Góc nhìn

Xử lý triệt để nạn “bảo kê”

- Thứ Tư, 03/10/2018, 08:06 - Chia sẻ
Ngày 1.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản diễn ra ở chợ Long Biên theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là tin vui đối với bà con tiểu thương chợ đầu mối này, bởi từ nay, cuộc sống mưu sinh của họ sẽ dễ thở hơn, không còn phải cống nạp tiền từ mồ hôi nước mắt cho những kẻ “ăn trên, ngồi trốc”.

Chợ đầu mối Long Biên có gần 1.000 hộ kinh doanh, trong đó khoảng 300 hộ cần có chỗ đỗ xe. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xảy ra tình trạng thu tiền bến bãi vượt quá quy định, gây bức xúc cho các tiểu thương. Để được buôn bán, các tiểu thương phải đóng tiền bến bãi (tiền “bảo kê”) với mức rất cao: 200.000 đồng/lượt đối với xe chở hàng nhỏ; 350.000 đồng/lượt đối với xe to. Trong khi Ban Quản lý chợ thu khoản tiền vé vào cổng của mỗi xe với mức từ 15 - 60 nghìn đồng thì những người bảo kê lại kiếm khoản tiền gấp hàng chục lần. Mức thu như bị cưỡng đoạt, nhưng tiểu thương vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” đóng tiền.

Vụ việc trên khiến chúng ta nhớ đến vụ án xảy ra cách đây 20 năm. Đầu những năm 1990, với danh nghĩa ông chủ Nghiệp đoàn bốc xếp Đồng Xuân (Long Biên), Dương Văn Khánh hay còn gọi là Khánh “trắng” đã dần gây dựng thanh thế trên địa bàn Hà Nội. Khánh “trắng” đã quy tụ về “nghiệp đoàn” những phần tử bất hảo và trở thành kẻ cầm đầu băng nhóm có “thế lực đen” bậc nhất Hà thành. Sự liều lĩnh và coi thường pháp luật, băng nhóm do Khánh cầm đầu đã dành quyền bảo kê bến bãi toàn bộ khu vực chợ Đồng Xuân và một số khu vực lân cận. Trước sự nguy hiểm của băng nhóm này, nhiều tiểu thương dù bị chèn ép nhưng vì có tâm lý sợ trả thù đã không dám báo chính quyền. Sự tồn tại của băng nhóm này đã trở thành nỗi ám ảnh của những người dân kinh doanh buôn bán quanh khu vực chợ Đồng Xuân khi đó. Nỗi ám ảnh này chỉ thực sự chấm dứt khi Khánh bị thi hành án tử hình vào năm 1998.

Sau 20 năm, câu chuyện buồn về nạn bảo kê bến bãi lại tái diễn. Giữa câu chuyện cai thầu bến bãi chợ Đồng Xuân trước đây và việc xảy ra ở chợ Long Biên hiện nay, dù khác nhau về thời điểm nhưng giống nhau ở chỗ những kẻ nhân danh hoạt động hợp pháp đã coi thường pháp luật, sẵn sàng cưỡng đoạt tiền từ mồ hôi, nước mắt của người dân kinh doanh buôn bán hợp pháp. Câu hỏi đặt ra là, tình trạng ăn chặn, bảo kê này đã diễn ra từ khi nào? Vì sao lại không được ngăn chặn? Ban Quản lý chợ có biết chuyện này không? Lực lượng quản lý an ninh trật tự, chính quyền sở tại có nắm được tình hình. Tiểu thương chợ Long Biên nói riêng và dư luận nói chung mong sớm nhận được câu trả lời từ phía chính quyền và cơ quan chức năng.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1.10 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt xử lý tình trạng này. Quan điểm của thành phố là xử lý nghiêm theo pháp luật, không có vùng cấm. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, tình trạng “bảo kê” sẽ chấm dứt…

Lê Hùng