24 giờ làm Cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định

Nhật Trường 30/04/2022 07:32

Với vị trí Chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, luật sư Triệu Quốc Mạnh (tức Bảy Mạnh) đã vô hiệu hóa, làm tê liệt hoàn toàn lực lượng cảnh sát của chế độ cũ trước ngày quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30.4.1975.

Người trí thức cấp tiến

Luật sư Triệu Quốc Mạnh kể về thời kỳ hoạt động cách mạng trong lòng địch của mình Ảnh: Nhật Trường
Luật sư Triệu Quốc Mạnh kể về thời kỳ hoạt động cách mạng trong lòng địch của mình

Ảnh: Nhật Trường 

Sinh năm 1941 tại Sài Gòn, từ nhỏ, Triệu Quốc Mạnh đã chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, vì thế trong ông luôn thôi thúc ước vọng về hòa bình. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn, ông Mạnh tiếp tục học tiến sĩ kinh tế. Năm 23 tuổi, ông được bổ nhiệm và trở thành thẩm phán trẻ nhất trong ngành tư pháp Sài Gòn. Cùng lúc, ông được giới thiệu vào Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Đây là "lực lượng thứ ba” quy tụ trí thức yêu nước thuộc mọi thành phần với mục tiêu hòa hợp dân tộc, sớm thống nhất đất nước.

Năm 1966, ông Mạnh được kết nạp Đảng, hoạt động tự do "như một trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước theo hướng hòa giải dân tộc". Cũng năm đó, ông được bổ nhiệm làm thẩm phán hàng thứ ba trong số 9 thẩm phán của Tư pháp Sài Gòn. Năm 1971, 30 tuổi, ông được thăng lên Đệ nhất Phó biện lý của Tòa Sài Gòn - Gia Định.

Từ Thái Lan về nước năm 1970, Dương Văn Minh mau chóng gần gũi Hội Luật sư do luật sư Trần Ngọc Liễng làm Tổng Thư ký và luật sư Triệu Quốc Mạnh làm Phó Tổng thư ký nhằm tạo hậu thuẫn chính trị về sau. Những ngày giữa tháng 4.1975, dù Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa từ chức Tổng thống nhưng Dương Văn Minh biết chắc mình sẽ là người lên thay nên đã sớm lên danh sách nội các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, trong đó có tên Triệu Quốc Mạnh.

Ông Mạnh nhớ lại, lúc đó ông tìm mọi cách bắt liên lạc với người của ta để xin ý kiến chỉ đạo nhưng không được. Tình thế cấp bách, với suy nghĩ “việc gì có lợi cho cách mạng thì làm”, ông đã nhận lời tham gia nội các của chính quyền Dương Văn Minh khi chưa được cấp trên cho phép.

Ngày 28.4.1975, tại buổi trình diện Chính phủ mới, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh gợi ý luật sư Triệu Quốc Mạnh chọn một trong 3 đơn vị là Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, Bộ Chỉ huy Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định. Ông Mạnh chọn Bộ Chỉ huy Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định bởi vào vị trí đó ông có thể kiểm soát được lực lượng cảnh sát, tạo điều kiện cho quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Vô hiệu hóa lực lượng cảnh sát

Ông Mạnh chia sẻ, ngồi vào bộ máy chỉ huy của Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định là phải chấp nhận mọi rủi ro. Đây là bộ máy cực kỳ nhạy bén với chiến tranh, được đào tạo từ chính quyền Pháp đến Mỹ, sức chiến đấu giống như quân đội.

Sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống, Trần Văn Hương tạm nắm quyền hành trước khi chuyển giao cho Dương Văn Minh, ra sức kích động các lực lượng phản kháng giữ dội. Chiến sự Sài Gòn khi đó rất khó lường. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã suy yếu nhưng vẫn còn một lực lượng chống trả quân cách mạng đến cùng.

Ngày 28.4.1975, 5 cánh quân của ta áp sát Sài Gòn. Quân ngụy đang tập trung lực lượng cố thủ. Bên cạnh việc một số tướng, tá, chỉ huy đã đào tẩu, vẫn còn chỉ huy các đơn vị đề nghị người đứng đầu Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định chi viện, điều binh. Thời điểm đó, lực lượng cảnh sát Sài Gòn còn 17.000 quân, bố trí khắp 11 quận nội thành và 7 quận ngoại thành.

Dù là chỉ huy cao nhất của Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, nhưng ông Mạnh lúc đó như ngồi trên đống lửa, bởi nếu để các sĩ quan khác nghi ngờ, ông sẽ gặp nguy hiểm ngay. Ông Mạnh cho biết, đây là lực lượng cảnh sát tác chiến, phải có phong cách của một người chỉ huy quân sự thì mới chỉ huy được. “Khẩu khí, ngôn ngữ, cách ra lệnh phải theo phong cách quân sự mới có được cái uy để chúng nghe mình, tránh những nghi ngờ”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm luật sư, thẩm phán, tiếp xúc nhiều với cảnh sát nên ông Mạnh cũng hiểu về đơn vị này. Lực lượng cảnh sát có một bộ máy rất nhạy bén, lệnh ra phải làm, không có thảo luận. Khi nắm quyền chỉ huy, ông suy nghĩ phải làm sao khi ra lệnh phải đúng ý đồ của mình, đúng với mục tiêu của cách mạng, cũng phải hài hòa với ý đồ của chính quyền Sài Gòn và các lực lượng chính trị khác tại thành phố.

Ngày 29.4.1975, luật sư Triệu Quốc Mạnh, lúc này đã là Chuẩn tướng, đến Bộ Chỉ huy lực lượng Cảnh sát Sài Gòn - Gia định bắt đầu công việc mới. Gặp các sĩ quan chỉ huy dưới quyền, ông lớn giọng tuyên bố: “Tôi đến nhận nhiệm vụ chỉ huy trưởng ở đây và tôi cũng là một bộ phận trong đoàn thương thuyết của Tổng thống”. Ông Mạnh tự bịa ra việc thương thuyết đã đạt kết quả 60%, bởi theo ông, nếu nói con số lớn hơn họ không tin, còn thấp quá thì họ không ủng hộ. “Phải làm cho họ tin mình thì mới chỉ huy được”.

Chuẩn tướng Triệu Quốc Mạnh ra lệnh cho toàn bộ lực lượng cảnh sát phải bày tỏ thiện chí với Cộng sản để thuận lợi cho việc thương thuyết. Ông suy tính, phải thả hết tù chính trị, mà thả rồi không được để bắt lại. Muốn không ai bị bắt lại, phải giải thể toàn bộ F - một lực lượng cảnh sát đặc biệt được trang bị mạnh cả về vũ khí và phương tiện, chuyên đi bắt cán bộ cách mạng.

Giải thể toàn bộ F, đồng nghĩa với việc Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định mất đi một cánh tay đắc lực. Sau đó, ông Mạnh lấy danh sách 150 tù chính trị đang bị giam giữ, trực tiếp đến các nhà tù để thả người. Từ đài chỉ huy cảnh sát, ông liên tục ra thông báo các đơn vị án binh bất động, không được nổ súng trước để tạo thiện chí với quân cách mạng. Nếu bắt được Cộng sản thì phải dẫn đến ông để giải quyết, tuyệt đối không được tự ý hành động.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975 Nguồn: ITN
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975

Nguồn: ITN 

Tình hình chiến sự ngày càng xấu đi với chính quyền Sài Gòn. Hiểu được các sĩ quan, binh lính dưới quyền đang rất sốt ruột, lo lắng cho gia đình, Chuẩn tướng cho phép họ được trở về nhà. Đêm cuối cuộc chiến, để bảo đảm tính mạng, ông không về nhà mà đến ở chỗ khác. Ngày quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, các đồn cảnh sát không một tiếng súng.

Sau ngày thống nhất đất nước, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã được chứng minh thân phận thật của mình và bắt đầu cuộc sống mới. Được cất cử nhiều vị trí của chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhưng ông từ chối. Ông làm bào chữa viên nhân dân vì đúng chuyên môn. Sau này ông tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và hiện là thành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi gặp luật sư Triệu Quốc Mạnh tại tư gia. Ở tuổi 81, ông vẫn minh mẫn, hàng ngày tìm kiếm niềm vui trong việc tư vấn pháp luật cho người dân, viết sách, nghiên cứu các vấn đề xã hội. Đã gần 50 năm trôi qua, cảm xúc trong ông về ngày 30.4.1975 vẫn vẹn nguyên. “Tôi là người hoạt động cách mạng với mong muốn có được hòa bình, độc lập. Cho nên ngày im tiếng súng, tôi cực kỳ vui sướng và thấy mình đã làm được điều gì đó có ích cho cách mạng. Tôi hài lòng vì là một chiến sĩ phục vụ cho hòa bình, độc lập dân tộc”, luật sư Triệu Quốc Mạnh bộc bạch.

    Nổi bật
        Mới nhất
        24 giờ làm Cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO