Góc nhìn

Xử lý trách nhiệm còn bỏ ngỏ

- Chủ Nhật, 24/05/2020, 07:18 - Chia sẻ
Qua kiểm tra, rà soát 40.304 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ 7.692 văn bản có sai sót, vướng mắc trong thực hiện hoặc không còn phù hợp. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật còn gặp khó khăn. Đây là tồn tại đã được Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ trong Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 này. Phải chăng, việc xử lý trách nhiệm cá nhân trong trường hợp này còn bỏ ngỏ?

Thời gian qua, bên cạnh thành công trong hoàn thiện thể chế, thì công tác xây dựng pháp luật cũng bộc lộ những tồn tại. Ngoài tình trạng tái diễn “nợ đọng” văn bản, tình trạng “xin lùi, xin rút”, thì chất lượng các VBQPPL được ban hành cũng là điều đáng bàn.

Với vai trò là cơ quan “gác cổng” của Chính phủ trong công tác thẩm định các VBQPPL, trong báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp này về thực hiện các nghị quyết chất vấn, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn thừa nhận, chất lượng một số VBQPPL chưa cao. Số VBQPPL của bộ, ngành và địa phương có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện qua công tác kiểm tra văn bản còn nhiều, một số văn bản dù đã có kết luận kiểm tra nhưng chậm được xử lý.

Thực tế cho thấy, chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là một trong những vấn đề được đề cập đến nhiều thời gian qua. Nếu như nợ đọng văn bản là một “khoảng trống” thì việc ban hành văn bản chất lượng kém hiện là “điểm nghẽn” trong xây dựng pháp luật. Những văn bản kém chất lượng sẽ gây khó khăn cho chính đối tượng chịu sự tác động và lúng túng cho các cơ quan áp dụng pháp luật. Những văn bản bản này tác động xấu đến xã hội, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí cho việc sửa đổi, bãi bỏ quy định sai phạm. Ngoài ra, còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Tình trạng cùng một văn bản nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu không còn là chuyện hiếm gặp. Việc áp dụng quy định “tùy nghi” lỗi không hoàn toàn do cơ quan áp dụng pháp luật mà nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng của các văn bản này chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc phân tích chính sách, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của chính sách chưa được các cơ quan chú trọng đúng mức. Hoạt động thẩm định VBQPPL chưa đánh giá sâu về tính khả thi của các quy định trong dự thảo văn bản. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thực tế, nhiều hồ sơ thẩm định gửi Bộ Tư pháp còn sơ sài, không đủ thành phần theo quy định, thời gian thẩm định rất gấp không bảo đảm theo quy định.

Việc chuyển hồ sơ để thẩm định không tuân thủ thời gian theo quy định sẽ dẫn đến cơ quan thẩm định bị động, thiếu thời gian để thẩm định nội dung văn bản một cách kỹ lưỡng. Do đó, việc để lọt những quy định thiếu thống nhất, thiếu khả thi cũng là điều dễ hiểu.

Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định về cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành VBQPPL trái luật. Hay Nghị định số 34/2016/NĐ-CP cũng quy định: Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ lỗi, nội dung trái pháp luật của văn bản, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, cho đến nay chưa có tác giả nào phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc ban hành văn bản trái pháp luật. Đây cũng là thực trạng mà từ nhiệm kỳ trước, bà Lê Thị Nga khi còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã rất băn khoăn, bởi “hàng chục năm nay chưa thấy một cán bộ lãnh đạo nào, công chức nào bị giáng chức, buộc thôi việc hay bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định ban hành văn bản sai trái”.

Để chấm dứt tình trạng này, rất cần cụ thể hóa trách nhiệm pháp lý của những chủ thể đề xuất, thẩm định, ban hành văn bản trái pháp luật. Phải siết mạnh hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp bởi cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân. Có như vậy, mới nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, cũng như mới ngăn chặn được tình trạng cố tình làm sai để cài cắm lợi ích. Hay nói cách khác, đó cũng là biện pháp kiểm soát để ngăn chặn tình trạng “tham nhũng thể chế”.

Hà An