"Chất vấn sớm"

- Thứ Năm, 12/05/2016, 15:11 - Chia sẻ
(ĐBNDO) – Dù mới là ứng cử viên, dù trả lời những câu hỏi của cử tri mới chỉ dừng lại ở lời hứa, nhưng những vấn đề sát sườn từ cuộc sống của người dân như: vấn đề chính sách người có công, chất lượng khám, chữa bệnh, chất lượng giáo dục… được ứng cử viên hứa sẽ là cơ sở để cử tri giám sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ của người đại biểu sau này.

Bao giờ những người lính hy sinh mới đủ giấy tờ để công nhận là liệt sỹ?

Tại buổi tiếp xúc, nhiều vấn đề cử tri quan tâm gửi đến các ứng cử viên ĐBQH Khóa XIV, trong đó có vấn đề về chính sách đối với người có công, về tình trạng nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng; về bất cập trong khám, chữa bệnh; tình trạng quá tải bệnh viện và bệnh thành tích trong ngành giáo dục…

Cử tri Nguyễn Đức Thuận, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử mang tiếng nói của mình để giải quyết những vấn đề mà cử tri và nhân dân hiện rất quan tâm. Đó là vấn đề chất độc màu da cam. Ông cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội còn rất nhiều người là nạn nhân của chiến tranh. Bản thân là người đã từng trải qua chiến tranh, ông hiểu được những mất mát và cả những thiệt thòi của những người là nạn nhân của chiến tranh. Nhưng  heo ông, đến nay việc giám định pháp y, giám định chất độc da cam còn gặp nhiều khó khăn. Những người thương binh ở Hà Nội rất đông, rất bức xúc, nhiều người rất muốn biết tình trạng bệnh tật của họ đang ở mức độ nào chứ chưa hẳn là để hưởng trợ cấp. Vậy, khi trúng cử, các ĐBQH có giải pháp nào để giải quyết được tình trạng vướng mắc này?- ông Thuận đặt câu hỏi.


Cử tri Nguyễn Đức Thuận, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội

Từng là người lính, điều ông Thuận băn khoăn nhất là chiến tranh đã đi qua 41 năm nhưng những người lính hy sinh ở chiến trường đến nay vẫn còn có nhiều trường hợp mất tích. Ông kể, có một người con của một người bạn chiến đấu của ông quê ở Quốc Oai, Hà Nội, chiến đấu và hy sinh năm 1967 nói gia đình vẫn chưa nhận được chế độ gì. Vậy đến bao giờ mới đủ hồ sơ, giấy tờ để công nhận trường hợp này là liệt sỹ?

Câu hỏi đặt ra tại hội nghị như những “chất vấn” sớm của cử tri, ứng cử viên đã thể hiện sự chia sẻ sâu sắc với những băn khoăn của cử tri. Có thể thấy, những năm qua, Nhà nước đã có chính sách quan tâm đến hậu phương quân đội, chăm lo đến cuộc sống của người có công với cách mạng nhưng vẫn chưa tương xứng với sự hy sinh của họ.

Đặc biệt, hiện vẫn còn số lượng người bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn chưa được hưởng chế độ chất độc da cam. Nhiều chính sách đã được xây dựng vẫn chưa thực hiện. Nhiều con em những người đã từng tham gia chiến đấu và ảnh hưởng đến sức lao động nhưng để làm thủ tục để hưởng chính sách hiện còn yêu cầu nhiều thủ tục giấy tờ. Thực tế cho thấy, những người lính khi đi chiến đấu họ không thể nghĩ đến việc giữ giấy tờ cho mình, trong khi giờ nhiều đơn vị trực tiếp của họ đã không còn hoạt động nên việc xác nhận không dễ dàng.

Cho rằng, hiện có chính sách xây dựng đối với người có công chưa thực sự sát thực tế, để bảo đảm quyền lợi của những người có công, ứng cử viên hứa, nếu trúng cử cũng sẽ đề xuất QH hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công trong đó tập trung vào các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học và bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, đề nghị QH xây dựng Luật Da cam để bảo đảm quyền lợi cho những người đã từng tham gia chiến đấu.


Tiếp xúc cử tri với ứng cử viên của đơn vị bầu cử số 2 tại Quận Đống Đa, Hà Nội

Băn khoăn về chất lượng khám, chữa bệnh

Cùng với những trăn trở về các chính sách đối với người có công, một vấn đề được cử tri quan tâm chính là chất lượng khám, chữa bệnh và tình trạng quá tải bệnh viện.

Bà Hoàng Thị Thơ, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa phản ánh về  những bất cập trong ngành y như viện phí tăng cao đối với chất lượng khám, chữa bệnh. Mặc dù, chúng ta đã có đầu tư cơ sở hạ tầng để bảo đảm khám, chữa bệnh cho người dân nhưng thực tế đi đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện thì lượng người quá tải “khủng khiếp”. Qua phản ánh này, bà mong muốn nhận được câu trả lời từ các ứng cử viên, nếu trúng cử ĐBQH thì các ứng cử viên sẽ làm gì để giải quyết tình trạng này, để bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận tiện, đặc biệt người nghèo?


Bà Hoàng Thị Thơ, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa phản ánh tại buổi tiếp xúc cử tri

Cùng chung quan tâm đến vấn đề y tế, cử tri Lê Thị Quyên, phường Thịnh Quang, Đống Đa cho rằng, những năm qua, mặc dù ngành y tế có nhiều thành tích nhưng cũng có nhiều vấn đề nổi cộm. Cụ thể, đã xảy ra tình trạng không xét nghiệm nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm, có xét nghiệm nhưng kết quả trùng nhau từng gây xôn xao dư luận. Vẫn còn trường hợp tiêm nhầm vaccine cho trẻ em dẫn đến tử vong, hay tình trạng khan hiếm vaccine 6 trong một dẫn đến có gia đình phải đưa trẻ sang nước ngoài để tiêm gây tốn kém cho nhân dân. Ngoài ra, vấn đề trang thiết bị y tế cũng có những tồn tại, mua cũ về đắp chiếu để đấy không sử dụng được. Nếu được tín nhiệm, các ứng cử viên sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào để lấy lại lòng tin trong nhân dân? Bà Quyên đặt câu hỏi.

Thực tế cho thấy, lĩnh vực y tế là vấn đề “nóng” trong dư luận thời gian qua.  Mặc dù, nhà nước và Bộ Y tế cũng đã có những chính sách để ngày càng đáp ứng yêu cầu trong khám, chữa bệnh, song trong điều kiện thực tế của chúng ta hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân trong công tác khám, chữa bệnh. Các ứng cử viên cho rằng, việc quá tải bệnh viện chưa thể giải quyết được một phần vì chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở chưa thực sự bảo đảm. Để hạn chế được tình trạng này cần phải phát triển mạnh chất lượng y tế ở tuyến cơ sở, trong đó có đầu tư thiết bị và cần được bồi dưỡng, đào tạo về chất lượng chuyên môn nghề nghiệp ở tuyến cơ sở.

Ngoài ra, để khắc phục được tồn tại trong công tác xét nghiệm như phản ánh của cử tri, các ứng cử viên cho rằng, đây chính là vấn đề y đức, cần phải chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời, cần phải có chế tài nghiêm đối với mỗi trường hợp vi phạm.

Chất lượng giáo dục không phải là điểm số

 Đơn vị bầu cử số 2 gồm các quận: Đống Đa và Hai Bà Trưng. Số ĐBQH được bầu bao gồm:
- Ông Hoàng Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Khối các trường Đại học Cao đẳng Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân
- Ông Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng
- Ông Hoàng Châu Sơn, Trung tướng, Phó chủ tịch, Giám đốc Quỹ Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
- Ông Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại QH, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội
- Ông Nguyễn Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Cử tri Nguyễn Khắc Xuân, Phường Nam Đồng, Đống Đa đưa ra câu hỏi với nội dung dù đã cũ nhưng mãi vẫn chưa được giải quyết đó là làm thế nào để khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong ngành giáo dục, vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hiện nay?

Trước thực trạng này, ứng cử viên cho rằng, thành tích trong giáo dục xuất phát từ quan niệm, đó là chúng ta đánh giá chất lượng giáo dục căn cứ vào điểm số. Vì vậy, đã đến lúc quan niệm này cần phải được thay đổi. Đánh giá chất lượng giáo dục phải qua năng lực thực tế chứ không phải là điểm số.

Ngoài ra, cần thay đổi nội dung, phương pháp đánh giá trong giáo dục, thi cử. Ứng cử viên cũng hứa, sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến vào việc rà soát hệ thống các trường đào tạo dạy nghề, cao đẳng, đại học theo hướng tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng đào tạo. Đồng thời, kiến nghị phân bổ học sinh định hướng nghề nghiệp ngay khi còn ngồi ở trường phổ thông. Tăng cường việc đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội để sau khi ra trường các em dễ dàng kiếm việc làm.

Có thể, những băn khoăn, câu hỏi của cử tri được các ứng cử viên lên lịch trình thực hiện mới chỉ dừng lại ở lời hứa. Nhưng những lời hứa của ứng cử viên sẽ là cơ sở để cử tri giám sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ của người đại biểu sau này.

Hương Sen