"Chính sách phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam và thế giới"

- Thứ Tư, 05/10/2016, 15:58 - Chia sẻ
Sáng 5.10, tại Trụ sở VPQH, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học "Chính sách phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam và thế giới" với sự tham gia của các ĐBQH, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hội thảo tập trung nghe và thảo luận các nội dung: Các vấn đề pháp luật và giám sát công; các tác động môi trường, xã hội và biện pháp thay thế cho năng lượng nguyên tử. Các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Nhật Bản và Nam Phi đã chia sẻ xung quanh các chủ đề thảo luận, bao gồm các kinh nhiệm về quản lý và giám sát công về năng lượng nguyên tử của Đức, vấn đề an ninh, ứng phó khẩn cấp với rủ ro, bài học từ trường hợp Fukushima, chi phí vòng đời và quản lý rác thải điện hạt nhân, kinh nghiệm từ Nam Phi.


Toàn cảnh Hội thảo

Có ý kiến cho rằng, để quản lý được công nghệ và rác thải từ điện hạt nhân, công nghệ cần phải bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối cho công chúng và không bị chi phối bởi bất cứ lợi ích cá nhân hay nhóm chính trị nào; cần phải có cơ chế kiểm soát độc lập việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế, cơ quan này phải được cấp kinh phí độc lập, do nhà nước bảo trợ, nhân viên tại các cơ quan kiểm soát này phải có chuyên môn, đủ bản lĩnh đối mặt với áp lực từ nhà thầu, công ty vận hành và có thu nhập độc lập với các đơn vị vận hành nhà máy điện.

Hội thảo trở lên sôi động và nóng với các thông tin, quan điểm nhiều chiều đã được đưa ra xung quanh xu thế phát triển điện hạt nhân và năng lượng tái tạo thay thế điện hạt nhân trên thế giới; Công nghệ và yêu cầu bảo đảm an toàn các nhà máy điện hạt nhân hiện nay; Điện hạt nhân đắt hay rẻ, an toàn hay không an toàn... Đặc biệt, các ĐBQH đã đưa ra nhiều câu hỏi, trao đổi nhằm hiểu rõ các thông tin được các chuyên gia đưa ra. Các đại biểu sôi nổi thảo luận việc có hay không lợi ích của điện hạt nhân với các nội dung điện hạt nhân cạnh tranh với điện sản xuất từ than nhập khẩu; phát triển điện hạt nhân làm đa dạng hóa các nguồn năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng; bảo vệ môi trường...

Một số ý kiến tại hội thảo cũng đã thông tin về quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia và công tác thông tin, tuyên truyền phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam; tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới; hợp tác quốc tế trong phát triển điện hạt nhân. Nhiều đại biểu cho rằng, với việc phát triển điện hạt nhân, chúng ta đều phải có những nghiên cứu, tính toán khoa học, đánh giá toàn diện sự cần thiết, lợi ích và những rủi ro, tác động không mong muốn trong dài hạn trước khi quyết định dự án.

Được biết, sau sự cố phóng xạ Fukushima (Nhật Bản), Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc vấn đề an toàn và quyết định lùi thời gian khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Tin, ảnh: T. Cường