2007 và WTO

31/12/2006 00:00

Trở thành thành viên 150 của WTO, nền kinh tế Việt Nam cạnh tranh ngang bằng với 149 thành viên còn lại của tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu. Dư âm thành công của Việt Nam với APEC 14 Hướng tới một Cộng đồng Năng động vì Phát triển Bền vững và Thịnh vượng vẫn vang lên trên chính trường quốc tế; Vốn cam kết hỗ trợ phát triển chính thức ODA của các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam là 4 tỷ 450 triệu USD - lớn nhất từ trước tới nay; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào trong nước hơn 10 tỷ USD - mức lớn nhất kể từ khi Luật Khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực...; Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là 8,2% - năm thứ 2 liên tiếp GDP đạt trên 8%. v.v...và v.v...

      Những thành tựu của nền kinh tế năm 2006 là nền tảng quan trọng để chúng ta vững bước vào năm 2007 trong điều kiện là thành viên của WTO. Kiêu hãnh nhưng đầy thử thách. Cụm từ tăng trưởng chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa cao gắn liền một vấn đề lớn - một câu hỏi đầy trăn trở và trách nhiệm...
      Bắt đầu ra chợ WTO...
      Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỷ USD. Cùng với gần 40 tỷ USD ấy là tên tuổi hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam được nhắc đến nhiều hơn trên thị trường thế giới, là những chuyển dịch trong sản xuất kinh doanh ở trong nước, là những việc làm được tạo thêm cho lao động Việt Nam, là thu nhập của người lao động, của mỗi doanh nghiệp và của nền kinh tế tăng lên. Nhưng đồng hành giá trị 40 tỷ USD ấy cũng là những âu lo thực tế nhất phải tính đến trong năm 2007. Đó là một số mặt hàng thủy sản Việt Nam đang có nguy cơ bị cấm ở thị trường Nhật chỉ vì lối làm ăn tắc trách của doanh nghiệp. Là mối nguy về hàng dệt may bị giám sát ở thị trường Mỹ với khả năng bị kiện bán phá giá vì bị hàng dệt may của nước ngoài chuyển tải bất hợp pháp, mạo danh hàng dệt may Việt Nam. Đó là phải bỏ ra quá nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu hàng xuất khẩu như hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ. Đó là làm sao để tiết kiệm được tài nguyên, hạn chế xuất khẩu than, khoáng sản, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, làm sao tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu ra thị trường thế giới? Ngay cả về phương thức bán hàng, hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn phải bán dạng FOB, tức là giao hàng ngay tại cảng nước mình mà không được quyền chuyên chở và bán bảo hiểm, trong khi hàng nhập khẩu lại theo dạng  CIF - tức là lại phải thuê chuyên chở của nước ngoài và mua bảo hiểm của nước ngoài. Gạo Việt Nam giờ đây vẫn bán với giá thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan. Cà phê Việt Nam ra thế giới vẫn chỉ là cà phê nhân, trong khi trong tổng giá bán 1 cốc cà phê đến tay người dùng ở các nước phát triển, các nhà rang xay thu nhập đến hơn 90%, người nông dân trồng cà phê chỉ thu được có 8%. Thách thức trong điều kiện cạnh tranh mới của nền kinh tế vẫn là làm sao chủ động được về giá cả, về thông tin thị trường cho doanh nghiệp, cho người sản xuất, làm sao đa dạng hóa thị trường, để hàng Việt Nam cạnh tranh được ở  những thị trường khác nhau trên thế giới rộng lớn này, làm sao để đừng đi ra chợ WTO với tất cả trứng chỉ trong một chiếc giỏ mong manh.  
      Năm 2007 nước ta bắt đầu thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa dịch vụ vào thị trường trong nước. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam tự do vươn ra thị trường của các thành viên WTO thì các thành viên này cũng dễ dàng vào thị trường Việt Nam theo những cam kết 2 chiều. Đây là thách thức khá lớn đối với các ngành sản xuất, đối với từng doanh nghiệp. Chúng ta sẽ cạnh tranh với hàng hóa dịch vụ của tất cả các thành viên WTO không chỉ ở thị trường thế giới mà ở ngay chính thị trường nội địa.
      ...và từ hôm nay, 1.1.2007- thách thức gắn liền với thực tế
       Năm 2007 được nhiều người gọi là năm WTO, bởi chúng ta trở thành thành viên của WTO. Thế nhưng không chỉ đơn giản ở cách gọi như thế, bởi WTO gắn liền với những cam kết thiết thực nhất. Điều hành giá cả của Chính phủ năm 2007 sẽ theo hướng mới phù hợp với những cam kết với WTO, phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số nguyên liệu quan trọng đầu vào sản xuất của doanh nghiệp như xi măng, sắt thép, phân bón sẽ kinh doanh theo giá thị trường, không bù lỗ giá xăng, giảm bù lỗ giá dầu, không bù lỗ giá than trừ cung cấp cho phát điện, và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán điện phù hợp. Có nghĩa là giá cả các mặt hàng quan trọng này đều theo xu hướng tăng lên, và tăng ngay lập tức từ hôm nay- 1.1.2007. 
      Giải pháp đặt ra là giảm chi phí, thực hành tiết kiệm, giảm giá thành nhưng giữ vững và nâng cao chất lượng nghe có vẻ là nghịch lý. Nhưng nếu không chấp nhận nghịch lý có lý này thì doanh nghiệp khó tồn tại trên thương trường. Người dân sẽ làm quen với những biến động giá bất thường trên thị trường thế giới, Chính phủ chỉ can thiệp khi có biến động giá quá lớn đối với những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Người dân sẽ phải bình tĩnh hơn để không xảy ra tình trạng đua chen xếp hàng mua vàng hay đô la khi giá lên rồi lại hốt hoảng bán ra khi giá xuống như đã từng xảy ra. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng sẽ phải thận trọng hơn khi quyết định đầu tư trên sàn giao dịch, không thể mua vào hay bán ra theo kiểu phong trào như hồi tháng 4 hay ngay cả những ngày cuối cùng của tháng 12 năm 2006. Thị trường chứng khoán sẽ phải trở thành kênh huy động vốn của doanh nghiệp đúng nghĩa của nó.
      Mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2006 FDI lên đến hơn 10,2 tỷ USD và càng về cuối năm, sau khi chúng ta gia nhập WTO và tổ chức thành công APEC 14, các dự án càng dồn dập đổ vào trong nước. Kết quả điều tra mới đây của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) về triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong 3 năm tới thì Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách 10 nước có triển vọng nhất đối với các hoạt động kinh doanh hải ngoại trung hạn của các doanh nghiệp Nhật Bản, tăng một bậc so với năm ngoái và lần đầu tiên vượt qua Thái Lan. Những con số và sự kiện này có thể làm choáng ngợp nhiều người trong chúng ta, bởi quả thật đây là những con số thật ấn tượng, một minh chứng rõ ràng về sự ổn định chính trị của đất nước, sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Ba điểm hấp dẫn lớn nhất của chúng ta đối với các nhà đầu tư là thị trường nhân công rẻ, tiềm năng tăng trưởng của thị trường lớn và giúp phân tán rủi ro khi quá tập trung vào một thị trường hay một khu vực.
      Ở trong nước, hàng trăm nghìn doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước được thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy sự hài lòng của doanh nghiệp với môi trường đầu tư mới chỉ dừng ở mức "tương đối". Vẫn còn đó là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở một bộ phận cán bộ công quyền. Chuyện tham nhũng thất thoát tài sản của Nhà nước xảy ra ở Ban Quản lý dự án 18 ( PMU 18)- Bộ Giao thông Vận tải là một ví dụ đau xót. Hàng loạt giấy phép không hợp pháp vẫn được ban hành và cản trở hoạt động kinh doanh đúng pháp luật của doanh nghiệp và người dân. Dù rằng đó chỉ là số ít và đó chỉ là cảm quan của doanh nghiệp nhưng rất đáng suy nghĩ. Nếu không có những thay đổi kịp thời, 1.200 nhà đầu tư nước ngoài tham dự APEC 2006 sẽ bỏ qua cơ hội đầu tư vào Việt Nam năng động và thân thiện. Có thể nào chúng ta lại để những hiện tượng tiêu cực kia làm mất đi ý nghĩa của kết quả điều tra của Nhật Bản. Trong hội nhập WTO, với những điều khoản mà mỗi thành viên WTO đã cam kết - trong đó có chúng ta, thì những điều đó không thể tồn tại. Đây cũng chính là thách thức lớn trong năm 2007 - năm đầu tiên gia nhập WTO.
      Điểm nhấn 2007
      2007 và WTO- Đó chính là điểm nhấn của nền kinh tế chúng ta hiện nay. Cơ hội mở ra và thách thức cùng đấy. Năm 2007, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế , một trong những điểm chính tác động đến nền kinh tế là thuế nhập khẩu giảm mạnh. Mức thuế trung bình sẽ giảm từ khoảng 17,4% xuống mức bình quân 13,4, trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu hàng nông sản giảm từ bình quân 23,5% xuống còn 20,9% Thuế suất nhập khẩu hàng công nghiệp giảm từ mức trung bình 16,8% hiện nay xuống còn 12,6%, Tuy nhiên, việc cắt giảm này sẽ theo lộ trình đã cam kết, nhưng có điều là khó khăn đấy nhưng thuận lợi cũng là đấy. Giảm thuế NK các mặt hàng công nghiệp sẽ làm tăng hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu - lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu hàng nhập khẩu hiện nay. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.
      Trong điều kiện cam kết cắt và giảm thuế với WTO, chúng ta đặt mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế từ 8,2 đến 8,5% trong năm nay, đạt khoảng 70 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 820 USD, tổng giá trị xuất khẩu 45,2 tỷ USD, tổng đầu tư toàn xã hội bằng 40% GDP. Trong đó chuyển dịch cơ cấu ngành trong GDP để đạt được tỷ lệ nông nghiệp 19,5%, công nghiệp và xây dựng 42%, dịch vụ là 38,5%.
      Năm 2007, hàng loạt luật đã được Quốc hội thông qua, được Chủ tịch Nước ký lệnh ban hành và có hiệu lực, đặc biệt là các luật điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, đây là hành lang pháp lý vững chắc và thuận lợi cho mọi hoạt động đầu tư phát triển nền kinh tế. Hàng loạt chính sách điều hành của Chính phủ cũng đã được ban hành. Với những hành trang này, chúng ta cùng xốc tới cùng  năm 2007 !

Lý Thái Phương

    Nổi bật
        Mới nhất
        2007 và WTO
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO