Ý Đảng và lòng dân hội tụ

- Thứ Hai, 03/06/2019, 08:04 - Chia sẻ
Nằm trong vùng lõi kinh tế trọng điểm của phía Nam, Đồng Nai được biết đến là tỉnh công nghiệp hiện đại, là lá cờ đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, diện mạo nông thôn tỉnh Đồng Nai đã thay đổi hoàn toàn, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đời sống nhân dân được ấm no hơn. Bức tranh Đồng Nai trong giai đoạn mới là kết quả và biểu hiện đầy đủ khi “ý Đảng - lòng dân hội tụ” trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt khoảng 3,5 - 4%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 5%/năm; giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản/ha đạt từ 140 - 150 triệu đồng. Thu nhập của cư dân nông thôn tăng từ 13 - 15%/năm, 100% số xã đạt chuẩn NTM tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí, duy trì tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%...

Động lực, nền tảng của sự phát triển bền vững

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa X, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là Nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến lĩnh vực “tam nông”, trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng NTM là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt và trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, không chỉ đến năm 2020 mà còn cho suốt chặng đường xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng Nai được coi là “bản lề chiến lược” giữa bốn vùng của các tỉnh phía Nam và có thế mạnh về công nghiệp, nhưng bên cạnh những nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn khoảng 60% số dân sống ở vùng nông thôn.

Tại thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết 26, nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, tự phát; nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng; một bộ phận không nhỏ đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy Đồng Nai về “tam nông” ra đời với kỳ vọng trở thành cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để Đồng Nai bước sang giai đoạn phát triển mới. Khẳng định vai trò ý nghĩa của Nghị quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai  Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, chủ trương là kim chỉ nam, là động lực để tỉnh cấu trúc lại nền nông nghiệp; phá vỡ tư duy lạc hậu, sản xuất trì trệ của người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn…

“Nghị quyết 26 thực sự là nghị quyết của “ý Đảng - lòng dân” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Đồng Nai. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính sáng tạo trong phát hiện và giải quyết các vấn đề từ thực tiễn” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.


Thành phố Biên Hòa ngày nay
Ảnh: Lê Hòa

Đồng bộ hóa giải pháp thực hiện

Để Nghị quyết có sức lan tỏa, đi sâu vào cuộc sống và tạo chuyển biến tích cực, tỉnh Đồng Nai đã chủ động đưa công tác tuyên truyền đi trước một bước. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 45.690 cuộc tuyên truyền Nghị quyết, với gần 2.175.000 lượt cán bộ, hội viên, các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia học tập; hơn 500 bản tin, 362 phóng sự; 276 chuyên đề và 150 tọa đàm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM đã được truyền tải qua các phương tiện truyền thông. Nhiều hoạt động hội thảo, hội thi như “Dân vận khéo”; “Tìm hiểu kiến thức xây dựng NTM” và các cuộc thi sáng tác về đề tài “nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM” đã được phát động, tổ chức…

Bên cạnh đó, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được từ chủ trương “4 có” trong thực hiện xây dựng NTM của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là “Có đời sống kinh tế được cải thiện; có kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ; có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn bảo đảm; có môi trường sinh thái phát triển bền vững”, ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa VIII) đã ban hành Kế hoạch số 97-KH/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5.9.2016 để tổ chức thực hiện Chương trình. Đồng thời, Đồng Nai đã thành lập “Ban Chỉ đạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020” từ cấp tỉnh xuống đến cấp xã với số lượng hơn 15.000 người (kể cả chuyên trách và kiêm nhiệm).

Song song với việc thể chế hóa Nghị quyết Trung ương, tỉnh đã tập trung ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền về huy động và sử dụng nguồn lực để chỉ đạo thực hiện như: Các đề án về mức ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật... Các chính sách sau khi ban hành đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết…

Nông thôn mang diện mạo mới

Từ những định hướng mang tính kim chỉ nam, sau hơn 10 năm bền bỉ thực hiện, đến nay Nghị quyết về “tam nông” đã “ăn sâu bám rễ” vào từng lát cắt của đời sống của tỉnh Đồng Nai. Trong giai đoạn 2008 - 2018, tỉnh đã đầu khoảng 330 ngàn tỷ đồng trên mặt trận “tam nông”, từ đó đã thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo nông thôn được “thay da đổi thịt”, vai trò chủ thể của nông dân được khẳng định, đời sống được nâng lên… Đáng ghi nhận, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tốc độ tăng trưởng bình quân trong 10 năm đạt 4,14%/năm. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2017 theo đúng định hướng, tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng trồng trọt; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích năm 2017 ước đạt hơn 117,67 triệu đồng/ha, tăng 183% so với năm 2008.

Đặc biệt, thu nhập của người dân nông thôn các địa phương tăng gấp 3 - 4 lần so với 10 năm trước. Có những nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất cho thu nhập 1 - 3 tỷ đồng/ha/năm… Cuộc cách mạng “tam nông” đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa Đồng Nai trở thành lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM. Đến đầu năm 2019, tỉnh đã có 133/133 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, riêng huyện Xuân Lộc của Đồng Nai đã được chọn làm thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước….

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song Đồng Nai cũng thẳng thắn nhìn trên mặt trận “tam nông” vẫn còn đó hạn chế, tồn tại như: Cơ cấu kinh tế nông thôn các xã vùng sâu, vùng xa chuyển dịch chậm; chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh. Đời sống của người nông dân tuy được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn chưa xứng tầm với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn chưa mang tính hiện đại, đồng bộ.

Trên cơ sở thẳng thắn nhận diện, đánh giá những hạn chế, tồn tại, bước sang giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai tiếp tục quán triệt quán mục tiêu tổng quát là: Phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế, phát triển toàn diện và bền vững. Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh, tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa. Thay đổi căn bản một bước về phát triển đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của nông dân và dân cư nông thôn. Xây dựng xã hội nông thôn yên bình, văn minh, giàu đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa nông thôn Việt Nam.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, để thực hiện được mục tiêu tổng quát đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung tinh thần Nghị quyết số 26 và Kế hoạch số 97-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, xây dựng NTM văn minh, hiện đại; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn, thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hội nhập quốc tế…

BẢO QUYÊN