Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 2472/ATTP-NĐTT ngày 16.10.2023 đề nghị Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương triển khai một số nội dung cụ thể như sau:
Cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Y tế Vĩnh Long để chỉ đạo Bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung tích cực điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở Y tế phối hợp với cơ quan quản lý sản phẩm này ở địa phương để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (nếu sản phẩm nghi ngờ sản xuất, kinh doanh ở địa phương).
Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, Sở Y tế cần phải báo cáo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm theo quy định.
Trước đó, vào lúc 6h ngày 14.10, bà T.P. (83 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) ngủ dậy phát hiện con ruột của bà là anh V.Y. (45 tuổi) đã tử vong.
Đến 22h cùng ngày, chị T.M.C. (53 tuổi là con ruột bà P) pha 100 ml sữa cho bà P để uống. Ngay khi uống hết sữa, bà P có biểu hiện tức ngược, khó thở, nôn ói. Khoảng 5 phút sau, bà P mất tại nhà.
Sau đó, khoảng 4h ngày 15.10, anh M.T (55 tuổi là con ruột bà P) tự pha 150 ml sữa để uống. Khi uống được khoảng 50ml, anh T có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, nôn ói nên gia đình đưa đến một bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Long để cấp cứu.
Tại đây, anh T được bác sĩ chuẩn đoán nghi do ngộ độc sữa nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long để điều trị tiếp.