100 ngày cầm quyền của Tổng thống Indonesia
Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa đánh dấu 100 ngày cầm quyền kể từ khi tuyên thệ nhậm chức. Mặc dù sự hào hứng của dư luận dành cho nhà lãnh đạo này bắt đầu lắng xuống và đã xuất hiện khó khăn đầu tiên trong sự lãnh đạo, nhưng Tổng thống Widodo tiếp tục khẳng định mình bằng các chính sách năng động và cương quyết.
Lên cầm quyền trong bối cảnh có nhiều thuận lợi về chính trị, Joko Widodo đã thổi làn gió mới vào nền chính trị của đất nước vạn đảo khi trở thành Tổng thống Indonesia đầu tiên xuất thân từ một gia đình nghèo, không có liên hệ gì với chế độ độc tài trong quá khứ. Người dân Indonesia đặt nhiều kỳ vọng vào nhà lãnh đạo mới, với các cam kết đẩy mạnh cải cách kinh tế.
Ngay từ những ngày đầu tại nhiệm, Widodo đã thực hiện hàng loạt chính sách nhằm củng cố đoàn kết toàn dân, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện để thực hiện các kế hoạch phát triển đất nước, cắt giảm thủ tục hành chính quan liêu, đẩy mạnh chống tham nhũng và sửa đổi một số luật về khai thác dầu khí, đầu tư cần thiết giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong chính sách kinh tế, Widodo chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tập trung phát triển kinh tế biển, mở rộng ngành chế tạo và từng bước giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên nhiên liệu như than, cao su, dầu cọ, quặng; tăng cường thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm sản xuất trong nước. Giới chuyên gia tin rằng, tỷ lệ lạm phát của Indonesia vào cuối năm 2015 sẽ được kiềm chế ở mức 4%, tài khoản vãng lai cũng được bảo đảm chỉ số an toàn trong năm 2015.
Trong lĩnh vực thương mại, chính quyền Widodo tiếp tục tăng xuất khẩu sang thị trường phi truyền thống và chưa được khai thác. Bên cạnh đó, Indonesia thu hút vốn nước ngoài bằng cam kết của Chính phủ về đơn giản hóa việc cấp phép và tạo ra dịch vụ thuận lợi. Jakatar còn tiếp tục thực hiện những bước đi chuẩn bị cho việc gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN thời điểm cuối năm nay.
Tổng thống Widodo chủ trương theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực và thực dụng, lấy lĩnh vực hàng hải làm hòn đá tảng với mục tiêu khẳng định và phát huy thế mạnh vị trí chiến lược của đất nước vạn đảo nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Mặt khác, Indonesia ưu tiên mở rộng quan hệ song phương với các nước lớn, nhằm cải thiện các vấn đề về kinh tế, cơ sở hạ tầng yếu kém trong nước.
Điểm sáng trong 100 ngày đầu cầm quyền của Tổng thống Joko Widodo là chính sách cắt giảm trợ giá nhiên liệu khổng lồ của Chính phủ, điều mà người tiền nhiệm cũ của ông Widodo chưa thực hiện được. Với việc cắt giảm chương trình trợ giá khổng lồ này, Widodo tiết kiệm được cho ngân sách Chính phủ khoảng 230.000 tỷ rupiah (khoảng 18 tỷ USD). Nhà lãnh đạo này cho biết, khoản tiền trên sẽ được dùng cho các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục của đất nước. Ngoài ra, Tổng thống Joko Widodo còn được khen ngợi về cách xử lý cấp bách trong nỗ lực tìm kiếm cứu hộ máy bay của hãng hàng không AirAsia, bị rơi xuống biển Java cuối tháng 12 vừa qua.
Tuy nhiên, 3 tháng sau khi nhậm chức, Widodo đã phải đối mặt với thách thức lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống, liên quan đến việc bổ nhiệm Tướng Budi Gunawan làm Tư lệnh Cảnh sát quốc gia (POLRI), thay Tướng Sutarman sẽ về hưu vào tháng 8 năm nay. Vài ngày sau khi Tổng thống công bố quyết định bổ nhiệm trên, cảnh sát Indonesia đã bắt giữ Phó chủ tịch Ủy ban Loại trừ tham nhũng (KPK) Bambang Widjojanto, với tội danh xúi giục nhân chứng cung cấp lời khai giả trong một vụ điều tra năm 2010. Vụ bắt giữ được thực hiện chỉ một tuần sau khi KPK đưa Tướng cảnh sát Budi Gunawan vào danh sách nghi phạm nhận hối lộ. Động thái mang màu sắc trả đũa này đã làm nổ ra cuộc đối đầu giữa hai cơ quan hành pháp, đồng thời thách thức cam kết của chính quyền Widodo trong việc quét sạch tham nhũng. Nhằm hóa giải tình thế căng thẳng, Tổng thống Widodo đã đình chỉ quyết định bổ nhiệm trên.
Theo Jacqui Baker, giảng viên chính trị khu vực Đông Nam Á thuộc Đại học Murdoch ở Perth, Australia, 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bị cuốn vào một cuộc xung đột chính trị phức tạp, ảnh hưởng tới uy tín của nhà lãnh đạo non trẻ này. Ông Baker cho rằng, mặc dù vậy, Tổng thống Widodo còn nhiều cách để khẳng định sự lãnh đạo của mình, thông qua việc tuyên chiến với nạn đánh bắt cá trái phép và chính sách cứng rắn trong xét xử tội phạm buôn ma túy, được dư luận trong nước hoan nghênh. Nhà phân tích chính trị Paul Rowland nhận định, nhìn chung, Tổng thống Jokowi đã cho thấy sự năng động trong điều hành đất nước suốt 3 tháng qua. Widodo đã làm được nhiều hơn so với những gì các chính phủ trước đã làm trong ba năm cuối.
Các chuyên gia dự đoán, trong năm nay, Chính phủ Widodo nhiều khả năng sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Trước hết là những tác động tiêu cực của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sẽ dẫn tới những thay đổi trong chính sách của các nước đối với Indonesia. Trong khi đó, kinh tế trong nước đang phát triển với tốc độ không bền vững và có xu hướng tiếp tục chậm lại. Do Tổng thống Widodo phải thực hiện các chỉ tiêu đã cam kết trong quá trình tranh cử như tăng tiền lương, giảm trợ giá nhiên liệu… nên nguy cơ thiếu hụt ngân sách là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, tình hình chính trị nội bộ Indonesia vẫn tồn tại bất ổn nhất định. Liên minh đối lập lợi dụng việc kiểm soát Nghị viện để tăng cường chống đối, gây khó khăn cho triển khai thực hiện các chính sách…
Chặng đường phía trước của Tổng thống Widodo còn dài và nhiều thách thức, nhưng vẫn quá sớm để đánh giá hiệu quả lãnh đạo của Widodo.