100% mô hình canh tác lúa thông minh cho lợi nhuận cao hơn

- Thứ Bảy, 10/04/2021, 05:39 - Chia sẻ
Nhằm giúp nông dân thích ứng với những khó khăn trong canh tác lúa trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, Công ty CP Phân bón Bình Điền tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai chương trình “Canh tác lúa thông minh tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vụ lúa Đông Xuân năm 2020 - 2021. Kết quả, 100% mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn đối chứng từ 1,4 - 6,6 triệu đồng/ha.

Chương trình canh tác lúa thông minh vụ Đông Xuân 2020 - 2021 được thực hiện tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với kinh phí trên 2 tỷ đồng, 47 hộ nông dân tham gia, diện tích canh tác 24ha.

Mô hình sử dụng giống lúa cấp xác nhận có chất lượng tốt, phù hợp với yêu cầu xuất khẩu; giảm lượng giống sử dụng xuống còn dưới 80kg/ha đối với lúa sạ; khuyến khích nông dân sử dụng máy cấy; áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa tiên tiến (quy trình 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ…); áp dụng kỹ thuật bón lót đầu vụ và phân bón chuyên dùng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Bình Điền…

Chương trình cũng đầu tư lắp đặt 8 trạm quan trắc hạn mặn mới tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang và tập huấn thăm đồng cho 1.500 lượt nông dân với sự tham gia của ban cố vấn và cán bộ kỹ thuật.

Số liệu công bố tại buổi sơ kết chương trình mới đây cho thấy mô hình đã giảm được 34kg giống/ha. Chi phí đầu tư bình quân 18,768 triệu đồng/ha, so với 19,583 triệu đồng/ha đối chứng giảm được 4,16%. Đáng chú ý, có những mô hình ở Sóc Trăng, Cần Thơ chi phí đầu tư đã giảm hơn 3 triệu đồng/ha, trong đó phần giảm lớn nhất từ thuốc bảo vệ thực vật. Tương tự, các loại phân như đạm, lân, kali nguyên chất cũng giảm rất nhiều (19,2kg đạm, 24,1kg lân, 6kg kali). Điều này rất có ý nghĩa trong việc bảo vệ sức khỏe người dân và môi  trường sống.

Tuy chi phí đầu vào giảm nhưng năng suất trong mô hình thấp nhất là 7,5 tấn thóc/ha, cao nhất 11,8 tấn/ha; cao hơn đối chứng 6,6%, tức 550kg/ha. 100% mô hình đều cho lợi nhuận cao hơn đối chứng từ 1,4 đến 5,3 triệu đồng (Kiên Giang), 6,6 triệu đồng/ha (Vĩnh Long).

“Từ kết quả đã thấy rõ, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp, các lực lượng chuyên môn vào cuộc, giúp cho “Canh tác thông minh” không chỉ dừng lại ở mô hình, mà là trên những cánh đồng lớn, toàn vùng và cả nước”, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền chia sẻ. Ông khẳng định, Bình Điền sẽ tiếp tục mô hình, thiết thực mang đến cho người nông dân sản xuất lúa ở khắp các vùng miền đất nước bớt vất vả, thu nhập ngày càng cao hơn, làm giàu được từ chính đồng ruộng của mình.

Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được Công ty Phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai từ năm 2016. PGS.TS. Mai Thành Phụng, thành viên thường trực Hội đồng cố vấn cho biết, chương trình nhằm giúp nông dân dần trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình, tự xử lý được các tình huống phức tạp xảy ra trong sản xuất do tác động của biến đổi khí hậu… “Chương trình tập hợp được các lực lượng như trồng trọt, khuyến nông, các nhà khoa học nông nghiệp và doanh nghiệp với sự đoàn kết, đồng lòng cao; đạt được hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường sống; vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”.

Duy Anh