10 sự kiện báo chí cách mạng Việt Nam đáng nhớ
“Ngày 21.6.1925, báo Thanh niên, do Hồ Chủ tịch sáng lập ra số đầu tiên. Từ đó báo chí cách mạng Việt Nam ra đời. Để ghi nhớ công ơn của Hồ Chủ tịch sáng lập báo chí cách mạng, phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, nêu cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay, Ban Bí thư đồng ý hàng năm đến ngày 21.6 thì tổ chức Ngày báo chí Việt Nam”(1). Dưới đây là 10 sự kiện báo chí cách mạng Việt Nam đáng ghi nhớ.
1. Nhà báo cách mạng Việt Nam đầu tiên
Danh hiệu này thuộc về Chủ tịch HỒ CHÍ MINH (1890 - 1969). Bác không những là một lãnh tụ thiên tài, xuất chúng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà thơ, nhà tư tưởng lớn và nhà báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Từ tháng 3.1922 khi còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1.1941, Bác đã sáng lập, viết bài, trực tiếp tổ chức, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo cách mạng tiên phong: Le Paria, Thanh niên, Công Nông, Lính cách mệnh, Thân Ái, Đỏ, Việt Nam độc lập và Cứu quốc. Sau năm 1941, Bác còn thành lập, chỉ đạo và viết bài cho nhiều tờ báo khác, đồng thời đưa ra các quan điểm, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ, phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại quốc tế. Bác thực sự là người khai sinh, thực hiện, định hướng, bảo trợ và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bác cũng là nhà báo giữ kỷ lục có nhiều bút danh nhất. Trong hơn 170 tên gọi, bí danh, biệt hiệu... của Bác thì có hơn 100 bút danh báo chí thường dùng. Bác cũng là nhà báo giữ kỷ lục về số bài viết. Chỉ tính từ năm 1951 đến năm 1969, Bác đã viết hơn 1.500 bài cho các báo, trong đó viết cho Báo Nhân Dân 1.205 bài (có lẽ chưa một nhà báo nào đạt được kỷ lục này).
![]() Tờ “Người cùng khổ” - tờ báo Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập năm 1922 |
2. Tờ báo đầu tiên của người Việt Nam yêu nước xuất bản ở nước ngoài
Danh hiệu này dành cho Báo Le Paria (Người cùng khổ) - Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, xuất bản tại Paris (Pháp). Mỗi số in từ 1.000 đến 5.000 bản; một nửa lưu hành ở Pháp, nửa còn lại được gửi đi các nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi và Đông Dương. Số đầu tiên ra ngày 1.4.1922; bị đình bản tháng 4.1926 (sau 38 số).
3. Tờ báo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đó là tờ Tranh Đấu, do Trịnh Đình Cửu chỉ đạo biên tập, in bằng tiếng Việt trên giấy sáp tại Quảng Châu (Trung Quốc). Mỗi số 4 trang, khổ 31,5 x 22cm. Số đầu tiên ra ngày 15.8.1930.
4. Tờ báo có khuôn khổ bé nhất
Đó là tờ Lao tù tạp chí, do Chi bộ Đảng Cộng sản nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) bí mật thực hiện. Đồng chí Trường Chinh phụ trách, kiêm Chủ biên, trình bày, viết bằng mực tím, dày 14 trang. Số đầu tiên ra ngày 4.1.1932; chỉ ra được 3 số thì bị địch phát hiện và cấm chỉ. Đây là tờ báo nhỏ nhất với kích thước vỏn vẹn 10 x 7,5cm.
5. Báo in bằng nhiều thứ tiếng dân tộc nhất
Đó là bản tin Dân tộc và miền Núi của Thông tấn xã Việt Nam, khổ 27 x 19cm, xuất bản hàng tháng từ năm 1991, bằng các thứ tiếng Việt, Bana, E Đê, Jarai, Khơmer...
6. Trường đào tạo cán bộ viết báo đầu tiên
Đó là trường Huỳnh Thúc Kháng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian đào tạo mỗi khóa 3 tháng. Ông Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Độc Lập làm Giám đốc; ông Xuân Thủy - Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc làm Phó Giám đốc; 3 Ủy viên Ban Giám đốc là các ông Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ. Trường học được tổ chức tại khu rừng Bờ Rạ tỉnh Thái Nguyên. Khóa đầu khai giảng ngày 4.4.1949 với 42 học viên (có 3 nữ) gồm người của các báo trung ương, quân đội, liên khu, các đoàn thể, cán bộ thông tin. Trường có 29 giảng viên. Dù chỉ học 3 tháng nhưng chương trình khá phong phú, gồm ba phần chính là lý thuyết, chuyên môn nghiệp vụ và thực hành. Về lý thuyết có các bài khái niệm, lịch sử báo chí, điều kiện của người viết báo, tình hình thế giới và trong nước. Về chuyên môn có các bài cách làm phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu luận, thơ ca, nhạc, kịch, châm biếm; cách soạn tin, viết tin; có cả bài hướng dẫn cấu trúc một tờ báo, tổ chức tòa soạn; việc in ấn và phát hành. Về thực hành, có hướng dẫn cách viết các loại văn phóng sự, điều tra, phỏng vấn... Mỗi tổ học tập được lập ra một tờ báo để thực hành.
7. Hãng thông tấn đầu tiên và duy nhất
Đó là Thông tấn xã Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu Cách mạng tháng 8, Nha Thông tin thuộc Bộ Tuyên truyền của Chính phủ lâm thời đã lập ra Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) với ngày làm việc đầu tiên 23.8.1945 thu và khai thác các bản tin AFP ở Sài Gòn và Paris. Đến ngày 15.9.1945, VNTTX đã phát sóng ra thế giới bản tin đầu tiên cùng toàn văn Tuyên ngôn độc lập và chính thức lấy ngày này làm ngày thành lập. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bộ phận biệt phái của VNTTX ở Nam Bộ đã thành lập Thông tấn xã giải phóng - cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào ngày 12.10.1960. Sau khi đất nước thống nhất, Thông tấn xã giải phóng hợp nhất với VNTTX. Đến ngày 12.5.1977, VNTTX được đổi tên thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) theo Nghị quyết số 84 của UBTVQH. Từ đây TTXVN chính thức là cơ quan thuộc Chính phủ.
8. Đài phát thanh bằng nhiều thứ tiếng nhất
Danh hiệu này thuộc Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam (VOV) được thành lập từ ngày 7.9.1945. Đài có các đài khu vực, nhiều Văn phòng tại các địa phương và nước ngoài. Hiện nay, Đài phát các thứ tiếng Việt, Khơmer, Mông, E Đê, Jarai, Bana, Cơho, Thái, Xêđăng và các thứ tiếng nước ngoài, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Nhật, Bắc Kinh, Quảng Đông, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia.
9. Tháp truyền hình được đặt ở vị trí cao nhất kể từ trước tới nay
Kỷ lục trên thuộc tháp phát sóng truyền hình Việt Nam (VTV), tháp được đặt trên núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) ở độ cao 1.250 mét so với mặt nước biển, cộng với chiều cao của thân tháp 93 mét là 1.343 mét. Tháp được xây dựng từ năm 1976, nặng 200 tấn và có bán kính phủ sóng hơn 300km.
10. Nhật báo điện tử đầu tiên và báo điện tử đầu tiên
Nhật báo điện tử đầu tiên: Vào lúc 15h giờ Việt Nam (8h giờ GMT) ngày chủ nhật 21.6.1998, tại trụ sở Báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội, Báo Nhân Dân điện tử phát hành số 1, trở thành nhật báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
Báo điện tử đầu tiên: Vào đêm giao thừa 29 tết Đinh Sửu 6.2.1997, tại trụ sở Tạp chí Quê Hương (cơ quan ngôn luận của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài) thuộc Bộ Ngoại giao, số 32 Bà Triệu, Hà Nội, Tạp chí Quê Hương điện tử được bấm nút kết nối internet và trở thành báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
________________
(1) Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 46, trang 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006.