20 năm sau Maastricht, EU mệt mỏi với những ý tưởng lớn
Hai mươi năm sau khi Hiệp ước Maastricht có hiệu lực, đánh dấu sự ra đời của đồng tiền chung châu Âu, công cuộc tìm kiếm “một liên minh gắn kết hơn bao giờ hết” của Liên minh châu Âu (EU) đang đi vào ngõ cụt, khi người dân mệt mỏi trong vòng xoáy của khủng hoảng nợ.
![]() Nguồn: Presseurope |
Hiệp ước Maastricht lập ra các giới hạn đối với thâm hụt ngân sách quốc gia, cụ thể ở mức 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 60% tổng nợ công. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là các quy định này không mang tính bắt buộc đối với mọi thành viên và vì thế, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp thường xuyên “phá rào” mà không bị trừng phạt.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ cuối năm 2007, nhiều nước Eurozone phải đối mặt với núi nợ công chồng chất và ít lâu sau đó, các khoản cứu trợ tăng mạnh, khiến có tới 25/27 nước thành viên EU vi phạm các quy định của Hiệp ước Maastricht. Hiện các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực khắc phục thiệt hại khi đặt 17 nước Eurozone vào các khuôn khổ với khung hình phạt nghiêm khắc.
Nhìn lại cuộc thương lượng dẫn tới sự ra đời của Hiệp ước Maastricht, chuyên gia phân tích Daniel Gros đến từ Trung tâm Nghiên cứu chính trị châu Âu cho rằng chính phủ các nước đã hết sức miễn cưỡng khi phải đưa ra lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết. Theo ông, những người đặt bút ký vào Maastricht khi đó cũng giống như những vị tướng lĩnh quân sự, thường lo ngại về những cuộc chiến trong quá khứ thay vì nghĩ tới những nguy cơ trước mắt. Đó là lý do Hiệp ước Maastricht quan tâm hơn tới việc kiềm chế lạm phát nhưng lại không lường trước được những rắc rối mang tính hệ thống có thể xảy ra với các ngân hàng. Hiệp ước Maastricht đã không trang bị cho châu Âu vũ khí để đối diện với những thách thức đe dọa ổn định tài chính khi châu lục này rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, Nicolas Veron, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Bruegel, nhắc lại rằng ngay từ khi Eurozone ra đời, nhiều nhà kinh tế đã cảnh báo đây là một kế hoạch điên rồ về lưu hành một đồng tiền chung trên một nền móng lỏng lẻo, không có sự đồng nhất về kinh tế, chính trị và hệ thống ngân hàng giữa các nước. Điều này đã được chứng minh qua cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua. Thiếu đi nền tảng căn bản này, khi các ngân hàng sụp đổ đồng nghĩa với việc toàn bộ hệ thống bị đặt bên bờ vực và Eurozone rơi vào suy thoái sâu là khó tránh khỏi. Bước đi tiếp theo là chính phủ các nước buộc phải vội vàng áp dụng các chính sách khắc khổ.
Để cứu vãn tình thế, các nhà lãnh đạo EU đã thúc đẩy các cuộc cải cách để đưa châu Âu trở lại quỹ đạo, mà đến nay vẫn chưa có tác dụng. Vì lẽ đó, theo ông Giuliani, Hiệp ước Maastricht sẽ là lần cuối cùng EU lấy mình ra làm “vật thí nghiệm”.
Mở rộng ra, đây cũng có thể sẽ là lần cuối cùng châu Âu cân nhắc về một ý tưởng lớn, là kim chỉ nam chi phối hành động của các nước thành viên. Cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing, đồng thời là một trong các nhân vật chủ chốt thiết lập đồng euro, cũng cho rằng châu Âu chỉ nên hướng tới một mục tiêu chung là trở thành cường quốc kinh tế để cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ dựa trên sự phát triển của cá nhân mỗi quốc gia. Các ý tưởng về cải cách hệ thống thuế và phúc lợi xã hội cùng với sự quản lý tập trung hóa của nhà nước chung cho toàn châu lục là khá xa vời.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế mới đây, châu Âu đang rơi vào một giai đoạn nghèo túng kéo dài và ngày càng sâu sắc với nạn thất nghiệp diễn ra khắp nơi, bất bình đẳng ngày càng lớn và tâm lý người dân ngày một bi quan. Báo cáo dày 68 trang của tổ chức này nhấn mạnh, “trong khi các châu lục khác đạt được thành công trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo thì châu Âu là góp thêm vào tình trạng này. Các hậu quả dài hạn của cuộc khủng hoảng vẫn chưa lộ diện. Những vấn đề của ngày hôm nay sẽ còn được cảm nhận trong hàng thập kỷ nữa, cho dù nền kinh tế có sáng sủa hơn trong tương lai gần…”. Trong bối cảnh đó, có lẽ các nhà hoạch định chính sách của châu Âu chưa thể nghĩ tới một ý tưởng mới để củng cố liên minh của mình.