Yêu cầu xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn là không cần thiết

- Thứ Tư, 13/11/2019, 19:03 - Chia sẻ
Đây là một trong những nội dung góp ý của Bộ Tư pháp vừa gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GT - VT nghiên cứu lại khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Khoản 2, Điều 3). Vì theo dự thảo, bất kỳ đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong khi dự thảo chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất. Văn bản của Bộ Tư pháp chỉ rõ, “chúng tôi đề nghị chỉ coi là đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải”.

Điểm đáng chú ý, trong văn bản góp ý, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định tất cả xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn “Xe hợp đồng” (Điểm c Khoản 1 Điều 7). Lý do bởi Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 7 dự thảo Nghị định đã quy định tất cả các loại xe hợp đồng đều phải có phù hiệu “Xe hợp đồng”. Do đó, quy định các xe này phải gắn thêm hộp đèn “Xe hợp đồng” là không cần thiết. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị Bộ GT - VT cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm như Grab, Uber... để có quy định quản lý cho phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị bỏ quy định trong thời gian 1 tháng xe taxi phải có thời gian hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu tối thiểu 70% tổng thời gian hoạt động trong tháng. Văn bản của Bộ nêu rõ, việc hạn chế thời gian xe taxi hoạt động tại địa phương nơi cấp phù hiệu là không có cơ sở pháp lý, không có cơ sở khoa học, mang tính chất áp đặt hành ch&iaacute;nh, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp…

Đan Thanh