10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật 2018

ĐBND 01/01/2019 08:18

LTS: Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm đầy sôi động và Việt Nam nhiều khả năng lọt vào nhóm 10 - 15 nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng. Năm 2018 cũng chứng kiến hàng loạt vụ đại án bị phanh phui và đưa ra xét xử, khiến nhiều cựu lãnh đạo bị cách chức, khởi tố, kỷ luật. Xin giới thiệu với độc giả 10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của năm do Đại biểu Nhân dân bình chọn.


1. GDP tăng cao nhất 10 năm qua

Tăng trưởng kinh tế 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2008 và vượt 0,38 điểm phần trăm so với chỉ tiêu QH giao. Với kết quả này, Việt Nam nhiều khả năng lọt vào nhóm 10 - 15 nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng và hiệu quả kinh tế được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 43,5%, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện/GDP năm 2018 đạt 33,5%, bảo đảm mục tiêu Quốc hội đề ra (33 - 34%)... Đặc biệt, dù tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế vẫn duy trì được ổn định vĩ mô với việc giữ vững mục tiêu kiểm soát CPI dưới 4%, nợ công giảm so với năm 2017.

2.  Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt tán thành. CPTPP được đánh giá sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn về thị trường, ưu đãi, cơ cấu xuất khẩu và tiềm năng hội nhập. GDP và xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng lần lượt 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Cùng với đó, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...

3. Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN diễn ra tại Việt Nam

Việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) một lần nữa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị của WEF về khu vực là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đối tác Việt Nam và tổ chức này, cũng như giữa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, hội nghị có khoảng 60 phiên họp và hoạt động, tổng số đại biểu tham dự lên đến gần 1.200 người. Ông Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF đánh giá Hội nghị WEF 2018 tổ chức tại Việt Nam là sự kiện thành công nhất trong 27 năm tổ chức diễn đàn khu vực về ASEAN.

4. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông

Nghị quyết 26-NQ/TW Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được ban hành tháng 8.2008. Theo đánh giá của Bộ NN - PTNT, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, nền nông nghiệp đã phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2008 - 2017 đạt 2,66%/năm; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; quy mô GDP ngành nông nghiệp năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân tăng từ 9,15 triệu đồng (năm 2008) lên khoảng 32 triệu đồng (năm 2017). Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực, tạo ra nhiều việc làm mới. Tỷ lệ lao động nông lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 71% (năm 1995) hiện chỉ còn hơn 40%.

5. Trung ương ban hành Nghị quyết mới về chiến lược biển

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII  ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo…

6. Thành lập “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt và bắt đầu tiếp nhận việc quản lý hơn 2,3 triệu tỷ đồng tài sản của nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn. Việc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước hoàn thiện bộ máy và bắt đầu đi vào hoạt động được kỳ vọng chấm dứt chuỗi thời gian hàng chục năm phát sinh bất cập khi các tập đoàn trực thuộc các bộ ngành. Siêu ủy ban này ra đời hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản cách thức quản lý vận hành của nhiều doanh nghiệp nhà nước, quy về một mối thay vì phân tán, vừa đá bóng vừa thổi còi như thời gian qua.

7. Thêm nhiều thành tựu trong sản xuất vaccine

Ngày 25.9.2018, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan công bố thử nghiệm thành công vaccine cúm mùa “3 trong 1” gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vaccine cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vaccine cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm chi phí. Cùng với đó, Dự án sản xuất Vaccine Sởi do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, Bộ Y tế (POLYVAC) thực hiện, đã hoàn thiện quy trình sản xuất vaccine sởi, vaccine phối hợp Sởi - Rubella và sản xuất thành công vaccine chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được nhận giải thưởng của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

8. Việt Nam thu hút 334 tỷ USD vốn FDI sau 30 năm

Chặng đường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã trải qua 30 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 được ban hành. Các chuyên gia đánh giá thu hút đầu tư FDI là thành tựu nổi bật nhất của Việt Nam từ khi Đổi mới đến nay, dù còn có một số kết quả không mong đợi. Hiện cả nước có hơn 26,5 nghìn dự án FDI đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ với cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD. Đến năm 2017, khu vực FDI chiếm gần 20% GDP; đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu; tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5 - 6 triệu việc làm gián tiếp.

9. Phát hiện gian lận điểm thi THPT Quốc gia quy mô lớn

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, việc gian lận điểm thi đã bị phát hiện tại các hội đồng thi: Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình… gây rúng động dư luận. Cơ quan chức năng và an ninh điều tra vào cuộc, phát hiện hàng trăm bài thi tự luận và trắc nghiệm đã bị sửa chữa, nâng điểm; đồng thời khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng liên quan để điều tra làm rõ sai phạm, xử lý theo luật định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã tiến hành sửa đổi, hoàn thiện Quy chế thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, năm qua trong ngành giáo dục cũng đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, học sinh bị xâm hại…

10. Phanh phui, xét xử nhiều đại án

Năm 2018 chứng kiến một loạt vụ việc bán rẻ đất công gây thất thoát ngân sách nhà nước tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… bị phanh phui. Nhiều cán bộ, cựu cán bộ bị cách chức, khởi tố, kỷ luật vì những sai phạm trong quản lý đất đai. Trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều cựu lãnh đạo cũng bị khởi tố vì vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, trong đó có ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV. Cùng với đó, hàng loạt cựu lãnh đạo MobiFone bị khởi tố vì thương vụ AVG; cựu lãnh đạo Vinashin bị khởi tố về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; cựu Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí bị bắt vì sai phạm trong vụ Ethanol Phú Thọ…

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật 2018
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO