Chính sách và cuộc sống

Xử lý xung đột trong nguyên tắc áp dụng luật

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:11 - Chia sẻ
Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung và nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật ban hành sau là 2 nguyên tắc pháp lý phổ biến được thừa nhận trong hệ thống pháp luật của nhiều nước. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Cụ thể là nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật Hàng hải, Luật Thương mại... và thường dùng với cụm từ là “ưu tiên áp dụng pháp luật”; còn nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật ban hành sau đã được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định việc áp dụng các nguyên tắc này trong các trường hợp cụ thể, cũng như việc xác định thứ tự ưu tiên khi áp dụng 2 nguyên tắc trên, dẫn đến phát sinh xung đột, mâu thuẫn trong việc lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng trong một tình huống cụ thể. Mặt khác, chúng ta cũng rất lúng túng trong việc xác định rõ đâu là luật chung, đâu là luật chuyên ngành do không thống nhất được tiêu chí cụ thể. Trong quá trình xây dựng luật chuyên ngành và trong quá trình xây dựng luật nói chung cũng có tình trạng lạm dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật để ban hành nhiều quy định đặc thù, có lợi cho bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý, dễ tạo ra nguy cơ hệ thống pháp luật chồng chéo, thiếu thống nhất.

Theo phương án sửa đổi, bổ sung tại đoạn 2 khoản 2 Điều 12 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay thì đã phần nào hạn chế được các mâu thuẫn, xung đột trong quá trình xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, sửa đổi này cũng như quy định tại khoản 3 Điều 156 lại không giải quyết được xung đột cũng như thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn 2 nguyên tắc trên, nhất là khi văn bản được coi là luật chuyên ngành được ban hành trước so với văn bản được coi là luật chung.

Để giải quyết xung đột và thứ tự ưu tiên trong việc áp dụng hai nguyên tắc trên, về lý thuyết, các học giả đều cho rằng, luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng dù được ban hành trước hay ban hành sau so với luật chung. Vì vậy, khi xảy ra tình huống có quy định khác nhau, giữa các luật về cùng một vấn đề thì cần xem xét nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành so với luật chung như một ngoại lệ chung, trước khi xem xét và áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật ban hành sau. Nguyên tắc này có thể được diễn giải cụ thể như sau: trong trường hợp các quy định trong luật chung được ban hành trước so với luật chuyên ngành thì quy định trong luật chuyên ngành được coi là trường hợp ngoại lệ đối với luật chung, do đó, quy định trong luật chung vẫn có hiệu lực bình thường và không bị bãi bỏ, trừ khi vấn đề liên quan đến điều khoản ngoại lệ nằm trong luật chuyên ngành thì sẽ do luật chuyên ngành điều chỉnh. Trong trường hợp quy định của luật chuyên ngành được ban hành trước so với quy định của luật chung thì cả luật chuyên ngành và luật chung đều được coi là có hiệu lực bình thường, trừ 3 trường hợp sau đây: Một là, có điều khoản tuyên bố rõ ràng về điều ngược lại. Hai là, tồn tại mâu thuẫn rõ ràng và không thể hóa giải được. Ba là, luật chung được ban hành sau nhằm mục đích thay thế các quy định của luật chuyên ngành về nội dung đó. Nguyên tắc là như vậy, tuy nhiên nhiều nước cũng vấp phải những rắc rối như chúng ta là trong thực tiễn rất khó có tiêu chí định tính, định lượng rõ đâu là luật chung, đâu là luật chuyên ngành. Để khắc phục vấn đề này, về mặt kỹ thuật lập pháp, các nhà lập pháp thường cũng không sử dụng thuật ngữ luật chung hay luật chuyên ngành (trừ Bộ luật Dân sự), mà thường xác định rõ một quy phạm hay một vấn đề cụ thể nào đó được coi là luật chuyên ngành so với quy định của luật chung ở đạo luật khác. Trong đạo luật đó phải có một điều khoản quy định rõ ràng rằng quy định cụ thể này là chuyên ngành và sẽ được ưu tiên áp dụng so với quy định chung ở đạo luật khác. Trong trường hợp đạo luật được coi là luật chung dù ban hành sau, nếu thấy nội dung tương ứng trong đạo luật được coi là luật chuyên ngành không phù hợp thì cũng cần có điều khoản hủy bỏ rõ ràng. Tôi cho rằng, kỹ thuật lập pháp này hoàn toàn có thể tham khảo và quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm lần này.

Mặt khác, tham khảo kinh nghiệm xử lý xung đột trong áp dụng 2 nguyên tắc trên thì cũng có nhiều nước xử lý bằng con đường tư pháp hoặc thông qua Tòa án Hiến pháp. Do vậy, về lâu dài, tôi kiến nghị cần nghiên cứu cụ thể hóa cơ chế bảo hiến trong Hiến pháp 2013 hoặc giao cho Tòa án nhân dân tối cao trách nhiệm xử lý khi có sự xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng các nguyên tắc trên.

ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)
L. Anh ghi