Văn hóa - Thể thao

100 năm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 - 2025):Hành trình kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc

Hải Đường 08/07/2025 07:22

Suốt một thế kỷ qua, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã không ngừng kiến tạo, bồi đắp và phát triển, cùng các thế hệ họa sĩ góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại của đất nước, khắc họa giá trị truyền thống, đồng thời mở ra lối sáng tạo đương đại, làm giàu thêm di sản văn hóa dân tộc.

Từ cái nôi mỹ thuật Đông Dương

Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được ghi nhận hình thành vào đầu thế kỷ XX và trở nên rõ nét, mạnh mẽ kể từ khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Điều này được khẳng định tại hội thảo khoa học quốc tế “Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 100 năm kiến tạo mỹ thuật hiện đại và phụng sự đất nước” ngày 24/6 vừa qua.

g2.jpg
Các thế hệ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm “Hòa sắc” năm 2024. Ảnh Thụy Du

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Nghĩa Phương phân tích, giai đoạn 1925 - 1945 được xem là những bước đi đầu tiên, tạo dựng nền móng vững chắc cho nền mỹ thuật mới của Việt Nam gắn với sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương. 20 năm đầu gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì và phát triển trường, nhưng việc giảng dạy dưới sự chỉ đạo của Victor Tardieu (1925 - 1937) và Evariste Jonchere (1938 - 1945) vẫn kiên định trên tư tưởng giáo dục khai phóng và quan điểm tiếp biến văn hóa, dung hợp cảm thức và tư tưởng thẩm mỹ Á Đông với khoa học tạo hình châu Âu.

Nhờ vậy, ngay trong giai đoạn này đã hình thành rõ nét phong cách nghệ thuật Đông Dương, bởi các bài học và các tác phẩm được sinh viên trường sáng tác thông qua những thay đổi nhất định về thẩm mỹ riêng biệt. Họ đã định hình một nghệ thuật mới mang bản sắc độc đáo, đầy đủ tính phổ quát và tính dân tộc để có thể nhận diện trong bối cảnh mỹ thuật các quốc gia Đông Nam Á, Nam Á cùng chung số phận chuyển đổi từ mô hình dân gian truyền thống sang Âu hóa dưới sự chi phối, dẫn dắt bởi các chính quyền thực dân, thuộc địa. Cái đẹp giản dị, giàu tính trang trí, ước lệ những năm 1925 - 1935 chuyển dần sang hiện thực khái quát tiếp sau đó cùng các phẩm chất khoa học tạo hình châu Âu đã trở thành những yếu tố định danh cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

g5.jpg
Một giờ vẽ hình họa tự túc của sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam (khoảng 1955 - 1960). Nguồn: TCMT

“Quan điểm, các hệ, ngành và chương trình đào tạo của nhà trường thông qua hoạt động đào tạo, nghiên cứu, sáng tác đã tác động rõ nét đến phong cách tạo hình và trào lưu sáng tác, góp phần định hình, kiến tạo nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sự tác động đó không chỉ về quy mô nhân lực mà còn đến chất lượng và rộng hơn là khuynh hướng, trào lưu sáng tác mỹ thuật chủ đạo ở Việt Nam trong một thế kỷ qua”, PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương nhận định.

Dung hòa giá trị truyền thống và tinh thần thời đại

Mặc dù nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại đã tiếp thu nhiều tư tưởng nghệ thuật từ phương Tây, đặc biệt là Pháp, nhưng các họa sĩ Việt Nam không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, ngược lại còn sáng tạo, tiếp biến chất liệu hội họa mới cho nền nghệ thuật hội họa Việt Nam. Nhìn sâu trong lĩnh vực sơn mài, nhà nghiên cứu mỹ thuật, TS. Trần Quốc Bình chỉ ra, trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, ở Việt Nam đã tồn tại loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống sơn son thếp vàng. Người Việt thường sử dụng sơn ta trang trí cung đình và tượng thờ, hoành phi, câu đối, đồ thờ… dựa trên các mô típ có sẵn như rồng, phượng, tùng, cúc, trúc, mai… Các họa tiết này được gọi là nghệ thuật truyền thống và thường được các nghệ nhân khai thác lặp lại nhiều lần và trở thành phổ biến, vì vậy thiếu tính cá nhân, không nhiều tính sáng tạo.

Các lứa họa sĩ đã tìm tòi, nghiên cứu chất liệu sơn mài, chuyển thành chất liệu tạo hình mới, từ tiên phong khai phá như Trần Quang Trân, Lê Phổ, Mai Trung Thứ… đến định hình phát triển là những tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sĩ Ngọc, Phan Kế An, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ… Và ngày nay, các thế hệ họa sĩ, nhà giáo của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam như Đoàn Văn Nguyên, Lê Trọng Lân, Đào Quốc Huy, Triệu Khắc Tiến… cùng với nhiều họa sĩ khác như Thành Chương, Lý Trực Sơn, Lê Trí Dũng, Nguyễn Quốc Huy… tiếp tục sáng tạo nhiều bảng màu sơn mài, gắn với tạng chất, cá tính riêng biệt lại có những thủ pháp kỹ thuật khác nhau, tạo ra dấu ấn văn hóa Việt đậm nét.

Sinh viên trường
Lớp học vẽ của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TĐHMTVN

Nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam thời kỳ sau Đổi mới, PGS. TS. Kraevskaia Natalia, Viện Nghiên cứu Đông Phương và Cổ điển, Đại học Nghiên cứu Quốc gia “Đào tạo Kinh tế sau Đại học” (HSE), Moscow, Nga cho biết, vào những năm 1990, những thay đổi đáng kể trong bối cảnh chính trị và kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển biến trong nghệ thuật và văn hóa. Việc tăng cường chính sách văn hóa đã tạo cơ hội cho các nghệ sĩ Việt Nam trở thành một phần của mạng lưới nghệ thuật quốc tế. “Nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật đã được chuẩn bị tốt cho sự thay đổi rõ rệt này. Các nghệ sĩ Việt Nam đã sở hữu nhận thức thẩm mỹ tiên tiến và các kỹ thuật được trau dồi thông qua giáo dục chính quy. Hầu hết những cá nhân này đều là cựu sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam”.

Có thể thấy, hành trình 100 năm với những biến chuyển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam luôn xuất phát từ mô hình đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với phương châm xuyên suốt là dung hòa giá trị truyền thống dân tộc với học tập, sáng tạo cái mới trong phản ánh tinh thần thời đại, hướng tới hội nhập với bên ngoài bằng những giá trị riêng. Như lời PGS. TS Nguyễn Nghĩa Phương: “Nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được kiến tạo bởi một tập thể lớn, trên bình diện quốc gia, dân tộc và có đầy đủ đặc sắc riêng để phân biệt rõ với nền mỹ thuật có chung bối cảnh trong khu vực và thế giới. Cho dù trải qua những khúc quanh khác nhau, nền mỹ thuật ấy vẫn thấm đẫm tinh thần được di truyền từ quá khứ, sinh khí thời đại, nhịp đập của mỗi con tim nghệ sĩ. Và suy cho cùng, tham gia vào quá trình kiến tạo nền mỹ thuật hiện đại cũng chính là phụng sự sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        100 năm Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 - 2025): Hành trình kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO