1000 năm Thăng Long - 1000 năm yếu tố Việt trong Quốc hiệu: Viên gạch mang Quốc hiệu Đại Việt ở Hoàng Thành Thăng Long
Ngày 1.8.2010 vừa qua, khu Di tích lịch sử trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Khu di tích này có nhiều hiện vật quan trọng, nhưng có một hiện vật hết sức quan trọng lại chưa được đánh giá đầy đủ và tôn vinh đúng với vị trí của nó: Đó là viên gạch mang quốc hiệu ĐẠI VIỆT - lần đầu tiên yếu tố VIỆT được đi vào quốc hiệu ở một di vật lịch sử, để sau này sẽ trở thành tên đất nước chúng ta ngày nay: VIỆT NAM.

Quốc hiệu trong những ngày đầu dựng nước
Lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta là một quá trình hàng ngàn năm đấu tranh với thiên nhiên và bảo vệ bờ cõi. Những di tích khảo cổ cho thấy có tồn tại một quá trình gọi là “Hùng Vương dựng nước. Từ hàng ngàn năm trước, trên mảnh đất của miền Bắc Việt Nam hiện nay đã tồn tại một dân tộc có một thứ tiếng nói riêng và đã sớm biết trồng lúa nước. Sử chép rằng họ có “ruộng Lạc” ( Lạc điền) và có một bộ máy hành chính gồm những Lạc tướng, Lạc Hầu .... Một số nhà nghiên cứu cho rằng chữ “Lạc” này là biến dạng của việc ghi âm chữ “nác” là nước, và dân tộc Lạc này để xếp lẫn vào các bộ tộc Việt của nhóm Bách Việt phía Nam Trung Quốc, mà sử phương Bắc gọi là Lạc Việt. Có lẽ trong thời Hùng Vương dựng nước, ông cha ta đã không tự xếp mình vào nhóm Bách Việt này nên quốc hiệu đầu tiên của đất nước ta thời Hùng Vương là VĂN LANG.
“An Dương Vương thế Hùng Vương
Quốc danh ÂU LẠC thay quyền trị dân”
(Lịch sử diễn ca – Bác Hồ)
Như vậy lần thứ hai, trong quốc hiệu ÂU LẠC vẫn không có yếu tố VIỆT. Ở giai đoạn này đã có những ghi chép dưới dạng sử viết, thông qua những bộ sử của Trung Quốc. Thời An Dương Vương xây Loa Thành (255 năm trước CN) tương đương với những năm cuối của Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc. Một số người nghiên cứu sử ngày nay không muốn cho hai chữ ÂU LẠC là sự kết hợp của âu Việt và Lạc Việt, mà cho rằng quốc hiệu “ÂU LẠC” này là để nhắc lại truyền thuyết về âu Cơ và Lạc Long Quân. Những giả thuyết đó còn phải tranh cãi, nhưng chắc chắn quốc danh ÂU LẠC vẫn chưa có yếu tố VIỆT trong đó.
Tiếp đó đất nước ÂU LẠC bị mất vào tay Triệu Đà, và sau đó là 1.000 năm Bắc thuộc. Trong giai đoạn này có những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 Công Nguyên).
Và cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu (năm 248).
Năm Giáp Tý (544), Lý Bôn khởi nghĩa giành lại đất nước, xây dựng ra nhà Tiền Lý, xưng danh là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là VẠN XUÂN, đóng đô ở Long Biên. Lần này quốc hiệu VẠN XUâN vẫn chưa có yếu tố VIÊåT trong đó. Giai đoạn phục quốc cũng chỉ kéo dài 58 năm (544 – 603), với sự tiếp nối của cuộc khởi nghĩa này của Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) và Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế). Tiếp đó đất nước ta lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 (hai lần Bắc thuộc trước bị gián đoạn của các cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng và Bà Triệu). Kỳ Bắc thuộc lần thứ 3 kéo dài 336 năm, trong đó có các cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (722) xưng danh là Mai Hắc Đế, và cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (791) xưng danh là Bố Cái Đại Vương. Mãi đến năm 939 Ngô Quyền khởi nghĩa đưa nước ta thoát khỏi giai đoạn Bắc thuộc, dựng nền tự chủ độc lập cho các triều đại sau này. Trong suốt thời kỳ này đất nước ta vẫn giữ quốc hiệu VẠN XUÂN. Tiếp thời Ngô Quyền, đất nước ta bước vào thời kỳ loạn Thập nhị sứ quân (966 – 968). Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh dẹp được loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế đầu tiên của đất nước ta, gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là ĐẠI CỒ VIỆT. Đây là lần đầu tiên có yếu tố VIỆT trong quốc hiệu*......
Tiếp nhà Đinh (968 – 980) là Lê Đại Hành, lập ra nhà Tiền Lê (980 – 1009). Cả hai triều đại Đinh – Lê đều đóng đô ở Hoa Lư – Ninh Bình.
Năm 1010 Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều đại nhà Lý, được tôn làm Lý Thái Tổ. Đó là năm Canh Tuất 1010. Mùa thu tháng Bảy năm Canh Tuất, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Đó là lý do năm nay chúng ta có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội (1010 – 2010). Năm 1029 Lý Thái Tổ mất, ở ngôi được 19 năm. Người kế tục là Lý Thái Tông ở ngôi được 27 năm. Năm 1054 Lý Thánh Tông lên ngôi, đổi quốc hiệu từ ĐẠI CỒ VIỆT ra ĐẠI VIỆT. Năm này trên bầu trời có xuất hiện ngôi sao siêu tân tinh (Subernovae). Cuốn ‘Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu’ của Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) ghi rõ: “Đinh Tiên Hoàng được nước, gọi là Đại Cồ Việt, các đời dùng theo quốc hiệu đó. Đến nay gọi là Đại Việt”.
Quốc hiệu Đại Việt được tiếp tục dùng trong suốt các triều đại Trần, Lê. Từ năm 1400 đến 1407 có một sự gián đoạn trong thời kỳ Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Sau đó lại trở về với quốc hiệu Đại Việt. Bộ sử chính thống của nước ta còn đến nay được viết dưới thời Lê Thánh Tông mang tên ‘Đại Việt Sử Ký Toàn Thư’.
Quốc hiệu Đại Việt được dùng cho đến thời Quang Trung. Bắt đầu từ nhà Nguyễn (Gia Long), năm 1804 ta có quốc hiệu Việt Nam.
Như vậy trong suốt thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, lần đầu tiên yếu tố VIÊåT được đưa vào quốc hiệu Đại Cồ Việt (968) và sau đó là Đại Việt (1054).

Viên gạch mang Quốc hiệu “Đại Việt” ở Hoàng Thành Thăng Long
Năm 2004, việc khai quật ở đằng sau Hội trường Ba Đình đã làm lộ ra một di tích lịch sử hết sức quan trọng. Đó là di tích Hoàng Thành Thăng Long xưa. Di tích này mang nhiều vết tích của lịch sử, làm chứng tích của thời gian với rất nhiều tầng xây dựng, tường móng, những giếng cổ, những đường hào, những công trình nghệ thuật, những viên đá cổ… Vì tầm quan trọng của nó, khu trung tâm di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được tổ chức Unesco công nhận là di sản văn hóa quốc tế.
Trong số những di vật còn lại có một viên gạch – một viên gạch duy nhất – có một tầm quan trọng đặc biệt. Đó là viên gạch có mang quốc hiệu ĐẠI VIỆT. Viên gạch mang hàng chữ nổi: “ĐẠI VIỆT QUỐC QUÂN THÀNH TRUYÊN” (gạch quân thành nước Đại Việt)**.
Đã là gạch xây quân thành nước ĐẠI VIỆT thì phải có nhiều viên, nhưng tại sao ở trong khu Hoàng thành này lại chỉ tìm thấy có một viên ?. Nhiều năm trước đây khi nghiên cứu khai quật khảo cổ ở thành Hoa Lư, người ta cũng tìm thấy một vài viên gạch tương tự cũng có hàng chữ “ĐẠI VIỆT QUỐC QUÂN THÀNH TRUYÊN”. Các viên gạch có quốc hiệu ĐẠI VIỆT này ở Hoa Lư và Thăng Long có chữ giống nhau, nhưng không phải đúc từ cùng một khuôn. Những viên gạch này không được toàn vẹn, mỗi viên mang một phần không đầy đủ của hàng chữ. Khi ấy người ta không hiểu tại sao ở thành Hoa Lư lại có các viên gạch mang quốc hiệu ĐẠI VIỆT, vì Hoa Lư là kinh đô cũ của các triều đại Đinh và Tiền Lê, khi ấy quốc hiệu là ĐẠI CỒ VIỆT. Mãi đến năm 1054 khi Lý Thánh Tông bắt đầu lên ngôi mới đổi quốc hiệu là ĐẠI VIỆT
Sự có mặt của những viên gạch mang quốc hiệu ĐẠI VIỆT ở thành Hoa Lư đã khiến cho có tác giả nghi ngờ quốc hiệu “ĐẠI CỒ VIỆT” của nhà Đinh. Tác giả này cho rằng quốc hiệu ĐẠI VIÊåT đã có ngay từ thời nhà Đinh, còn tên gọi ĐẠI CỒ VIỆT chỉ là sự lầm lẫn của các nhà viết sử (?!).
Trước hết ta thấy rằng ngay cả ở Hoa Lư, cho đến nay cũng chỉ tìm thấy vài viên gạch có hàng chữ “ĐẠI VIỆT QUỐC QUÂN THÀNH TRUYÊN”. Điều đó cho phép ta hiểu đây không phải là những viên gạch xây dựng mà chỉ là những “viên gạch nhãn hiệu” gắn vào những công trình xây dựng, để đánh dấu chủ thể nhà nước của các công trình này.