Giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống

2 câu chuyện về Bác Hồ

- Thứ Tư, 24/11/2021, 06:31 - Chia sẻ
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức, thì phải sửa đổi lại cho hợp lí... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay thì ta phải làm...”.
Bác Hồ với các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Nam bộ năm 1968
Ảnh tư liệu

Nghệ sĩ Ngô Thị Liễu là diễn viên của Đoàn Tuồng khu V tập kết ra Bắc năm 1954. Bà và các đồng nghiệp đã vinh dự 2 lần diễn trích đoạn tuồng để Bác xem trong các năm 1954, 1959. Nghệ sĩ kể: “...năm 1959, chúng tôi lại được Bác gọi lên lần nữa. Lần này ông Tảo và tôi diễn lớp Trại Ba níu chồng là Địch Thanh. Theo lời đồng chí Lê Văn Hiến kể lại thì Bác thích lớp tuồng này lắm. Diễn xong, tôi được nắm tay Bác và được nghe lời Bác dạy. Tôi quên sao được cái nhìn trìu mến như cha nhìn con, tiếng nói đượm hơi ấm tình thương của Bác: ‘Hay lắm! Nghệ thuật của cha ông để lại hay lắm. Phải giữ cho được, nhưng chớ gieo vừng ra ngô’”.

Năm 1966, một đoàn văn công của ta được mời sang biểu diễn ở Pháp. Với ý nghĩ tốt đẹp cần nhân dịp này đem nghệ thuật truyền thống của ta giới thiệu với khán giả châu Âu, đoàn đã chọn hai tiết mục chèo đang ăn khách lúc đó là “Đường về trận địa” và trích đoạn chèo “Súy Vân giả dại”. Rất may là trong quá trình tập luyện, ai đó đã có sáng kiến xin ý kiến Bác, vì Bác hiểu văn hóa Âu châu, Bác sẽ gợi ý nên lựa chọn tác phẩm nào. Thông qua Thư kí Vũ Kỳ, Trưởng đoàn đã được báo cáo Bác. Nghe Trưởng đoàn trình bày xong, Bác nói (đại ý): Các cô chú chọn nghệ thuật chèo đi giới thiệu với Nhân dân Pháp là tốt. Nhưng chọn tiết mục nào phải cân nhắc. Người Paris quen xem opera, mỗi tiết mục chỉ 5 đến 10 phút. Nay vở chèo Đường về trận địa dài tới 45 phút, liệu người ta có hào hứng xem hết? Lại nữa, ở Việt Nam bao nhiêu phụ nữ sản xuất, chiến đấu giỏi, sao lại đưa người giả dại đi quảng bá, khán giả Pháp sẽ hiểu phụ nữ Việt Nam như thế nào, vì người Pháp liệu mấy ai biết gốc gác trích đoạn chèo này?

Qua hai mẩu chuyện trên cho thấy, dù ở nước ngoài rất lâu, nhưng ở Bác luôn thắm đượm truyền thống văn hóa dân tộc. Bác dặn rất rõ ràng: Nếu có cải biên nghệ thuật truyền thống để phục vụ thị hiếu quần chúng thì cần rất thận trọng, tránh làm thay đổi bản chất của bộ môn truyền thống đó, theo kiểu “gieo vừng ra ngô”. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập văn hóa quốc tế hôm nay, khi đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống đi biểu diễn, quảng bá ở nước ngoài, cần xem xét kỹ yêu cầu, thị hiếu, thói quen hưởng thụ... của khán giả, để lựa chọn tiết mục phù hợp.

TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh