Chính sách và cuộc sống

Yếu tố quyết định!

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 08:13 - Chia sẻ
“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) sẽ như “tuyến đường cao tốc” quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Lễ ký kết hai hiệp định này tròn 1 tuần trước tại Hà Nội.

Tất nhiên, là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấu hiểu sâu sắc rằng, việc ký  kết mới chỉ là bước khởi đầu. Chặng đường tiếp theo để EVFTA và EVIPA được phê chuẩn, đưa vào thực thi và trên hết là giúp Việt Nam khai thác tối đa những cơ hội mà hai hiệp định này có thể mang lại thì vẫn còn rất nhiều chông gai, mà phần chông gai nhất có lẽ lại nằm ở chính nội tại của chúng ta. Vì thế, việc đầu tiên sau khi ký kết chính là Việt Nam sẽ ban hành một Chương trình hành động cấp quốc gia mà như Thủ tướng đã khẳng định, trong đó sẽ là các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể để thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong EVFTA và EVIPA; sẽ triển khai sâu rộng đến các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân; sẽ gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh, hùng cường.

Chương trình hành động quốc gia này, tất nhiên sẽ có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, có những việc “tưởng là rất nhỏ” nhưng cần phải làm trước và làm ngay nếu không muốn các doanh nghiệp trong nước nản lòng. Đó là cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, đang tạo rào cản đối với doanh nghiệp, đặc biệt là phải dứt điểm xóa bỏ các thủ tục “hành là chính”, các thể loại “giấy phép con” được sinh ra để nhũng nhiễu, trục lợi từ các doanh nghiệp, các chi phí không chính thức vẫn đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này thời gian qua. Đơn cử như với phòng, chống tham nhũng và cắt giảm chi phí không chính thức, kết quả điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ghi nhận những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực của chính quyền các cấp khi toàn bộ các chỉ tiêu đo lường chi phí không chính thức trong PCI 2018 đã có sự cải thiện so với năm trước đó. Đây là hiện tượng được ghi nhận lần đầu tiên từ năm 2006. Quy mô chi trả chi phí không chính thức cũng đã nhỏ đi, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức so với tỷ lệ là 11,1% của năm 2015.

Dù vậy, chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) kể rằng, ông đã gặp những giám đốc doanh nghiệp tóc bạc phơ, rớm nước mắt kể chuyện bị quan chức hành hạ, bắt chi trả cho những cuộc ăn chơi, ra giá cho những khoản chung chi có khi hàng tỷ đồng, chà đi xát lại rồi mới chịu giải quyết công việc. Không ít doanh nghiệp bị các cán bộ kiểm tra, thanh tra moi móc, phát hiện sai phạm và dùng nó để đe dọa “chuyển lên trên” hay “chuyển cho cơ quan chức năng” rồi ra giá và nhận chung chi rất khôn khéo, khó phát hiện…

Những hiện tượng như vậy, dù chỉ là thiểu số nhưng cũng cho thấy vẫn cần thêm rất, rất nhiều nỗ lực, sự kiên trì, bền bỉ của chính quyền các cấp, của từng cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến cắt giảm chi phí không chính thức, xóa bỏ những thủ tục “hành là chính”, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao chất lượng quy định pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch và đặc biệt là đặt ra mục tiêu đến năm 2020, giảm một nửa tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng phải chi trả chi phí không chính thức theo khảo sát PCI.

Mục tiêu và quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, lớn mạnh đã rất rõ ràng. Bây giờ là lúc, phải tận dụng sức ép của EVFTA, EVIPA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhận xét, ngoại lực (các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới) là rất quan trọng nhưng nội lực (năng lực điều hành quản lý nhà nước, sự minh bạch về thể chế pháp lý và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong nước) mới là yếu tố quyết định thắng lợi của Việt Nam trên “sân chơi” toàn cầu.

Lam Anh