Trao đổi

12,2 triệu tân cử nhân Trung Quốc khó tìm việc: Một thế hệ mắc kẹt giữa kỳ vọng và thực tế

Quỳnh Vũ 13/07/2025 08:07

Trên khắp Trung Quốc, mùa tốt nghiệp kéo dài từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 chứng kiến hàng triệu sinh viên tung mũ trong lễ tốt nghiệp và rồi đối mặt với một thực tế chông chênh: Làm gì tiếp theo?

z6794210078239_d0f04ad2edc9a394e552a94005c7684d.jpg
Sinh viên khóa 2025 của Đại học Thanh Hoa tung mũ ăn mừng tại lễ tốt nghiệp ở Bắc Kinh.
Ảnh: IG/Đại học Thanh Hoa

“Ban đầu tôi rất tự tin, nhưng giờ đây chỉ còn tuyệt vọng”

Với sinh viên vừa ra trường Ou Muoli, cô gái 23 tuổi đến từ Trùng Khánh, tốt nghiệp ngành tài chính - thương mại quốc tế tại Đại học Hà Nam, tháng 7 không chỉ là mùa chia tay giảng đường mà còn là tháng thứ tư liên tiếp cô miệt mài săn việc giữa thành phố Thâm Quyến sôi động.

Ou Muoli biết rõ điều mình muốn: Một công việc ổn định với mức lương khoảng 5.000 nhân dân tệ/tháng (gần 700 USD), được nghỉ cuối tuần trọn vẹn để tái tạo năng lượng, và đặc biệt là các chế độ phúc lợi xã hội đầy đủ.

Nhưng suốt từ tháng 3 đến nay, cô đã nộp hơn 100 đơn xin việc, từ ứng tuyển trực tuyến cho đến “chợ việc làm” tại các hội chợ tuyển dụng. Một vài công ty phản hồi, nhưng đó chủ yếu là công việc giảng dạy hoặc bán hàng, những lĩnh vực không nằm trong định hướng của cô. Một số khác yêu cầu bắt đầu ngay lập tức, điều cô chưa thể đáp ứng vì còn đang hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

“Các vị trí hành chính, nhân sự hay marketing đều yêu cầu kinh nghiệm”, cô nói. “Một sinh viên mới ra trường như tôi thì làm sao có được điều đó?”.

Khoảng cách ngày một lớn giữa kỳ vọng và thực tế

Trên khắp Trung Quốc, mùa tốt nghiệp kéo dài từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 chứng kiến hàng triệu sinh viên tung mũ lên trời và đối mặt với một thực tế chông chênh: Làm gì tiếp theo?

Năm nay, Trung Quốc ghi nhận con số kỷ lục: 12,2 triệu tân cử nhân gia nhập thị trường lao động. Về lý thuyết, triển vọng việc làm khá tươi sáng. Năm ngành tăng trưởng nhanh, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, drone, trí tuệ nhân tạo, xe năng lượng mới và dược phẩm sinh học, dự kiến cần tới hơn 12 triệu lao động vào năm 2025. Trong khi đó, ngành sản xuất - trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, hiện thiếu gần 30 triệu lao động.

Chính phủ cũng không ngừng nhấn mạnh kết quả khả quan: Kể từ khi triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, mỗi năm Trung Quốc tạo thêm hơn 12 triệu việc làm mới tại đô thị.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế tại thị trường lao động lại không hề màu hồng: việc thì còn đó, nhưng sinh viên tốt nghiệp vẫn thất nghiệp tràn lan.

“Chênh lệch giữa kỹ năng hoặc kỳ vọng của giới trẻ và nhu cầu thị trường đang trở nên rõ rệt”, ông Zhao Litao – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á (Đại học Quốc gia Singapore) nhận định. “Nhiều công việc có sẵn, nhưng không hấp dẫn hoặc phù hợp với năng lực cũng như vị thế xã hội mà sinh viên theo đuổi”.

Từ chối nhà máy, tìm “giấc mơ thành thị”

Các ngành lao động chân tay như xây dựng, sản xuất hay hậu cần vẫn tìm kiếm vị trí đều đặn nhưng lại không mấy hấp dẫn với sinh viên trẻ. “Giới trẻ ngày nay có xu hướng chuộng công việc tại các thành phố lớn, trong những lĩnh vực hiện đại, có phần hào nhoáng, ngay cả khi đi kèm là sự cạnh tranh khốc liệt”, ông Li Fei, Giám đốc học thuật tại Đại học Triết Giang nhận định.

“Các bạn trẻ muốn sự ổn định, lương khá, cân bằng cuộc sống, nhưng thực tế thì lại là tăng trưởng chậm, doanh nghiệp gặp khó, công nghệ thay đổi chóng mặt và thị trường lao động bùng nổ ở những ngành dịch vụ lặp lại, lương thấp và thay thế nhanh”.

Ngay cả ở những lĩnh vực thời thượng như AI hay năng lượng sạch, cánh cửa cũng không rộng mở như tưởng tượng.

Cai Bao, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Bắc Trung Quốc (tỉnh Sơn Tây), đã chia sẻ hành trình tìm việc đầy gian nan của mình trên mạng xã hội Douyin và Xiaohongshu, thu hút hàng vạn lượt xem.

Cậu sinh viên nộp gần 1.000 đơn xin việc, tích cực liên hệ nhà tuyển dụng nhưng rất ít hồi đáp. “Chúng tôi học lập trình, an ninh mạng, hệ thống nhúng… tất cả từ những slide lỗi thời”, anh nói, và: “Chỉ cần nhìn hồ sơ là nhà tuyển dụng biết ngay bạn học trường không danh giá”.

Theo anh, vấn đề căn bản nằm ở chỗ những gì trường dạy không khớp với nhu cầu doanh nghiệp.

Mắc kẹt ngay từ vạch xuất phát

Tỷ lệ thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi thất nghiệp vào tháng 5 năm nay vẫn ở mức 15%, và nhóm 25-29 tuổi là 7%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, dù đã giảm nhẹ trong ba tháng liên tiếp.

Với Xu Yiling, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành kinh tế ứng dụng tại Đại học Trung văn Hong Kong - Thâm Quyến (CUHK-SZ), việc tìm được việc làm không phải là khó khăn lớn nhất mà là câu hỏi: “Có nên đi làm không?”

Chỉ 15% sinh viên khóa 2025 của cô chọn bước ngay vào thị trường lao động, phần lớn còn lại quyết định học tiếp bậc cao hơn tại các trường quốc tế. “Nếu lúc đó tôi không kiếm được việc phù hợp, tôi sẽ học tiếp”, cô nói.

Từng thực tập tại Tencent, một công ty tư vấn Mỹ và một dự án phi lợi nhuận, Xu dành khoảng 15 giờ mỗi tuần để hoàn thiện hồ sơ, luyện phỏng vấn và tìm hiểu nhà tuyển dụng. Cô nộp 80 đơn xin việc và nhận được ba lời mời, cuối cùng nhận vị trí quản lý hoạch định chiến lược tại hãng công nghệ Vivo ở Đông Hoàn.

“Cảm giác như mọi thứ cứ trôi chảy đúng như dự định”, cô nói. Nhưng cô thừa nhận mình là thiểu số may mắn. Nhiều bạn bè cô vẫn miệt mài gửi hồ sơ hàng tuần trời không có nổi một lời phản hồi.

Chi phí chờ đợi và cái giá của hy vọng

Nhiều người trẻ hiện chọn cách tạm hoãn quá trình tìm việc, tìm kiếm các hướng đi thay thế. Nhưng không phải ai cũng có đặc quyền đó.

“Với những bạn trẻ không có điểm tựa tài chính hay gia đình, thất nghiệp hay việc làm tạm bợ là hòn đá đè nặng tâm lý”, giáo sư Zhou Yun của Đại học Michigan phân tích.

Còn theo Giáo sư Chen Jie (CUHK-SZ), học lên cao không hẳn là lối thoát lâu dài, khi thị trường việc làm cho người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng đang rơi vào tình trạng bão hòa và không đúng chuyên môn.

“Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng nhân tài học cao nhưng cuối cùng lại chấp nhận một công việc phổ thông. Điều này không chỉ lãng phí nguồn lực mà còn làm gia tăng lo âu, dễ dẫn đến xu hướng nằm im (lying flat) và cạnh tranh nội bộ kiệt quệ (involution)”.

Yếu tố địa lý

Yếu tố địa lý cũng góp phần định đoạt cơ hội. Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến vẫn là điểm đến ưa thích của cử nhân nhưng các vùng miền Trung, miền Tây Trung Quốc thì tụt hậu rõ rệt.

Gã khổng lồ Tencent vừa công bố chiến dịch tuyển dụng lớn nhất từ trước tới nay: 28.000 vị trí thực tập trong ba năm tới, với 10.000 vị trí chỉ riêng năm 2025, chủ yếu ở mảng AI, điện toán đám mây, nội dung số.

Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao ((Greater Bay Area - GBA) cũng đang vươn mình trở thành cực hút lao động trẻ, với GDP năm 2023 đạt hơn 14.000 tỷ NDT (khoảng 1/9 GDP cả nước).

Tỉnh Quảng Đông liên tục tổ chức các hội chợ việc làm và tung ra chương trình “1 triệu nhân tài cho Quảng Đông”, kèm các ưu đãi hấp dẫn: hỗ trợ sinh hoạt 5.000-10.000 NDT, nhà ở miễn phí 30 ngày, điều kiện làm việc hiện đại.

Tuy nhiên, theo Zhao Litao, các ưu đãi này không thể giải quyết tận gốc vấn đề. “Vài nghìn tệ hay miễn phí thuê nhà một tháng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Cái thiếu ở đây là việc làm thực chất, chất lượng”.

Cần tăng cường kết nối doanh nghiệp với trường đại học

Zhen Rong, quản lý nhân sự tại công ty hậu cần quốc doanh China Chengtong, cho rằng phần lớn sinh viên mới ra trường “không rõ mình muốn gì, có thể làm gì, nhưng kỳ vọng lại quá cao”.

“Không phải là không có việc làm cho sinh viên mới ra trường mà là họ rất khó tìm được việc họ cho là phù hợp”, ông nói.

Cả ông Zhao Litao và Giáo sư Chen Jie đều kêu gọi cải tổ sâu sắc về cách giáo dục, đào tạo, tăng cường kết nối doanh nghiệp với các trường đại học.

“Chúng ta cần thực tập thực chất, khóa học tích hợp với doanh nghiệp, cố vấn ngành nghề để giúp sinh viên tích lũy kỹ năng thực tế trước khi ra trường”, ông Chen nhấn mạnh.

Còn với cô Ou Muoli, hành trình vẫn chưa kết thúc. Cô tiếp tục từ chối những công việc yêu cầu làm 6 ngày/tuần, tăng ca không lương, thậm chí làm tới 11 giờ đêm. Cô vẫn mở các trang tuyển dụng mỗi ngày, nuôi hy vọng nhỏ nhoi rằng một cơ hội tử tế sẽ xuất hiện. “Phải chăng tôi kỳ vọng quá nhiều nên mới thất nghiệp?”. “Có lẽ… tôi sẽ nhận công việc bán hàng”, cô nói, nhẹ tênh như thể chấp nhận số phận.

Theo CNA
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        12,2 triệu tân cử nhân Trung Quốc khó tìm việc: Một thế hệ mắc kẹt giữa kỳ vọng và thực tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO