3 Bà Chúa kho

ANH CHI 09/01/2011 08:06

Nhiều năm nay, đền thờ Bà Chúa kho ở thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, Bắc Ninh đã được truyền tụng trong đời sống tín ngưỡng. Nhưng, trong truyền thống dân tộc ta còn có 2 vị thần nữa được phong là Công chúa coi kho, tục gọi là Bà Chúa kho. Đó là Giám trưởng Quốc khố Công chúa (Công chúa giữ kho Nhà nước) và Giám thương Công chúa (Công chúa coi kho).

Đèn Bà Chúa kho ở Giảng Võ - Hà Nội
Đèn Bà Chúa kho ở Giảng Võ - Hà Nội


Bà Chúa trên Núi Kho

Đền thờ Bà Chúa kho ở thôn Cổ Mễ, từ nhiều năm nay rất nổi tiếng trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân ta. Tương truyền, Thần nữ được thờ phụng tại đền này vốn là người họ Trần, sinh vào cuối đời vua Lý Huệ Tông (1211 - 1224), quê làng Quả Cảm, xã Hòa Long, cách thôn Cổ Mễ chừng 3km. Từ thời con gái, bà đã theo mẹ vào Thăng Long buôn bán. Khi ấy, nhà Trần đã thay nhà Lý. Một hôm, hai mẹ con bà đang đi trên đường thì gặp xa giá nhà vua, và bà được nhà vua yêu mến cho vời vào cung, lập làm Hoàng phi thứ ba. Vua còn cho lập một cung phủ ở làng Quả Cảm để Hoàng phi ở mỗi khi về thăm cha mẹ; lại còn cho hưởng lộc ở 72 dân trang. Vài năm sau, Hoàng phi đang mang thai thì bị bệnh, qua đời. Vua thương xót, truy phong bà là Hoàng hậu, cho an táng và lập lăng trên núi Hoàng Nghinh, thuộc địa phận làng Quả Cảm, còn hạ chiếu cho 72 dân trang thờ bà làm Phúc thần. Trong số 72 dân trang đó, có trang Cổ Mễ, nay là thôn Cổ Mễ. Các nơi thờ phụng gọi Thần là Hoàng phi, Hoàng hậu, hoặc Vua Bà. Đền thờ thần ở Quả Cảm có bia đá ghi sự tích Hoàng phi; đền thờ thần ở Thượng Đồng thì có bia Vua Bà…

Từ đời Cảnh Hưng (1740 - 1786), nhà Lê, sắc phong cho các thần nữ thường có thêm danh hiệu Công chúa, mặc dù Thần đó vốn là Hoàng hậu hay Hoàng phi hoặc từ các tầng lớp ngoài Hoàng tộc. Bởi vậy mà các làng thờ Thần nữ hay gọi Thần là Công chúa, hay Bà chúa. Cả 72 dân trang có đền thờ Đệ tam Hoàng phi đều quen gọi Thần là Bà Chúa. Riêng đền thờ Thần ở Cổ Mễ, tọa lạc trên Lẫm Sơn (Núi Kho), nên được gọi là đền Bà Chúa kho.

Giám trưởng Quốc khố Công chúa

Ngoài Bà Chúa kho được thờ ở Cổ Mễ, trong truyền thống dân tộc ta còn có 2 vị thần nữa được phong là Công chúa coi kho. Đó là Giám trưởng Quốc khố Công chúa (Công chúa giữ kho Nhà nước) và Giám thương Công chúa (Công chúa coi kho). Giám trưởng Quốc khố Công chúa được thờ phụng ở đình Giảng Võ, làng Giảng Võ, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay. Tương truyền, bà tên tục là Lý Châu Nương, người phường Võ Trại (nay là Giảng Võ). Thuở nhỏ, được cha mẹ cho theo học ông thầy họ Ngô ở phường Bích Câu, nên 16 tuổi bà đã tinh thông võ nghệ, cưỡi ngựa, bắn cung đều giỏi. Năm 22 tuổi, bà lấy chồng là Trần Thái Bảo đang làm quan Đốc bộ Hoan Châu. Đời vua Trần Nhân Tông, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta. Ông Trần Thái Bảo đem quân cự giặc, bà Lý Châu Nương tự nguyện đứng ra chỉ huy quân sỹ bảo vệ kho tàng cho chồng yên tâm kháng chiến. Sau khi chiến thắng, vua Nhân Tông khen ngợi vợ chồng Trần Thái Bảo, hạ chiếu triệu họ về triều, phong Trần Thái Bảo giữ chức Quản lĩnh đạo quân bảo vệ Hoàng thành, và đặc cách cho bà Lý Châu Nương coi kho phủ ứng Thiên. Mấy năm sau quân Nguyên Mông lại sang xâm lược. Trần Thái Bảo chỉ huy quân sỹ chặn hậu cho cuộc rút lui chiến lược của triều đình. Lý Châu Nương chỉ huy quân binh chuyển kho, cất giấu vũ khí và của cải. Giặc tràn vào, bà cự nhau với chúng hàng chục trận. Sau đó, được tin chồng tử trận ở Thao Giang ngày 12.7, ngày 20.7 bà lấy khăn hồng che mặt và hóa. Dân gian truyền rằng, khi ấy có tiếng nổ vang như sấm, rồi chỉ thấy còn lại chiếc khăn hồng và đôi hài phượng…

Khi dẹp xong quân Nguyên Mông, vua Trần truy tặng Lý Châu Nương làm Giám trưởng Quốc khố Công chúa. Dân chúng vùng Diễn Châu, nơi bà cùng chồng đóng quân một thời, đã dựng đền thờ bà làm Phúc thần. Phường Võ Trại cho dựng ngôi đình thờ bà, dân làng được miễn tạp dịch phu phen và thuế, để chăm lo chu đáo việc thờ cúng. Đình Võ Trại, nay là đình Giảng Võ, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 20.7.1994.

Đền Bà Chúa kho ở Bắc Ninh
Đền Bà Chúa kho ở Bắc Ninh

Giám thương Công chúa

Giám thương Công chúa được thờ phụng tại đền Bản Tỉnh tọa lạc ở phía Bắc Vọng lâu Cột cờ, Nam Định. Tích chuyện về bà Công chúa coi kho này kể rằng: vào đời vua Tự Đức (1848 - 1883), quan Vệ úy coi thành Nam Định có người con gái tên là Bạch Hoa, giỏi võ nghệ mà chưa chịu lấy chồng. Năm 1872, thực dân Pháp đưa chiến thuyền ra Bắc, theo sông Hồng lên Vân Nam. Đó là cách họ kiếm cớ để đánh Bắc kỳ của nước ta. Quan Vệ úy giao việc coi kho cho Bạch Hoa, để dồn toàn tâm sức cùng các quan binh trong tỉnh Nam Định lo chuẩn bị cho việc bảo vệ thành. Ngày 10.12.1873, quân xâm lược Pháp tiến đánh thành Nam Định, và một ngày sau chúng đã tràn vào thành. Quan Vệ úy cùng quân sỹ chiến đấu cố giữ Cột cờ. Quân Pháp dồn ép mỗi lúc một mạnh hơn, tình thế quân ta trở nên nguy ngập. Nàng Bạch Hoa đã phải chia quân ra để một nửa ở lại coi kho, một nửa cùng nàng theo một ngõ nhỏ tiến đến Cột cờ trợ chiến. Giặc có ưu thế rất lớn về vũ khí tối tân. Đội quân của quan Vệ úy lần lượt hy sinh, và nàng Bạch Hoa cũng tử trận dưới chân Cột cờ…

Năm sau, theo hòa ước giữa triều đình nhà Nguyễn với quân Pháp, thì quân Pháp phải rút khỏi Bắc kỳ. Triều đình xét công, phong tặng những người tiết nghĩa. Vua Tự Đức đã truy phong Bạch Hoa là “Tiết liệt anh phong Giám thương Công chúa” (Công chúa coi kho anh phong tiết liệt), và xuống chiếu cho xây miếu thờ Công chúa ở chân Cột cờ, nơi Bà đã hy sinh vì nước. Nhân dân Nam Định tôn Bà làm “Thành hoàng đương cảnh Bản xứ thổ thần”, và xây đền ở phía Bắc Vọng lâu Cột cờ thành Nam, gọi là đền Bản Tỉnh, để thờ phụng Bà.

Như vậy, từ ngôi đền nổi tiếng ở Cổ Mễ, Bắc Ninh được dân gian gọi là đền Bà Chúa kho, còn có 2 Công chúa coi kho nữa, thể hiện một truyền thống của dân tộc ta trong việc bảo vệ kho lẫm của quốc gia. Những Bà Chúa coi kho đã được vinh danh trong đời sống văn hóa tín ngưỡng dân tộc là một niềm tự hào của người Việt Nam ta.

    Nổi bật
        Mới nhất
        3 Bà Chúa kho
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO