Bạn đọc viết

Xử lý triệt để các dự án chậm triển khai

- Thứ Hai, 16/09/2019, 08:06 - Chia sẻ
Theo kết quả giám sát mới đây của HĐND TP Hà Nội, hiện có 383 dự án sử dụng đất chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai. Theo đó, các dự án này bị bỏ hoang hàng chục năm, hàng nghìn hecta đất bị sử dụng sai mục đích như làm bãi gửi xe, rửa xe, sân bóng… TP Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo và quyết định thu hồi các dự án này, song trên thực tế vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Cũng theo kết quả giám sát của HĐND TP Hà Nội, trong số 383 dự án bất động sản đang “đắp chiếu”, xảy ra nhiều nhất ở huyện Hoài Đức với 51 dự án, huyện Mê Linh 50 dự án, huyện Nam Từ Liêm 48 dự án, huyện Hoàng Mai 25 dự án, huyện Bắc Từ Liêm 23 dự án. Thậm chí, tại các địa phương này, có những dự án chủ đầu tư được chính quyền giao đất xong không phối hợp với chính quyền để triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định. Nhiều dự án hơn 10 năm qua chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng, người dân còn đang khiếu kiện, khiếu nại, chưa nhận tiền đền bù. Hệ lụy là người dân mất đất sản xuất, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang.

Nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ được đưa ra rất nhiều như chủ đầu tư không đủ năng lực; thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng kéo dài; thị trường thay đổi, nếu theo phương án đầu tư trước khi giao đất thì thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng… Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra và xử lý tình trạng các khu đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND rà soát các dự án có sử dụng đất trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2008 đến nay bao gồm cả các dự án chưa triển khai, đang triển khai từ trước năm 2008.

Tuy nhiên, trên thực tế số dự án thu hồi rất ít. UBND TP Hà Nội cho biết, đến nay đã chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ. Như vậy, còn tới hơn 300 dự án “treo” khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, người dân sống trong vùng chịu ảnh hưởng quy hoạch dự án gặp nhiều khó khăn, lãng phí tài nguyên đất, mất đi cơ hội canh tác cũng như cơ hội đầu tư của các dự án khác.

Mới đây, tại Công văn số 3106/UBND-KHĐT về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, một trong các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xử lý các dự án chậm triển khai. Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo các kế hoạch của UBND thành phố đã ban hành; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chủ trì đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhất là các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Việc Hà Nội đẩy mạnh rà soát, xử lý hàng loạt dự án “ôm đất” suốt nhiều năm rồi bỏ hoang là điều cần thiết. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án “ôm đất” gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng sẽ tiếp tục gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Mặt khác, việc xử lý các dự án “chiếm đất” lại bỏ hoang cũng cần một chế tài phù hợp, đủ mạnh, cùng những hành động cụ thể để giải quyết, như thay vì thu hồi đất có thể có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư. Như vậy, ngân sách nhà nước vừa được lợi, mà nhà đầu tư cũng phải có phương án để triển khai thực hiện các dự án.

Vân Phi