10 sự kiện quốc tế 2012 do Time bình chọn

Thanh Chi 12/12/2012 08:22

Tạp chí Time đã bình chọn 10 sự kiện thời sự quốc tế khiến giới báo chí tốn nhiều giấy mực trong năm 2012.

1. Cuộc khủng hoảng Syria

Năm 2012 sắp khép lại, người dân Syria đang tiến gần tới dấu mốc 2 năm cuộc nội chiến đẫm máu, làm hơn 40.000 người thiệt mạng. Chính quyền Damascus mất dần kiểm soát tại phần lớn các vùng lãnh thổ nhưng đụng độ vẫn thường xuyên xảy ra giữa quân Chính phủ và phe đối lập. Tương lai u ám cho chế độ Assad đã khá rõ, nhưng không ai biết từ nay cho đến thời điểm nhà lãnh đạo Assad ra đi, sẽ còn bao nhiêu dân thường thiệt mạng và chế độ nào sẽ lên thay thế.

2. Mùa đông Ảrập

Người dân Ai Cập ăn mừng chiến thắng của Tổng thống Morsi Nguồn: Getty Images
Người dân Ai Cập ăn mừng chiến thắng của Tổng thống Morsi
                                                                                                 Nguồn: Getty Images

Tiếp sau làn sóng Mùa xuân Ảrập ở Ai Cập, Libya và Tunisia là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng chính trị Hồi giáo. Ở Tunisia, đảng Ennahda từng bị cấm hoạt động trong nhiều thập kỷ dưới thời cựu Tổng thống Ben Ali thì nay chiếm đa số trong Nghị viện khóa mới được bầu ra trong cuộc bầu cử tháng 10.2011. Tại Libya, vụ tấn công nhằm vào Sứ quán Mỹ ở thành phố miền Đông Benghazi hôm 11.9 là câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi về an ninh và sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan sau sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Tuy nhiên, tương lai của Trung Đông có lẽ nằm trong tay Tổ chức Anh em Hồi giáo đang nắm quyền tại Ai Cập. Việc Tổng thống Mohamed Morsi có một loạt động thái gồm tiến hành sửa đổi Hiến pháp, thay đổi một loạt vị trí trong ban lãnh đạo quân đội, ban hành Tuyên bố Hiến pháp, dàn xếp cuộc chiến ở dải Gaza đã cho thấy tham vọng của Tổ chức Anh em Hồi giáo cả ở trong nước và khu vực.

3. Khủng hoảng Eurozone

Khu vực Nam Âu với gánh nặng nợ công khổng lồ tiếp tục là cơn ác mộng của Eurozone, phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu. Các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra ở Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và nhiều nơi khác, phản đối các điều kiện cho vay của các chủ nợ ở Bắc Âu. Kết quả là khoảng cách và sự phân biệt giàu nghèo ở châu Âu ngày càng trở nên sâu sắc, tỷ lệ thất nghiệp ở những nước trên không ngừng tăng cao, làm gia tăng bất ổn trong các xã hội phương Tây. Chính các chính quyền ở châu Âu phải hứng chịu hậu quả khi một loạt Thủ tướng phải từ chức.

4. Thách thức đối với Netanyahu

Năm 2012 là năm mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tiếp xuất hiện trong dòng tin nóng của thế giới: từ việc cảnh báo mở cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran, hay chiến dịch không kích vào dải Gaza đến việc công khai ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cuối năm 2012, Israel phản ứng trước việc LHQ nâng cấp quy chế cho Palestine, đã khởi động một loạt dự án xây khu định cư Do Thái trên lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine làm dấy lên làn sóng phản đối trong cộng đồng quốc tế. Với những động thái nêu trên, Thủ tướng Netanyahu - người được dự đoán sẽ dễ dàng tái đắc cử trong cuộc bầu cử ở Israel vào tháng 1 tới – sẽ tiếp tục xuất hiện trong những tin tức nóng hổi trong năm 2013.

5. Khủng hoảng ở Mali

Quân nổi dậy tại Mali Nguồn: Reuters
Quân nổi dậy tại Mali                                                                     Nguồn: Reuters

Từ một quốc gia được biểu dương như hình mẫu lý tưởng cho sự ổn định và dân chủ ở Tây Phi, thì nay Mali bị gán mác là một “Somalia mới” với Chính phủ yếu kém và thất bại, hay một “Afghanistan mới” do các nhóm cực đoan và khủng bố kiểm soát. Sau vụ đảo chính quân sự ở Mali hồi tháng 3, lực lượng nổi dậy ở miền Bắc, gồm các nhóm ly khai người Toureg và các nhóm vũ trang Hồi giáo có quan hệ với nhánh al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM), đã nhanh chóng mở rộng tầm kiểm soát hơn nửa lãnh thổ, chiếm giữ cả các thành phố lịch sử như Timbuktu và Gao. Trong năm tới, cuộc khủng hoảng ở Mali được dự đoán sẽ tiếp tục là vấn đề tốn nhiều diện tích trên trang tin tức của các tờ báo.

6. Chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên và Trung Quốc

Năm 2012 chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực ở CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Chính quyền Bình Nhưỡng đã đón nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un lên nắm quyền sau sự ra đi đột ngột của cố Chủ tịch Kim Jong-il hồi tháng 12.2011. Bất kể những hoài nghi và đồn đoán về năng lực lãnh đạo của người kế tục, Kim Jong-un đã từng bước củng cố quyền lực và thiết lập một thế hệ lãnh đạo mới ở Triều Tiên.

Tại nước láng giềng Trung Quốc, nhà lãnh đạo mới Tập Cận Bình lên kế nhiệm Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong bối cảnh người khổng lồ Trung Quốc không ngừng phô diễn sức mạnh trên trường quốc tế, nhưng vẫn thường trực mối lo ngại về những tiềm ẩn bất ổn trong xã hội. Cách thức mà thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc xử lý những thách thức trong nước và quốc tế sẽ định hình các sự kiện toàn cầu trong thời gian tới.

7. Mỹ Latin tìm hướng tiếp cận mới trong cuộc chiến chống ma túy

Sau nhiều thập kỷ đổ máu và tiêu tốn hàng tỷ USD trong cuộc chiến chống ma túy, phần lớn chính phủ các nước Mỹ Latin nhận ra rằng cuộc chiến này đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết vấn đề. Họ cho rằng cuộc chiến này nên dừng lại để tìm hướng tiếp cận mới. Một số Chính phủ trong khu vực đã chuyển từ việc cấm hoàn toàn các chất ma túy sang những biện pháp có tính thực tiễn và khả thi hơn như hợp pháp hóa cần sa và một số loại ma túy khác. Mỹ - thị trường tiêu thụ ma túy lớn nhấn bán cầu Tây – cũng đã bắt đầu nới lỏng việc kiểm soát cần sa.

8. Tranh chấp biển, đảo ở châu Á

10 sự kiện quốc tế 2012 do Time bình chọn ảnh 3
Làn sóng phản đối Nhật Bản tại Trung Quốc                                         Nguồn: AP

Khu vực châu Á – Thái Bình dương năm qua nóng lên bởi những tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN. Là những tuyến hàng hải quan trọng trong hoạt động trao đổi hàng hóa của thế giới, đồng thời tiềm ẩn nguồn tài nguyên dồi dào dưới đáy biển, khu vực này đã trở thành nơi thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ giữa tàu cá của Trung Quốc với các tàu tuần tra của lực lượng an ninh trên biển của các nước trong khu vực, khiến quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đã xấu đi nghiêm trọng.

9. Vũng lầy Afghanistan

Mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài 11 năm qua tại Afghanistan, các nước phương Tây đều đang muốn rút quân khỏi chiến trường Nam Á này càng sớm càng tốt. Một số nước, trong đó có Pháp, đã xúc tiến kế hoạch này. Mỹ dù không ngừng tái khẳng định cam kết Mỹ sẽ ở lại Afghanistan cho đến cuối năm 2014, nhưng cũng đang đối mặt với không ít thách thức và sức ép rút quân sớm, sau các vụ binh sỹ Afghanistan tấn công binh sỹ NATO trong năm 2012.

10. Tham nhũng ở Ấn Độ

Năm 2012 không phải là một năm suôn sẻ đối với Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh khi xảy ra hàng loạt vụ bê bối tham nhũng liên quan tới nhiều chính khách hàng đầu. Các vụ bê bối tham nhũng diễn ra ở nhiều mức độ, từ quy mô nhỏ lẻ cho đến mức khổng lồ như vụ tham nhũng trong ngành viễn thông trị giá hàng tỷ USD, đã thổi bùng sự phẫn nộ trong dư luận xã hội. Các nhà quan sát quốc tế cảnh báo, mô hình dân chủ và phát triển ở quốc gia Nam Á này có thể đi trệch hướng khi các quan chức trong chính quyền dễ bị mua chuộc và lợi dụng chức quyền để tư lợi cá nhân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        10 sự kiện quốc tế 2012 do Time bình chọn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO