Ý tưởng đột phá nhưng có dễ thực hiện?

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 06:58 - Chia sẻ
Đề xuất mới đây của Đức và Pháp về những điểm chính cho quỹ tái thiết Liên minh châu Âu (EU) giúp giải quyết hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra đối với các nền kinh tế khu vực được coi là tiến bộ lớn đối với phản ứng có phần chậm chạp của EU thời gian qua. Tuy nhiên, để thuyết phục được tất cả các thành viên còn lại ủng hộ là câu chuyện khác.

Tiến bộ và hào phóng

Theo Bloomberg, ý tưởng của hai quốc gia trên là lập quỹ tái thiết châu Âu vô cùng hào phóng. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có khoản nợ trị giá 500 tỷ euro (khoảng 548 tỷ USD) trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất như Italy và Tây Ban Nha và nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen là thuyết phục thành viên về dự án này. 500 tỷ euro là con số lớn hơn nhiều so với dự tính trước đây. Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, quỹ tái thiết sẽ không phải dưới dạng các khoản cho vay mà là trợ cấp. Ý tưởng này được đánh giá là rất táo bạo.


Nguồn: ITN

Trong kế hoạch của Pháp và Đức, EC sẽ thực hiện việc vay và các quốc gia thành viên chỉ phải chịu trách nhiệm với phần của họ trong ngân sách EU. Và quỹ sẽ chỉ được giao cho các nước theo quyết định của họ. Họ được giải ngân theo các quy tắc ngân sách của EU, với các tiêu chí dành cho những dự án cụ thể.

Theo một số nhà quan sát, để đạt được thỏa thuận trên, Đức đã thuận theo quan điểm của Pháp. Hiện hai nhà lãnh đạo chưa nói rõ nguồn tiền được phân bổ ra sao, hay chính xác là các khoản vay mới sẽ được hoàn lại như thế nào. Đây là những câu hỏi cực kỳ quan trọng nhưng dễ gây tranh cãi. Và mặc dù sự hiểu biết giữa Pháp và Đức về kế hoạch tài khóa mới là cần thiết trước bất kỳ viễn cảnh nào, nhưng điều đó chưa đủ. Sự hỗ trợ của cả 27 thành viên liên minh lá cờ xanh sẽ vô cùng cần thiết để kế hoạch được hiện thực hóa. Thực tế, một số chính phủ có quan điểm bảo thủ về vấn đề tài khóa đã có phản đối nhất định.

Khó có thể tranh luận với cách giải thích của Thủ tướng Đức Angela Merkel về lý do chương trình kiểu này là cần thiết. Vì bà đã chỉ ra rằng, sự gắn kết châu Âu đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng kinh tế tiêu cực mà virus Corona gây ra. Nếu không có trợ giúp, những quốc gia thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt là Italy, sẽ phải vật lộn để đối phó với hậu quả ngân sách. Nguyên nhân một phần bởi vì với tư cách là các thành viên của hệ thống tiền tệ chung, họ thiếu nguồn cầu viện độc lập để điều tiết tiền tệ đối với chi tiêu công khẩn cấp. Các khoản nợ dành cho Italy đã gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng Trung ương châu Âu dù đã thực hiện hỗ trợ chính sách tiền tệ mạnh mẽ, nhưng khả năng giúp đỡ trực tiếp của cơ quan này đối với những quốc gia cần nhất còn hạn chế.

Sự do dự của EU gây phẫn nộ ở Italy và nhiều nước. Thậm chí, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nếu phục hồi kinh tế bị trì hoãn hoặc gián đoạn. Tâm lý hoài nghi châu Âu thực sự tăng lên ngay cả trước khi nhu cầu tài chính giúp đối phó với đại dịch thu hút sự chú ý mới về khả năng yếu kém của các công cụ chính sách EU.

Về lâu dài, châu Âu đòi hỏi khung chính sách ngân sách cố định để trang bị cho hệ thống đồng euro với các công cụ tài chính cần thiết. Điều đó đồng nghĩa với các khoản vay, thuế và chi tiêu công của EU. Tuy nhiên, đây là công việc sẽ mất nhiều năm nếu như nó có thể được hoàn thành. Châu Âu cần một hiệp ước mới và phải giải quyết nhiều vấn đề về bản sắc và đoàn kết mà cho đến nay họ vẫn muốn né tránh. Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối đầu với dịch Covid-19, một phương thuốc nhanh hơn nhiều là cần thiết. Vì thế, một số người nhận định, một liên minh thực tế tạm thời sẽ là cách tốt nhất hướng về phía trước.

Đề xuất mới còn kéo theo nhiều cuộc đàm phán phức tạp về việc ai sẽ được nhận tiền và ai cuối cùng trả tiền. Nỗ lực trên rất có thể thất bại giống như nhiều nỗ lực trước đây. Nhưng dù sao, với việc đạt được nhất trí với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lần đầu tiên công nhận khu vực tiền tệ chung không thể vận hành tốt dưới áp lực mà thiếu chính sách tài khóa thống nhất, Thủ tướng Đức đã có một bước đi lớn và có thể rất quan trọng.

Vì sao Đức thay đổi?

Vẫn chưa rõ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể thuyết phục tất cả 25 nhà lãnh đạo quốc gia còn lại đồng hành với ý tưởng của họ hay không. Nhưng đối với Đức nói riêng, ngay cả bước đầu tiên này đã có thay đổi lớn. Một quốc gia liên tục bác bỏ bất kỳ khái niệm nào về “dịch chuyển liên minh” hay “vay chung” của châu Âu như Đức đang có cách đi mềm mại, linh hoạt hơn. Tại sao có sự thay đổi này? Và hướng đi thực sự khác nhau như thế nào?

Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong năm thứ 15 cầm quyền, có thể đạt được tín nhiệm cao trong các cuộc thăm dò trong nước vì thành tích kiểm soát tương đối tốt dịch Covid-19. Nhưng bà đã phải chịu rất nhiều áp lực ở EU thời gian qua. Đặc biệt là ở Italy và Tây Ban Nha, các chính trị gia và cử tri tại đây luôn cảm thấy các đồng minh châu Âu thiếu nhiệt tình giúp đỡ những nơi bị tổn thất về mặt y tế và kinh tế nặng nhất.

Bà Merkel và cả hệ thống chính trị của Đức đã thực sự bị chấn động bởi các cuộc thăm dò cho thấy, công dân Italy đã trở nên hoài nghi châu Âu. Đó là thất bại của một EU luôn đề cao tính thống nhất và hòa nhập, trong khi chính sách đối ngoại của Đức thời chiến từng là tiền đề cho cả hội nhập xuyên Đại Tây Dương lẫn châu Âu. Trong bối cảnh quan hệ Đức - Mỹ có nguy cơ sờn mòn, viễn cảnh về một EU giải thể là nỗi sợ lớn nhất đối với chính quyền Berlin. Vì vậy, bà Merkel đã ra một quyết định rõ ràng: Đức ít nhất phải được nhìn nhận bằng khả năng đảm nhận vị trí cốt lõi truyền thống của mình cùng với Pháp để đưa châu Âu tiến lên.

Vào thời điểm virus SARS-CoV-2 lan sang châu Âu, mối quan hệ Pháp - Đức dường như không mấy êm ấm. Tổng thống Pháp đã nhiều lần đề xuất biện pháp mới táo bạo để cải tổ khu vực đồng euro, nhưng Thủ tướng Đức ban đầu lại tỏ ra không mấy mặn mà khiến ông cảm thấy khá thất vọng.

Tuy nhiên, trong giây phút khủng hoảng đó, cả hai lãnh đạo đã quyết định trao cho mối quan hệ song phương cơ hội mới. Tất nhiên, Tổng thống Macron sẽ rất chú ý đến những động thái tiếp theo của Thủ tướng Merkel và bà biết điều đó. Người đứng đầu Điện Elysee hy vọng, nhà lãnh đạo Đức sẽ sử dụng vốn chính trị đáng kể của mình thuyết phục các thành viên EU còn lại chấp nhận đề xuất quỹ tái thiết.

Thái Anh