Từ bản Luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa...
Trước khi đến nước Nga Xô viết, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về những vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanite) Pháp các số ra ngày 16 và 17.7.1920. Sơ thảo luận cương đã có sức lôi cuốn đặc biệt đối với Nguyễn Ái Quốc.
Sau này Người nhớ lại: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế thứ ba”(*).
Luận cương gồm 12 luận điểm, trong đó vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Quốc tế Cộng sản và Lenin thừa nhận “như là mở rộng nguyên tắc liên minh công - nông trên quy mô toàn thế giới”. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những câu hỏi về con đường giành độc lập, tự do của một nước thuộc địa; ai là người lãnh đạo, lực lượng nào tham gia cách mạng và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc... Tất cả những vấn đề mà Nguyễn Ái Quốc trăn trở, tìm kiếm bấy lâu nay đã được giải đáp. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy phương hướng, đường lối cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, đó là đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường Cách mạng tháng Mười Nga. Tư tưởng, lý luận mà Nguyễn Ái Quốc nắm được là “kim chỉ Nam” soi sáng con đường đi tới thắng lợi của Cách mạng Việt Nam...
Người mong mỏi có ngày được gặp Lenin để được Lenin trực tiếp chỉ dẫn. Song, rất tiếc là Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga khi Lenin đã lâm bệnh nặng. Và ngày 21.1.1924, trái tim của con người vĩ đại - Lenin đã ngừng đập! Trong đau thương, Nguyễn Ái Quốc vô cùng thương tiếc và ân hận vì chưa được gặp Lenin dù chỉ một lần... Tham gia lễ viếng, đi trong dòng người lặng lẽ nhích dần từng bước tiến đến nơi quàn thi hài Lenin (tại Hội trường lớn trụ sở các công đoàn toàn Nga), Nguyễn Ái Quốc trầm ngâm suy nghĩ quên hết cả giá lạnh mùa đông Nga đang âm dưới 30 độ. Về đến phòng ở, tay chân còn tê cóng, mặt mày chín đỏ, đôi chỗ rớm máu, Nguyễn Ái Quốc đã ngồi ngay vào bàn làm việc, viết bài Lenin và các dân tộc thuộc địa với tất cả những xúc cảm chân thành, mãnh liệt, tôn kính nhất đang dâng trào trong tâm can.
Ngày 27.1.1924 là ngày Lễ tang trọng thể; thi hài Lenin đã được chuyển đến Quảng trường Đỏ. Báo Sự thật (Pravda) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô số ra ngày này, bên cạnh những thông tin về Lễ tang, các đoàn viếng trong nước, Lễ tưởng niệm Lenin được tổ chức ở các nơi trên thế giới, báo đã đăng trang trọng bài Lenin và các dân tộc thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc.
Đoạn đầu của bài viết, Nguyễn Ái Quốc nói về sự ra đi của Lenin và sự bưng bít của chủ nghĩa tư bản thực dân về Lenin và nước Nga Xô Viết. Song tên tuổi của Lenin đã và đang lan tỏa trên khắp thế giới. Nguyễn Ái Quốc viết “Lenin đã mất!”. Tin này đến với mọi người như sét đánh ngang tai, truyền đi khắp bình nguyên phì nhiêu ở châu Phi và các cánh đồng xanh tươi ở châu Á. Đúng, những người da đen và da vàng có thể chưa biết rõ Lenin là ai, nước Nga ở đâu. Bọn đế quốc thực dân cố ý bưng bít không cho họ biết. Sự ngu dốt là một trong những chỗ dựa chủ yếu của chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Dahomay, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lenin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó”(1).
Ở đoạn giữa, Nguyễn Ái Quốc nói lên niềm tin của giai cấp cần lao trên toàn thế giới đối với Lenin, nhưng họ lại vô cùng lo lắng, “Lenin đã mất rồi thì chúng ta biết làm thế nào? Liệu có những người dũng cảm và rộng lượng như Lenin để không quản thời gian và sức lực chăm lo đến sự nghiệp giải phóng của chúng ta không? Đó là những điều mà quần chúng nhân dân bị áp bức ở các thuộc địa băn khoăn tự hỏi”(2).
Ở đoạn gần cuối, Nguyễn Ái Quốc - “Người trong cuộc” đã vô cùng xúc động nói lên nỗi niềm của chính mình và giải tỏa những băn khoăn, lo lắng nói trên, “Còn chúng tôi, những người cộng sản, những người sinh ra ở các thuộc địa, chúng tôi vô cùng đau đớn trước sự tổn thất không thể nào đền bù được và chia sẻ nỗi buồn chung của nhân dân các nước với những người anh, người chị của chúng tôi. Song chúng tôi tin tưởng rằng Quốc tế cộng sản và các phân bộ của nó, trong đó có các chi bộ ở các nước thuộc địa, sẽ thực hiện được những bài học và những lời giáo huấn mà vị lãnh tụ đã để lại cho chúng ta. Làm những điều mà Người đã căn dặn chúng ta, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất để tỏ tình yêu mến của chúng ta đối với Người hay sao?”(3).
Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc khẳng định, “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội.
Lenin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”(4). (Nguyễn Ái Quốc - Đông Dương)
Trong thời gian lưu lại ở nước Nga, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động vô cùng sôi nổi, tất bật. Chỉ riêng mùa hè năm 1924, Người đã tham dự nhiều sự kiện lớn: Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản (tháng 6); Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản Thanh niên (tháng 6); Đại hội lần thứ Nhất Quốc tế Cứu tế Đỏ (tháng 7); Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội Đỏ (tháng 7); dự mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1.5; dự mít tinh vì hòa bình thế giới tại Quảng trường Đỏ... Cũng trong thời gian này, Người đã viết và cho ra đời nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí (trong năm 1924, Người đã viết 34 tác phẩm, riêng tác phẩm Đông Dương viết từ năm 1923 hoàn thành trong năm 1924 có độ dài cả 100 trang sách).
... đến thành quả vĩ đại của con đường giải phóng dân tộc
Khi đã nắm vững lý luận cách mạng vô sản từ lãnh tụ vĩ đại Lenin và “thực địa” tại quê hương Cách mạng tháng Mười trong thời gian 15 tháng, lại được hoạt động trong môi trường tương đối thuận lợi (được tiếp xúc, gặp gỡ nhiều nhân vật nổi tiếng trong phong trào cộng sản quốc tế, được phát biểu thể hiện chính kiến ở nhiều diễn đàn), nhưng tâm niệm của Nguyễn Ái Quốc không phải là tại ngoại, mà Người nóng lòng với việc gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương thân yêu đang bị thực dân, đế quốc đô hộ.
Nối tiếp chặng đường mới, ngày 11.11.1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) và chỉ trong thời gian ngắn chuẩn bị cho công việc, Người đã mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng đầu tiên từ trong nước sang...
Biết bao gian khổ, hy sinh, Cách mạng tháng Tám đã thành công. 30 năm trường kỳ kháng chiến đã hoàn toàn thắng lợi. Công cuộc Đổi mới gặt hái được những thành tựu to lớn. Đất nước thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do. Người dân ấm no hạnh phúc... Đó là thành quả vĩ đại của con đường cứu nước mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng của Người đã lựa chọn.
Năm 2024 - tròn 100 năm Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Nga để tìm lời giải thực tế cho con đường giải phóng dân tộc, nhưng công ơn Người như trời cao, biển rộng còn khắc ghi mãi mãi trong lòng người dân đất Việt hôm nay và các thế hệ mai sau.
_________
(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, trang 562, Nxb Chính trị Quốc gia, HN. 2011.
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, trang 236 - 237, Nxb Chính trị Quốc gia, HN. 1995.