Góc nhìn văn hóa

Xử phạt cũng cần nhân văn

- Thứ Tư, 29/05/2019, 08:20 - Chia sẻ
Dư luận vẫn chưa hết bàn tán về vụ một cô giáo trường THCS ở Thường Tín, Hà Nội xử phạt học sinh bằng hình thức bắt quỳ giữa lớp, để sau đó bị nhà trường đình chỉ giảng dạy một tuần. Và cô giáo hết thời gian bị đình chỉ cũng không thể trở lại giảng dạy do bị sốc, phải nhập viện.

Không giống các vụ (giáo viên xử phạt học sinh) xảy ra trước đây nghiêm trọng hơn, dư luận bất bình hơn, vụ việc này phản ứng của dư luận xã hội có nhiều chiều. Không ít ý kiến cho rằng việc đình chỉ giảng dạy với cô giáo này chưa hẳn đã thỏa đáng. Vì sao? Thứ nhất, quỳ là hình phạt bình thường, không mang tính bạo lực. Thứ hai, cô giáo này cho biết: Hình phạt quỳ là do phụ huynh yêu cầu cô thực hiện khi có học sinh vô kỷ luật, vi phạm điều gì đó. Vậy tại sao phụ huynh lại kiện khi cô giáo làm theo yêu của chính mình? Điều này cần được làm rõ.

Các cụ ta từng có câu: “Yêu cho roi cho vọt”. Ngày xưa, các ông đồ dạy học dùng thước kẻ vụt vào tay, rồi véo tai học trò mỗi khi chúng vi phạm điều gì là rất bình thường. Bản thân tôi thời là học sinh phổ thông cũng không ít lần bị thầy giáo véo tai hay phạt quỳ giữa lớp hoặc đứng ở góc lớp, úp mặt vào tường cả tiết học. Có lần học thể dục, tôi nói chuyện riêng, lập tức bị phạt bằng hình thức phải chạy 10 vòng quanh sân vận động. Thầy giáo giao cho bạn lớp trưởng giám sát việc này. Những lần tôi bị phạt như thế, có bạn về mách bố tôi, nhưng ông tỏ ra đồng tình với thầy giáo, thậm chí còn đánh đòn tôi thêm.

Tất nhiên thời thế đã thay đổi, bây giờ không thể so với ngày xưa, nhưng chỉ vì bắt học sinh quỳ mà nỡ kiện giáo viên rồi nhà trường buộc cô giáo dừng việc dạy một tuần thì liệu có quá mức cần thiết? Cư dân mạng đã có nhiều ý kiến không đồng tình với cách xử lý chưa được nhân văn của những người có trách nhiệm. Người ta đặt câu hỏi khá hay: Ừ thì cho rằng thiếu gì cách phạt học sinh mà lại bắt quỳ giữa lớp. Vậy thì cũng thiếu gì cách “cảnh cáo” cô giáo mà lại bắt cô dừng việc giảng dạy một tuần khi cô không vi phạm điều gì khác và đã có trên 20 năm dạy học? Xin nhớ, với giáo viên, không được giảng dạy là hình phạt lớn chỉ sau đuổi việc. Người ta cũng đặt vấn đề: Phải chăng hôm nay cứ bị phụ huynh kiện là lập tức giáo viên bị “trảm”? Và từ nay, gặp học sinh bướng, hư, thì tốt nhất giáo viên nhắm mắt làm ngơ chăng?

Không ai chấp nhận bạo lực học đường, xúc phạm nghiêm trọng cơ thể và nhân cách của học sinh. Nhưng cần phân biệt thế nào là nghiêm trọng và thế nào là phạt không xuất phát từ sự thù tức, muốn trù dập, đàn áp học sinh. Vậy nên cần xem xét và xử lý sự việc bằng cách thức có văn hóa và nhân văn là như thế!

TS. Nguyễn Đình San