Malaysia

Xử phạt nặng hành vi nhập lậu

- Chủ Nhật, 07/07/2019, 09:03 - Chia sẻ
Năm 2018, Malaysia tuyên bố cấm nhập khẩu phế liệu nhựa và đóng cửa khoảng 30 địa điểm tái chế bất hợp pháp. Theo pháp luật của nước này, hành vi lưu thông bất hợp pháp chất thải nguy hại có thể bị phạt tù và phạt tiền; thậm chí, các cá nhân nhập khẩu rác thải nhựa bất hợp pháp có thể bị coi là phản quốc.

Lấp lỗ hổng luật pháp

Trong nỗ lực tránh bị biến thành bãi rác của thế giới, cùng với một loạt nước Đông Nam Á khác, Malaysia đã quyết định trả về 450 tấn tác thải nhựa bị ô nhiễm cho những quốc gia đã vận chuyển đến nước này, đồng thời kiểm soát chặt hơn tình trạng nhập lậu rác thải, phế liệu. Theo cơ quan quản lý môi trường nước này, Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ảrập Xêút, Bangladesh, Hà Lan và Singapore sẽ phải chuẩn bị tinh thần “đón rác trở về”.

Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Hòa bình xanh, trong 7 tháng năm 2018, lượng rác thải nhựa được nhập khẩu từ Mỹ vào Malaysia đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trong khi đó, Bộ trưởng Yeo cho biết, chỉ riêng một công ty tái chế của Anh đã xuất khẩu hơn 50 tấn rác thải nhựa được đóng trong 1.000 container tới nước này trong vòng 2 năm qua. Bà kêu gọi các nước phát triển phải xem xét lại cách quản lý rác thải nhựa và dừng đổ rác sang các nước đang phát triển.

Năm ngoái, Chính phủ 187 quốc gia, trong đó có Malaysia đã nhất trí đưa thêm nhựa vào Công ước Basel, vốn là một văn bản quy định việc vận chuyển các vật liệu nguy hiểm từ nước này sang nước khác, để tránh các tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới. Theo Công ước Basel sửa đổi, các loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý, và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này.

Hiện nay các nhà hoạch định chính sách Malaysia đang nghiên cứu những lỗ hổng trong luật, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu nhựa vào nước này. Theo Bộ trưởng Nhà ở và chính quyền địa phương Zuraida Kamaruddin, các luật hiện hành chưa có nhiều quy định rõ về rác nhựa. Quan chức này cho rằng cần phải xây dựng nhiều luật mới để ngăn nhập lậu rác nhựa. Bà cho biết, tình trạng trên bắt đầu từ việc nhựa bị khai báo gian tại các cảng và nó càng trở nên tồi tệ hơn khi lực lượng hải quan quá mỏng chỉ có thể kiểm tra được 10% các lô hàng.

Thực tế, trước sự phản đối dữ dội của người dân đối với những ô nhiễm phát sinh từ các bãi rác bất hợp pháp, Chính phủ Malaysia năm ngoái đã tuyên bố cấm nhập khẩu phế liệu nhựa và đóng cửa khoảng 30 địa điểm tái chế bất hợp pháp sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm tương tự. Cùng với Thái Lan, Malaysia đã ban hành luật ngăn chặn rác thải nước ngoài cập cảng địa phương.

 Nhập khẩu rác thải nhựa vào Malaysia được cho là chỉ có thể thông qua nếu có giấy phép từ Cục Quản lý chất thải rắn quốc gia, sau khi được Bộ Môi trường chấp thuận. Việc lưu thông bất hợp pháp các chất thải nguy hại và chất thải khác là một hành vi phạm tội (theo Đạo luật Chất lượng môi trường 1974, sửa đổi năm 2005, Mục 34B). Thậm chí, hành vi trên có thể bị phạt tù và phạt tiền lên tới 500.000 ringgit (đơn vị tiền tệ của Malaysia). Các cá nhân Malaysia nhập khẩu rác thải nhựa bị cấm còn có thể bị coi là phạm tội phản quốc.

Theo cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường nước này, không thể chỉ đổ lỗi cho các nhà xuất khẩu rác thải. Rác thải có mặt tại Malaysia vì có sự cộng tác, tiếp tay của các cá nhân người Malaysia với vai trò nhà nhập khẩu. Hiện lực lượng đặc trách chống nhập khẩu rác thải nhựa đang tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra tại nhiều cảng trên khắp cả nước nhằm bảo đảm rằng Malaysia không trở thành bãi rác thải của thế giới. Từ cuối tháng 4 vừa qua, Malaysia đã cho ra mắt một lực lượng đặc nhiệm chung để trấn áp các hoạt động nhập khẩu phế liệu nhựa bất hợp pháp vốn đang có chiều hướng gia tăng.

Lộ trình nói không với nhựa dùng một lần

Kể từ những năm 1950, việc sản xuất nhựa đã vượt trội so với hầu hết các vật liệu khác do tính linh hoạt và chức năng của nó. Hầu hết các loại nhựa này được thiết kế để vứt đi sau khi chỉ được sử dụng một lần dẫn đến tích lũy chất thải nhựa loại này. Chỉ 9% trong số 9 tỷ tấn nhựa mà thế giới từng sản xuất được tái chế. Hầu hết, chúng bị vứt ra các bãi rác chôn lấp hoặc lộ thiên… Malaysia là một “ông lớn” trong ngành nhựa toàn cầu với khoảng 1.300 nhà sản xuất nhựa. Tuy nhiên, nước này lại bị xếp hạng 8 trong số 10 quốc gia xử lý chất thải nhựa không tốt trên thế giới.

Ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu cần phải có cách giải quyết bền vững. Bởi loại bỏ ô nhiễm rác thải nhựa mất đến cả trăm năm, nếu không có biện pháp đúng vì nhựa tồn tại rất lâu trong môi trường. Vốn là một nước luôn cổ súy phát triển cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Malaysia đã lập kế hoạch đối với chất liệu nhựa, nhất là nhựa dùng một lần bằng cách khuyến khích ngành công nghiệp này chuyển sang các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Malaysia đặt ra mục tiêu “nói không với nhựa dùng một lần” vào năm 2030, trong đó các sản phẩm được dùng thịnh hành như ống hút nhựa hay túi đựng hàng bằng nilon sẽ không còn được xuất hiện.

Linh Anh