những điểm yếu kém, thiết sót của con vì chưa đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, thì con sẽ lớn lên trong lo lắng, tự ti, hình thành niềm tin giới hạn. Khi gặp khó khăn, con sẽ không biết dựa vào đâu. Ngược lại, nếu con được cha mẹ yêu thương vô điều kiện, chấp nhận cả những điều chưa hoàn hảo, con sẽ luôn cảm thấy bình an và hạnh phúc, an tâm nương tựa vào cha mẹ kể cả khi sóng gió lẫn bình yên, có một cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp.
Không so sánh con với người khác, khen ngợi tài năng của con
Cô Lanh cho biết, mỗi đứa trẻ là một thể độc đáo và duy nhất nên mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Con sẽ rất nhạy cảm và tổn thương nếu bị cha mẹ so sánh với một ai đó. So sánh không làm con trở nên tốt hơn mà chỉ khiến con cảm thấy mình thua kém người khác. Từ đó, sống thu mình, mất kết nối với cha mẹ, luôn nghĩ rằng bản thân vô dụng, không có giá trị, sau này dù có trưởng thành về thể xác nhưng đã sớm thua cuộc về tinh thần.
Mỗi đứa trẻ đều là thiên tài trong một lĩnh vực nào đó. Con có thể học Toán, Văn không giỏi nhưng con lại vẽ giỏi, hát hay. Con học không giỏi nhưng lại giỏi giao tiếp, quan sát, có khả năng suy luận tốt. Do vậy, cha mẹ không nên cảm thấy mất mặt nếu con không có thành tích học tập cao như bạn nọ, bạn kia. Thay vì chỉ nhìn vào những điểm yếu của con, điều cha mẹ cần tập trung là phát huy tiềm năng, thế mạnh của trẻ.
Nếu con có sở thích nào đó, cha mẹ hãy tin tưởng, khuyến khích con, miễn là sở thích đó tương hỗ cho sự thành công và tạo ra giá trị cho xã hội. Khi được cha mẹ tin tưởng, khen ngợi, coi trọng tài năng, mọi đứa trẻ đều cảm thấy hạnh phúc, tự tin thể hiện bản thân, trở thành phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình.
Cho con được thể hiện cảm xúc
Trẻ khóc khi buồn, la hét khi tức giận, thế nhưng nhiều cha mẹ thấy con khóc thì bắt nín, con đang hét thì bắt im. Theo cô Lanh, trong những tình huống này, cha mẹ không nên tìm cách dập tắt ngay những cảm xúc của trẻ. Thay vào đó, cần hỏi han trẻ: “Có có điều gì buồn à?”, “Chuyện gì khiến con tức giận như vậy”… rồi lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của con.
Sự thấu hiểu, chia sẻ của cha mẹ sẽ giúp con được thoải mái bộc lộ tâm trạng, những cảm xúc tiêu cực qua đó cũng được giải phóng. Còn nếu bắt con kìm nén, cảm xúc tiêu cực sẽ chất chứa, để làm “đông cứng” cảm xúc đó lại, trẻ có thể tìm đến game, rượu bia, thuốc lá...
Hạnh phúc không chỉ đến từ những thứ lớn lao mà có thể đến từ những điều nhỏ bé, giản đơn như được lắng nghe, chia sẻ.