Đọc sách

21 bài học cho thế kỷ 21

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 07:29 - Chia sẻ

Tác giả của Sapiens - lược sử loài người mà mọi thế hệ đều nên đọc, trở lại với 21 bài học cho thế kỷ 21. Từ góc nhìn một nhà khoa học về tương lai, tác giả Yuval Noah Harari (người Israel) hình dung ra thế giới của chúng ta khi chịu tác động của kỷ nguyên số.

Có thể dẫn một số đoạn gây ấn tượng trong sách này:

“Một kẻ thù chung là chất xúc tác tốt nhất để rèn nên một bản sắc chung và loài người bây giờ đang có ít nhất ba kẻ thù như vậy: chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và sự đứt gãy công nghệ” (trang 160). Từ năm dịch bệnh 2020, nhân loại có thêm một kẻ thù chung nữa: sự phát tán virus gây bệnh trên toàn cầu (HAT).

“Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng chiến tranh là bất khả. Ngay cả nếu chiến tranh có là thảm họa cho tất thảy con người, không vị thần và không luật lệ tự nhiên nào bảo vệ chúng ta khỏi sự xuẩn ngốc của loài người.

Liều thuốc khả dĩ cho sự xuẩn ngốc đó là khiêm tốn. Các căng thẳng dân tộc, tôn giáo và văn hóa trở nên tệ hại hơn vì cảm giác phô trương rằng dân tộc tôi, tôn giáo tôi và văn hóa tôi là quan trọng nhất trên thế giới, do đó các lợi ích của tôi phải đứng trước lợi ích của bất kỳ ai khác hay của cả nhân loại” (trang 226).

“Mỗi năm có gần 1,25 triệu người chết trong các tai nạn giao thông (gấp đôi số người chết vì chiến tranh, tội phạm và khủng bố cộng lại)” (trang 44).

“Nếu ngày nay Mỹ tấn công một nước sở hữu dù chỉ năng lực chiến tranh mạng trung bình, thì cuộc chiến có thể đưa đến California hay Illinois chỉ trong vài phút. Các mã độc và bom logic có thể làm dừng không lưu ở Dallas, khiến tàu hỏa đâm vào nhau ở Philadelphia và đánh sập mạng lưới điện ở Michigan” (trang 224).

“Người Israel thường dùng thuật ngữ “ba tôn giáo vĩ đại”: Cơ Đốc giáo (2,3 tỷ tín đồ), Hồi giáo (1,8 tỷ), Do Thái giáo (15 triệu).

Hindu giáo (1 tỷ), Phật giáo (500 triệu), Shinto (50 triệu), Sikh (25 triệu)… Đây là một ý tưởng vô căn cứ và xấc xược, phớt lờ rất nhiều truyền thống đạo đức quan trọng nhất thế giới” (trang 233). Lưu ý: tác giả là người Israel (HAT).

“Nhiều tôn giáo ca tụng giá trị của sự khiêm nhường nhưng lại nghĩ mình là thứ quan trọng nhất trong vũ trụ. Họ lẫn lộn các lời kêu gọi cá nhân phải khiêm tốn với sự tự đại tập thể hơi lố” (trang 245).

“Vĩnh hằng ít nhất là 13,8 tỷ năm, tuổi hiện tại của vũ trụ. Hành tinh trái đất hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước và con người thì tồn tại được ít nhất 2 triệu năm. Trái lại thành phố Jerusalem được thành lập chỉ 5.000 năm trước và người Do Thái thì khoảng 3.000 năm tuổi. Điều đó khó có thể gọi là vĩnh hằng.

Còn về tương lai, vật lý cho ta biết hành tinh trái đất sẽ bị một mặt trời đang nở ra nuốt trọn khoảng 7,5 tỷ năm nữa tính từ bây giờ và vũ trụ của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại ít nhất 13 tỷ năm nữa. Có ai nghiêm túc tin rằng người Do Thái, hay nhà nước Israel, hay thành phố Jerusalem, sẽ vẫn tồn tại sau 13.000 năm, chưa nói đến 13 tỷ năm?” (trang 336).

“Đặc biệt cẩn trọng khi nghe bốn từ sau: hy sinh, vĩnh hằng, thuần khiết, cứu chuộc. Nếu bạn nghe thấy bất cứ từ nào trong số này, bật chuông báo động lên. Và nếu bạn tình cờ sống ở một nơi mà người lãnh đạo thường xuyên nói những thứ như “Sự hy sinh của họ sẽ cứu chuộc sự thuần khiết của dân tộc vĩnh hằng của chúng ta” thì hãy biết là bạn đang gặp rắc rối to rồi đấy” (trang 376).

------

* 21 bài học cho thế kỷ 21, Yuval Noah Harari, Dương Ngọc Trà dịch, Nhã Nam và NXB Thế giới 2019.

Hồ Anh Thái