3 chiến lược khôi phục du lịch của Hàn Quốc

- Thứ Năm, 06/01/2022, 06:47 - Chia sẻ
Du lịch là một trong 5 ngành công nghiệp hàng đầu đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho Hàn Quốc trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đã thực sự giáng đòn rất mạnh đối với ngành công nghiệp dịch vụ này. Theo Phó Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam Lee KyungTaek, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện 3 chiến lược lớn nhằm khôi phục và phát triển du lịch sau tác động của đại dịch.
	Khách du lịch Singapore đến Hàn Quốc theo chương trình “du lịch bong bóng” - Nguồn: Yonhap
Khách du lịch Singapore đến Hàn Quốc theo chương trình “du lịch bong bóng”
Nguồn: Yonhap

Thứ nhất, mở cửa du lịch an toàn. Chiến lược này nhằm mục tiêu hỗ trợ khôi phục những tổn thất do dịch bệnh Covid-19 gây ra thời gian qua, thúc đẩy du lịch nội địa hoạt động trong khuôn khổ an toàn và từng bước mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Để hỗ trợ phục hồi những tổn thất do Covid-19, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng quy mô hỗ trợ tín dụng (cho vay) đối với ngành du lịch, từ 594 tỷ won năm 2021 tăng lên 649 tỷ won năm 2022. Bên cạnh đó, gia hạn trả nợ tín dụng đã vay, giảm chi phí về tín dụng...

Thống kê chính của du lịch Hàn Quốc

* Số lượng khách du lịch nước ngoài: 17 triệu 500 nghìn người (năm 2019) → 2 triệu 520 nghìn người (2020)

* Lượng chi tiêu cho hoạt động du lịch: 94 nghìn tỷ won (2019) → 67 nghìn tỷ won (2020)

* Sản lượng từng ngành: (tính từ quý IV.2019 - quý III.2021, lấy 2015 là mốc tính tương ứng = 100):

▴Tổng ngành dịch vụ: 109,2 →111,3

▴Ngành du lịch: 130,7 →16.4

▴Ngành hàng không: 137,4 →22.3

▴Trang thiết bị vui chơi giải trí: 103,2 →58,3

▴Ngành kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ: 100,7 →76,7

* Thời gian trung bình một năm dành cho du lịch tính trên đầu người: 12,9 ngày (2019) và 7,7 ngày (2020)

* Tổng lượng khách du lịch trong và ngoài nước tới các điểm du lịch: 2 tỷ 635 triệu 190 nghìn người (2019) → 2 tỷ 194 triệu 450 nghìn người (2020) → 2 tỷ 186 triệu 430 nghìn người (2021)

* Lượng chi tiêu tại các điểm du lịch (thanh toán qua thẻ): 23 nghìn 289 tỷ 800 triệu won (2019) → 16 nghìn 578 tỷ 100 triệu won (2020) → 15 nghìn 653 tỷ 700 triệu won (2021)

Nguồn: Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam

Chính phủ cũng thực hiện chiến dịch Du lịch an toàn, cung cấp thông tin về mật độ tham quan tại các điểm du lịch để điều tiết lượng khách du lịch ở từng vùng; phát triển và giới thiệu các điểm đến an toàn trong nước. Mở rộng chính sách “hành lang du lịch”, từng bước giảm bớt thủ tục xét nghiệm PCR với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; mở rộng quảng bá du lịch Hàn Quốc trên quy mô lớn tới các thị trường nước ngoài nói chung và các chiến dịch quảng bá riêng cho từng thị trường quốc tế.

Thứ hai, thực hiện các hoạt động nhằm tăng sức hút của du lịch Hàn Quốc, như phát triển các nội dung mang tính khác biệt, mới lạ. Cụ thể, phát triển các nội dung thuộc làn sóng Hallyu đang dẫn đầu xu hướng như phim “Trò chơi con mực” (Quid game); trải nghiệm điểm du lịch hòa bình duy nhất trên thế giới (DMZ); trải nghiệm du lịch nghỉ ngơi tại chùa (Temple stay); các nội trải nghiệm liên quan đến Hanbok - trang phục truyền thống Hàn Quốc và Hangeul - chữ tiếng Hàn… Phát triển các hình thức du lịch mới như: Làm việc kết hợp nghỉ ngơi (Work + Vacation), du lịch ban đêm, du lịch cùng thú cưng, du lịch khám phá biển, đảo, bãi bồi, làng chài… tạo sức hút của các hình thức du lịch mới.

Bên cạnh đó, cải tiến cơ sở hạ tầng du lịch của từng vùng, như: Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông du lịch giúp du khách dễ dàng di chuyển từ sân bay đến chỗ nghỉ, nâng cao chất lượng dịch vụ giải đáp và hướng dẫn du lịch đa ngôn ngữ qua tổng đài 1330 (cung cấp dịch vụ hướng dẫn bằng tin nhắn với đa ngôn ngữ, gọi điện hỗ trợ khi gặp vấn đề cấp thiết…).

Thứ ba, tạo hệ sinh thái du lịch thông minh (Smart travel) và nâng cao tính bền vững của ngành du lịch nhằm xây dựng nền tảng của ngành du lịch trong tương lai. Cụ thể, mở rộng việc thiết lập các thành phố du lịch thông minh (Smart Travel City) ứng dụng công nghệ thông tin mũi nhọn bằng cách tạo nên hệ sinh thái du lịch thông minh cung cấp các dịch vụ như đặt chỗ và thanh toán thông minh, chuyển đồ tự động, trải nghiệm du lịch qua thiết bị và ứng dụng hiện đại VRAR… Cung cấp dịch vụ phù hợp với lịch trình du lịch của khách, phân tích dữ liệu du lịch có ứng dụng nền tảng dữ liệu lớn, cụ thể hóa điểm du lịch bằng việc ứng dụng nền tảng Metaverse. Chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp du lịch MICE và bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch số hóa, hỗ trợ phù hợp với từng bước tăng trưởng của các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đặc thù từ khi thành lập đến khi phát triển bền vững…

Ông Lee KyungTaek cho rằng, ngành du lịch toàn thế giới giai đoạn vừa qua đã phải gánh chịu cú đánh vô cùng lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ở thời điểm hiện tại, khi các loại vaccine đã được áp dụng trên diện rộng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng dịch bệnh sẽ sớm được khắc phục và theo đó du lịch quốc tế cũng sẽ sớm được tái khởi động. Tuy nhiên, chúng ta phải đưa ra những cuộc thảo luận mang tính quốc tế về việc  tìm cách ứng phó kịp thời kỳ dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại.

“Đã 2 năm trôi qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, tôi thấy rằng việc đóng cửa biên giới của các nước trên toàn thế giới là vấn đề khá nghiêm trọng. Trên thực tế, các quốc gia quyết định đóng cửa vì dịch bệnh phần lớn đều không thể duy trì được số ca nhiễm ở mức độ thấp. Ngành du lịch không thể trụ vững được nữa dẫn đến các ngành nghề khác và chính chúng ta gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Vì thế, xây dựng sẵn một quy trình cụ thể mang tính quốc tế nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh và áp dụng tại một số quốc gia tiêu biểu là vấn đề quan trọng nhất lúc này” - ông Lee KyungTaek nói.

Đỗ Vũ