18 tháng chuẩn bị

- Chủ Nhật, 04/07/2021, 06:43 - Chia sẻ
Hoạt động đón tiếp các nghị sĩ mới được chuẩn bị suốt 18 tháng trước đó, với việc thành lập một nhóm công tác trên cơ sở phối hợp giữa nhiều cơ quan. Thời gian chuẩn bị rất dài cho thấy sự kỹ lưỡng, cẩn thận và trang trọng của thủ tục này.

Vừa bầu cử vừa đón tiếp

Tại Pháp, các nghị sĩ được bầu theo hình thức bỏ phiếu đơn dành đa số qua 2 vòng. Vì vậy, quá trình đón tiếp nghị sĩ bắt đầu từ ngay ngày hôm sau của vòng bầu cử lập pháp thứ nhất, cho đến trước tuần nhóm họp đầu tiên của Quốc hội. Do số lượng nghị sĩ được bầu trong vòng thứ nhất thường thấp, nên các bộ phận đón tiếp được giảm nhẹ trong tuần đầu tiên và hoạt động hết công suất ở tuần thứ hai và đầu tuần thứ ba.

Cần nói rõ rằng tại Pháp, một nghị sĩ và đại biểu dự khuyết tương ứng được bầu đồng thời. Đại biểu dự khuyết sẽ thay thế nghị sĩ trong nhiệm kỳ nếu nghị sĩ trở thành thành viên Chính phủ hoặc qua đời. Đại biểu dự khuyết chỉ được ghi nhận trong các hồ sơ của Quốc hội khi thực sự đảm nhận chức vụ. Như vậy, đại biểu dự khuyết không phải là đối tượng đón tiếp vào đầu mỗi khóa.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Phối hợp giữa các cơ quan

Một nhóm công tác gồm các viên chức từ nhiều phòng, ban được thành lập khoảng 18 tháng trước khi bắt đầu một khóa lập pháp mới để chuẩn bị cho quá trình đón tiếp nghị sĩ. Dựa trên kinh nghiệm từ những khóa trước và trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới, nhóm công tác này sẽ định ra kế hoạch đón tiếp nghị sĩ cho khóa mới.

Quá trình đón tiếp thể hiện sự phối hợp hai chiều giữa Quốc hội và các cơ quan khác. Quốc hội được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, trong đó quan trọng nhất là Bộ Nội vụ. Bộ sẽ cung cấp tên các ứng cử viên và kết quả bầu cử, đồng thời thông báo cho các đại biểu trúng cử về các thủ tục đón tiếp tại tòa nhà Quốc hội.

Khoảng 15 ngày trước vòng bầu cử thứ nhất, Bộ Nội vụ chuyển cho Quốc hội danh sách ứng cử viên với những thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, địa phương và đơn vị bầu cử. Quốc hội sẽ tổng hợp danh sách ứng cử viên với hồ sơ hiện có về các nghị sĩ sắp mãn nhiệm và các cựu nghị sĩ để lập ra bộ hồ sơ riêng của Quốc hội về các ứng cử viên.

Tiếp đó, kết quả bầu cử sẽ được chuyển đến Quốc hội vào buổi đêm của hôm diễn ra bầu cử, qua một kết nối tin học được thiết lập riêng cho dịp này.

Bộ phận tin học của Quốc hội sẽ đối chiếu danh sách trúng cử với hồ sơ về các ứng cử viên mà họ đã lập trước đó nhằm lập ra các phiếu thông tin của từng nghị sĩ. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu cho quá trình đón tiếp. Những phiếu này đã được điền sẵn các thông tin mà Quốc hội nắm được và sẽ được chính các nghị sĩ bổ sung trong quá trình đón tiếp.

Ngay sau ngày bầu cử, thông qua tỉnh trưởng, các nghị sĩ nhận được thư của Chủ tịch Quốc hội mãn nhiệm, trong đó giới thiệu cách thức đón tiếp nghị sĩ mới tại lâu đài Bourbon (trụ sở Quốc hội), lịch khai mạc khóa mới và một phiếu thông tin cá nhân cần phải điền.

Ngược lại, Quốc hội cũng giúp các cơ quan nhà nước khác. Quốc hội lưu ý các nghị sĩ về những nghĩa vụ luật định của họ trong những lĩnh vực không do cơ quan này quản lý. Các nghị sĩ phải kê khai giá trị và thành phần tài sản của mình với một cơ quan hành chính độc lập là Ủy ban về minh bạch tài chính trong đời sống chính trị. Việc không thực hiện nghĩa vụ này có nghĩa là nghị sĩ mặc nhiên từ bỏ nhiệm kỳ và có thể không được bầu lại trong vòng 1 năm. Ngoài ra, các bộ phận của Quốc hội cũng thông báo cho các nghị sĩ những quy định về việc kiêm nhiệm các nhiệm kỳ dân cử và mức trần phụ cấp chức vụ. Ở Pháp, một nghị sĩ có thể trúng cử ở địa phương (vùng, tỉnh, xã), nhưng không thể kiêm nhiệm nhiệm kỳ nghị sĩ nhiều hơn một nhiệm kỳ đại biểu hội đồng cấp địa phương. Một nghị sĩ có thể kiêm nhiệm chức vụ hành pháp ở cấp địa phương (ví dụ như chủ tịch hội đồng vùng, chủ tịch hội đồng tỉnh, thị trưởng), nhưng tổng mức phụ cấp mà nghị sĩ đó nhận được từ hai chức vụ nói trên không được vượt quá 1,5 lần mức phụ cấp cơ bản của một nghị sĩ. Các cấp chính quyền địa phương và Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định này.

Ngoài ra, Quốc hội còn lấy mẫu chữ ký của các nghị sỹ để chuyển cho Hội đồng lập hiến nhằm đối chiếu trong trường hợp cần thiết. Theo luật định, 60 nghị sỹ có thể cùng ký tên kiến nghị với Hội đồng lập hiến về tính hợp hiến của một văn bản luật trước khi được công bố.

Nhanh chóng hiệu quả hơn nhờ công nghệ

Một cổng thông tin nằm trong trang web của Quốc hội đã được mở ra để tạo điều kiện cho các nghị sĩ thực hiện một số thủ tục đón tiếp. Mã số và mật khẩu để truy cập vào cổng thông tin được ghi trong bức thư thông báo thủ tục đón tiếp gửi đến các nghị sĩ.

Qua cổng thông tin, các nghị sĩ có thể truy cập vào phiếu thông tin cá nhân và điền bổ sung những mục còn thiếu. Sở dĩ Quốc hội phải lập ra các truy cập an toàn cho từng cá nhân như vậy là do yêu cầu bảo mật thông tin trong các phiếu. Như vậy, nghị sĩ có thể điền phiếu trực tiếp từ máy tính cá nhân, hoặc có thể in ra, điền bằng tay rồi gửi qua fax.

Ngoài ra, từ năm 2007, các tài liệu hướng dẫn ban đầu dành cho nghị sĩ đã được lưu dưới dạng file mềm và được lưu vào USB để chuyển cho nghị sĩ trong buổi đón tiếp. Các nghị sĩ cũng có thể dễ dàng tìm kiếm và tra cứu các tài liệu này cùng nhiều mẫu văn bản khác trên mạng thông tin của Quốc hội.

Tuy nhiên, những tiện ích do công nghệ mang lại không thể thay thế được quá trình đón tiếp các nghị sĩ. Việc đặt chân đến Cung điện Bourbon là sự kiện có tính biểu tượng đối với một nghị sĩ mới trúng cử. Chính vì vậy, trong quá trình đón tiếp, họ được tạo điều kiện để tham quan phòng họp bán nguyệt của Quốc hội, chụp ảnh giữa các dãy bàn hoặc trên bục phát biểu. Phóng viên của Kênh truyền hình Quốc hội cũng có mặt để thực hiện các cuộc phỏng vấn. Như vậy, quá trình đón tiếp không chỉ là những thủ tục hành chính mà còn là một nghi lễ, đánh dấu việc chính thức đứng vào đội ngũ những đại biểu nhân dân. Chắc chắn, không ai có thể, thậm chí không ai mong muốn xóa bỏ một nghi lễ như vậy.

Quốc Đạt