2013 - năm sóng gió của châu Á

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:30 - Chia sẻ
Thế kỷ châu Á, danh hiệu ghi nhận những thành tựu phát triển vượt bậc của châu lục này, đã và đang phải chịu những thử thách không hề nhỏ trong năm 2013 với những mối quan hệ phức tạp đan xen các sự kiện đầy sóng gió.

Trong những điểm nóng của châu Á năm nay không thể nhắc tới Đông Bắc Á. Có thể nói, 2013 là một trong những năm đầy bất ổn đối với Đông Bắc Á khi mâu thuẫn giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực được đẩy lên những nấc thang mới. Các cuộc khẩu chiến giữa Nhật Bản với Trung Quốc và với Hàn Quốc, giữa CHDCND Triều Tiên với Hàn Quốc và với Nhật Bản đã diễn ra một cách thường xuyên hơn và ngày càng quyết liệt hơn. Tâm điểm của các cuộc khẩu chiến đó vẫn là vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.


Các tranh chấp này bao gồm tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý, tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima/Dokdo mà Seoul đang quản lý, tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga đối với quần đảo Kuril do Moscow đang quản lý mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, và tranh chấp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đối với bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu do Seoul đang quản lý. Đáng chú ý, vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật - Trung đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết do các hành động quyết đoán hơn của Trung Quốc.

Đặc biệt là, trong một động thái nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản, hồi cuối tháng 11, Trung Quốc đã đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Đáng chú ý, ADIZ của Trung Quốc bao trùm không chỉ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn cả bãi đá ngầm Ieodo/Tô Nham Tiêu mà Seoul đang kiểm soát và một phần không phận xung quanh đảo Jeju của Hàn Quốc. Điều này đã gây bão trong quan hệ không chỉ với Nhật Bản mà còn ảnh hưởng đến “tuần trăng mật” trong quan hệ Trung – Hàn, báo hiệu những mâu thuẫn khó hàn gắn trong thời gian tới.

Còn tại bán đảo Triều Tiên, tình hình cũng dường như ngày càng leo thang mà đỉnh điểm là Bình Nhưỡng đã cắt đứt đường dây liên lạc quân sự với Hàn Quốc, kênh liên lạc trực tiếp cuối cùng giữa hai miền, đồng thời có lúc đóng cửa khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng hữu nghị liên Triều. Ngay bản thân nội bộ Triều Tiên trong những ngày cuối năm cũng xảy ra một sự kiện gây chấn động thế giới khi ông Jang Song-thaek, chú dượng của nhà lãnh đạo Kim Jong un, người từng được coi có quyền lực lớn thứ hai ở Triều Tiên bị xử tử hình với cáo buộc “phản cách mạng”. Thực tế là trước đó, một số nhân vật cấp cao cũng bị phế truất trong chính quyền mới của ông Kim Jong un. Sự kiện trên báo hiệu một năm tới sẽ có nhiều biến động căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên.

Điểm nóng tiếp theo không thể không nhắc tới là Trung Đông, một phần của lục địa châu Á. Nếu như điểm nóng Iran năm 2013 đã dịu đi nhiều sau khi Iran và nhóm P5 + 1 đạt được thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân, thì nội chiến ở Syria và bất ổn tại Ai Cập vẫn luôn lên trang đầu của các báo. Đã có những lúc tưởng như Damascus chuẩn bị hứng chịu chiến tranh chồng chiến tranh khi phương Tây đe dọa can thiệp quân sự vào nước này. Tuy nhiên, nhờ sáng kiến hòa bình của Tổng thống Nga Putin, Syria đã tránh được nguy cơ đó sau khi Nga - Mỹ đạt được thỏa thuận đột phá về tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria (được đánh giá lớn thứ 3 thế giới) chậm nhất vào giữa năm 2014. Thỏa thuận mở ra triển vọng tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua ở Syria với điểm hẹn là Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần thứ hai, dự kiến sẽ diễn ra ngày 22.1.2014 tại Geneva, Thụy Sĩ. 

Trong khi đó, sau khi tổng thống được dân bầu Mohammed Morsi bị lật đổ, khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đã khiến tình hình nước này vốn chưa được bình yên lại càng thêm bất ổn với các cuộc biểu tình và đụng độ xảy ra thường xuyên để phản đối chính phủ lâm thời của Tổng thống Atly Mansour thông qua dự thảo Hiến pháp sửa đổi và Luật biểu tình.

Nhìn sang Đông Nam Á, chính trường Campuchia và Thái Lan đã và đang phải chịu nhiều sóng gió. Với cáo buộc gian lận bầu cử tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa V dẫn tới chiến thắng sít sao dành cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, đảng Cứu quốc dân tộc Campuchia (CNRP) đã phát động biểu tình và tẩy chay phiên họp Quốc hội đầu tiên, gây cản trở tiến trình thành lập chính phủ và bất ổn cho xã hội.

Trong khi đó, Thái Lan hiện đang phải chống chọi với làn sóng biểu tình của phe đối lập đòi chính phủ của bà Yingluck Sinawatra từ chức. Khủng hoảng nổ ra sau khi chính phủ đề xuất trình Quốc hội về luật Ân xá, mở đường cho sự trở lại của cựu Thủ tướng Thaksin, anh trai của đương kim Thủ tướng. Những bất ổn trên chính trường đã khiến cho nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của người dân trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang suy yếu.

Không chỉ đối mặt với tình hình chính trị bất ổn và những căng thẳng trong các mối quan hệ láng giềng, châu Á năm vừa qua cũng phải gánh chịu những thảm họa đến từ tự nhiên. Siêu bão Hải Yến đổ bộ hồi trung tuần tháng 11 vừa qua đã khiến hơn 4 triệu người Philippines rơi vào thảm kịch ngoài con số gần 7 nghìn người thiệt mạng và mất tích. Trước đó, hồi tháng 6, một trận mưa dữ dội đổ xuống bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ trong nhiều ngày, đã gây ra lũ lụt, lở đất nghiêm trọng. Đây là thiên tai tồi tệ nhất ở Ấn Độ sau sự kiện sóng thần năm 2004 và khiến hơn 6 nghìn người thiệt mạng.

Những bất ổn và thảm họa thiên nhiên nói trên đã phần nào làm giảm bớt sự lấp lánh của những tiến bộ mà châu Á, châu lục phát triển năng động nhất thế giới, đạt được. Để châu Á vẫn vững vàng trong thế kỷ XXI, các nước trong khu vực cần bắt tay nhau tìm ra những giải pháp hòa giải, vì lợi ích của đôi bên.

Thái Ngọc