>>10 kiều nữ của làng tennis (Phần một)
Sinh năm 1983 ở Poprad, tay vợt thường xuất hiện trên sân đấu với trang phục của hãng Nike hiện đang làm việc với nhiều huấn luyện viên ở Học viện Sanchez-Casal Academy. Từ khi chuyển lên chuyên nghiệp (tháng 5.1999), cô đã giành 3 danh hiệu đơn và 8 danh hiệu đôi trong hệ thống WTA Tour, 3 danh hiệu đơn và 1 danh hiệu đôi trong hệ thống IFT Tour. Số trận thắng-thua của cô là 327-195. Vị trí cao nhất ở nội dung đơn của cô gái tóc vàng này là vị trí số 5 (ngày 27.1.2003) còn doanh thu trong sự nghiệp tennis đến nay là khoảng 5,65 triệu USD.
Tháng 2.2008, Hantuchova phải vất vả chống chọi với bệnh cúm kéo dài nhiều ngày. Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 23.2, cô cho biết đang phải uống nhiều nước hoa quả, trà nóng và Vitamin C. “Tôi hầu như không làm gì ngoài việc đọc sách và xem phim ở trên giường”, Hantuchova nói. Điều này cũng có nghĩa là cô không thể tham dự giải Vô địch Tennis Barclays Dubai vào cuối tháng 2. “Những kinh nghiệm của tôi tại giải đấu này rất tuyệt vời và tôi mong đợi sẽ trở lại vào năm tới”.

4. Ashley Harkleroad
Làng banh nỉ nước Mỹ cũng như thế giới sẽ thiếu màu sắc nếu vắng bóng Ashley Harkleroad. Sinh năm 1985 ở Rossville, bang Georgia, Harkleroad thừa hưởng tố chất thể thao từ bố mẹ. Cô bắt đầu chơi tennis năm lên 4 tuổi và có những huấn luyện viên của cô kỳ cựu.
Từ khi chuyển lên hạng chuyên nghiệp vào tháng 6.2000, tay vợt có biệt danh “đá cuội” (Pebbles) đã đạt đến vị trí thứ 39 trong bảng xếp hạng WTA vào ngày 9.6.2003. Năm 2003 cũng được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp của Ashley khi cô đánh bại ba tay vợt trong Top 20 thời điểm đó là Elena Bovina (16), Meghann Shaughnessy (19) và Daniela Hantuchova (9). Năm 2004, cô lần đầu tiên xuất hiện trong trận chung kết Tour (ở Auckland). Sau những chấn thương liên tiếp trong năm 2005, Ashley trở lại sân đấu với vị trí 86 (đơn) và 55 (đôi) vào cuối năm 2006. Năm 2007, cô được chọn vào đội tuyển Mỹ ở giải Hopman Cup. Với thành tích thắng – thua là 29-20 ở nội dung đơn và 13-11 ở nội dung đôi, Ashley kết thúc mùa giải 2007 ở thứ hạng là 67.
Tại giải Australia Mở rộng vừa qua, Ashley phải dừng bước sau trận thua hạt giống thứ 30 Virgine Razzano. Gần hai tuần sau đó, cô đã trình làng trong đội Fed Cup của Mỹ đối đầu với các tay vợt Đức. Ashley đã chiến thắng Tatjana Malek và Sabine Lisicki, giúp Mỹ giành chiến thắng 4-1 và trở thành người hùng của cuộc đấu.

3. Martina Hingis
Ở tuổi 27, dường như Martina Hingis có thể mỉm cười với thành tích lẫy lừng trong sự nghiệp thi đấu: 5 danh hiệu Grand Slam đơn (3 Australia Mở rộng, 1 Wimbledon và 1 Mỹ Mở rộng) và 9 danh hiệu Grand Slam đôi. Cô cũng đã thống lĩnh làng quần vợt nữ trong suốt 209 tuần và lập một loạt kỷ lục “trẻ nhất” trong lịch sử.
Trở lại cuộc đua WTA vào năm 2006, cô đã vươn lên vị trí thứ 6 thế giới và đoạt ba danh hiệu đơn. Ngày 1.11.2007, sau khi hồi phục chấn thương, Hingis thông báo “nghỉ hưu” khi thừa nhận đã sử dụng chất kích thích tại giải Wimbledon năm 2007 và ngày 4.1.2008, cô nhận lệnh cấm thi đấu hai năm. Theo đó, thành tích của cô tại giải Wimbledon, Mỹ Mở rộng và 3 giải đấu khác của năm 2007 sẽ bị xóa, đồng nghĩa cô phải hoàn trả 129.481 USD tiền thưởng và bị trừ số điểm trên bảng xếp hạng.
Hiện tại báo chí vẫn tiếp tục nói về tay vợt với biệt danh “Hoa hậu Thụy Sỹ” nhưng ở góc độ… tình duyên. Thân hình khỏe khoắn, sự nổi tiếng và một trái tim luôn khao khát yêu đương, Hingis cũng là một mẫu phụ nữ hấp dẫn đàn ông. Sau những trận thi đấu đầy lửa là những cuộc tình lãng mạn với nhiều tên tuổi trong làng quần vợt như Justin Gimelstob, Ivo Heuberger, Sergio Garcia, Julian Alonso, Magnus Norma, Mark Philippoussis, nhưng điểm chung là kết thúc chóng vánh. Hai mối tình đáng nhớ nhất có lẽ là với danh thủ bóng đá Anh Sol Campbell và tay vợt đồng hương Radek Stepanek.

2. Maria Kirilenko
Xuất thân từ diễn viên múa ballet, những di chuyển theo từng đường bóng của cô gái 20 tuổi này trên sân tennis chẳng khác nào những bước chân uyển chuyển hòa nhịp cùng tiếng nhạc trên sàn múa.
Maria Kirilenko bắt đầu chơi quần vợt từ lúc 7 tuổi khi cha cô làm quản lý cho một trung tâm quần vợt ở Nga. Năm 2005 đánh dấu một bước tiến vượt bậc của Kirilenko với danh hiệu vô địch WTA Tour đầu tiên sau khi đánh bại Anna-Lena Groenefeld ở giải Trung Quốc Mở rộng.
Năm 2006, Kirilenko được coi là hiện tượng của làng quần vợt thế giới khi lọt vào vòng 3 tại Mỹ Mở rộng, Australia Mở rộng và Pháp Mở rộng. Thứ hạng cao nhất của cô gái thành Matxcơva rất thành công với những pha đánh trái tay bằng cả hai tay là vị trí 20 vào ngày 12.6.2006. Trong sự nghiệp, Kirilenko ba lần lọt vào vòng 3 giải Mỹ Mở rộng, 1 lần vào vòng 3 giải Pháp Mở rộng, 1 lần vào vòng 2 Wimbledon và tại giải Australia Mở rộng vừa qua, cô lần đầu tiên đạt đến vòng 4 của một giải Grand Slam sau khi đánh bại hạt giống số 6 Anna Chakvetadze.
Bên cạnh niềm đam mê quần vợt, Kirilenko cũng thích quan tâm tới thời trang. Năm 2006, cô được chọn là gương mặt của hãng thời trang thể thao Adidas và chuyên mặc những trang phục do nhà thiết kế người Anh Stella McCartney đảm nhiệm. “Chúng rất đẹp và khiến tôi tự tin hơn trong thi đấu. Điều đó có thể giúp tôi nổi tiếng hơn trong làng quần vợt”, Kirilenko tâm sự.

1. Maria Sharapova
Tay vợt có biệt danh Masha nổíi tiếng khắp thế giới không chỉ nhờ tài năng quần vợt mà còn ở vẻ đẹp mê đắm lòng người. “Nữ hoàng trong làng banh nỉ” không chỉ làm sáng bừng các sân thi đấu tennis, những chiến dịch quảng cáo thời trang, điện thoại, xe hơi mà cả những nơi cô xuất hiện trong đời thường...
Nếu so về độ quyến rũ, Masha không hề thua kém đàn chị Kournikova. Cô có khuôn mặt thánh thiện rất Nga, thân hình khỏe mạnh và gợi cảm. Còn về kỹ năng chơi tennis thì Masha vượt xa đồng hương. Cô đã được nâng chiếc đĩa bạc Wimbledon khi mới có 17 tuổi (2004) cùng danh hiệu quán quân Mỹ Mở rộng (2006), Australia Mở rộng (2008) và đang hướng tới ngôi vô địch Pháp Mở rộng để hoàn thành bộ sưu tập các danh hiệu Grand Slam.
Cựu tay vợt số 1 thế giới (ngày 22.8.2005) cũng là gương mặt nóng bỏng trong giới người mẫu. Cô từng ký hợp đồng quảng cáo cho những thương hiệu lớn như ô tô Land Rove, Honda, Canon... Tháng 4.2005, tạp chí People đã xếp cô là một trong 50 phụ nữ đẹp nhất thế giới. Năm 2006, tờ Maxim xếp cô là vận động viên gợi cảm nhất thế giới. Còn Forbes vào tháng 6.2005 công bố Masha là cây vợt nữ có thu nhập cao nhất thế giới với mức hàng năm khoảng 18 triệu USD mà phần nhiều từ việc quảng cáo.
Hoàng Diễm