10 sự kiện kinh tế - xã hội

Phòng Kinh tế, Ban Thời sự - Chính trị bình chọn 01/01/2015 09:32

1. Kinh tế tăng trưởng cao hơn mục tiêu đã đề ra

Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, cùng với kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, song kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I đạt 5,09%, quý II đạt 5,25%, quý III đạt 6,19%, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, và cả năm 2014 đạt khoảng 5,98%, cao hơn mục tiêu được QH đề ra (5,8%). Nông nghiệp cũng ghi nhận dấu ấn rất tích cực, như: lúa tăng 955 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản tăng mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,5%... Công nghiệp tăng trưởng mạnh, đặc biệt là công nghiệp chế biến đã tăng 98%. Ngành xây dựng sau nhiều năm tăng trưởng không cao cũng có mức tăng trưởng tốt trong năm 2014.

2. Chỉ số giá tiêu dùng có tốc độ tăng thấp nhất trong 10 năm

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013, với tốc độ tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm gần đây, trung bình chỉ tăng 0,15%/tháng. CPI giảm không có nghĩa là nước ta rơi vào tình trạng giảm phát, vì lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ vẫn có mức tăng trưởng khá; chỉ số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng, doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng. CPI giảm chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới và ảnh hưởng đến chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng; nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm trước... CPI giữ được ở mức ổn định sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành.

3. Xuất siêu liên tục 3 năm liền

Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 150 tỷ USD, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 148 tỷ USD, xuất siêu 2 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, với kim ngạch ước đạt 28,5 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2013; tiếp theo là Liên minh châu Âu với 27,9 tỷ USD, ASEAN ước tính đạt 19 tỷ USD, Trung Quốc ước tính đạt 14,8 tỷ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp nước ta xuất siêu,  góp phần ổn định tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chưa cao, vì giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp với chủ yếu là hàng gia công, chế biến, còn khu vực trong nước vẫn nhập siêu mạnh, quá trình sản xuất và tiêu dùng còn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.

4. Môi trường kinh doanh có những bước tiến quan trọng

Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều nhận định, môi trường kinh doanh của nước ta đã có những bước tiến quan trọng sau khi QH thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế... Những quy định mới trong các luật này đã giúp giảm đáng kể gánh nặng về thời gian kê khai thuế và tổng lượng thời gian cho các thủ tục thuế dự kiến sẽ giảm từ hơn 500 giờ hiện nay xuống còn 171 giờ. Đặc biệt, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã có cách tiếp cận mới, chuyển từ phương pháp chọn - cho chuyển sang chọn - bỏ đối với các lĩnh vực cấm đầu tư theo đúng tinh thần Hiến pháp năm 2013.

5. Cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng có sự cải thiện về năng lực cạnh tranh

Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2014 - 2015 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, thì chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của nước ta có sự cải thiện nhẹ, xếp hạng 81 trên thế giới và đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, sau các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, và hơn Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.  Bên cạnh chỉ số chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, thì các yêu cầu cơ bản khác cũng tăng bậc (môi trường kinh tế vĩ mô tăng 12 bậc, thể chế tăng 6 bậc, y tế và giáo dục tiểu học tăng 6 bậc), từ đó giúp năng lực cạnh tranh của nước ta tăng 2 bậc, lên thứ 68 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.

6. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ trong năm 2014 đã giảm 1-2%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực giảm và dư nợ cho vay bằng VNĐ có lãi suất trên 15%/năm đã chiếm 4,12% tổng dư nợ cho vay VNĐ, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ cho vay bằng VNĐ, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

7. Giá xăng dầu giảm 13 lần

Cùng với đà giảm giá xăng dầu trên thị trường thế giới, trong năm 2014, giá xăng dầu chỉ có 5 lần điều chỉnh tăng, còn có đến 13 lần điều chỉnh giảm, tương đương 6.330 đồng/lít. Trong lần giảm giá cuối cùng của năm 2014, giá xăng đã có mức giảm cao nhất trong nhiều năm gần đây, giảm 2.050 đồng/lít, khiến giá xăng RON 92 còn 17.880 đồng/lít, diesel còn 16.990 đồng/lít, dầu hỏa là 17.400 đồng/lít và dầu mazut còn 13.130 đồng/kg. Dưới sức ép của việc giá xăng dầu giảm liên tục, nhiều doanh nghiệp vẫn tải đã phải công bố giảm cước vận chuyển, mở ra triển vọng giảm giá bán của nhiều hàng hóa tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

8. Phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Cùng với việc Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody’s (từ B2 lên B1), trong tháng 10.2014, Bộ Tài chính đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, với mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến ban đầu là 5,125%/năm và thấp hơn hẳn so với lãi suất trái phiếu của Chính phủ Sri Lanka có cùng bậc xếp hạng tín nhiệm với nước ta (5,2%/năm). Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế từ trước đến nay (năm 2005 là 7,15%, năm 2010 là 6,75%).

Trong tổng số trái phiếu Chính phủ phát hành thành công ra thị trường quốc tế lần này, tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi trái phiếu đã phát hành trước đó được chấp nhận mua lại là 726,626 triệu USD. Cụ thể, mua lại 436,452 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290,174 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2010. Các khoản trái phiếu Chính phủ này sẽ chỉ phải trả mức lãi suất thấp, bằng khoảng 2/3 của mức lãi suất cũ, giúp tiết kiệm cho ngân sách 1.000 tỷ đồng, góp phần tái cơ cấu nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ.

9. Nhiều thương vụ M&A khủng

Năm 2014 là năm chứng kiến nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn tại Việt Nam. Các thương vụ này đều diễn ra dưới sự chủ động cao của doanh nghiệp và mang tính chiến lược cao. Điển hình là vụ Masan thâu tóm 49% số cổ phần của đối thủ cạnh tranh Cholimex Food; quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity rót 90 triệu USD đầu tư vào Bảo vệ Thực vật An Giang; Tập đoàn BJC của Thái Lan chi 879 triệu USD thâu tóm chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; hay nhà đầu tư bất động sản Nhật Creed Group cam kết rót 30 triệu USD vào Công ty Năm Bảy Bảy. Mới nhất là thương vụ tập đoàn thực phẩm Mỹ Mondelez International chi 370 triệu USD mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô, trong khi Kinh Đô trước đó cũng thâu tóm 24% cổ phần Vocarimex.

10. Kết thúc đàm phán nhiều hiệp định thương mại quan trọng

Từ tháng 11 đến 12.2014, nước ta đã lần lượt kết thúc về cơ bản việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan. Đây là các hiệp định FTA thế hệ mới toàn diện. Bộ Công thương dự đoán, khi ba hiệp định này được ký chính thức vào đầu năm 2015 và thực hiện chính thức thì kim ngạch xuất khẩu của nước ta sẽ tăng trưởng mạnh mẽ (với Liên minh châu Âu sẽ tăng từ 12 - 15%, với Hàn Quốc sẽ tăng 15% và với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan tăng 18%), có hàng triệu việc làm mới trong khu vực nông nghiệp và công nghiệp sẽ được tạo ra. Các hiệp định này cũng sẽ giúp cải thiện rõ rệt vị trí của nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới, vì khi đó các nước đầu tư vào Việt Nam có thể xuất khẩu sang các quốc gia đối tác với thuế suất thấp và hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ. Bên cạnh đó, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2014 đã có bước tiến đáng kể trong đàm phán và dự kiến cũng có thể ký kết trong năm 2015.

    Nổi bật
        Mới nhất
        10 sự kiện kinh tế - xã hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO