Tản mạn

Xóm thận

- Thứ Năm, 01/02/2018, 07:52 - Chia sẻ
30kg rau, giá, hoặc hơn, mỗi lần như thế. Màu da của bệnh nhân chạy thận đã xám như chì, mà tôi vẫn trông thấy họ tái đi vì lạnh…

Mỗi lần vào xóm thận Ngọc Hồi, tôi đều nghĩ một điều giống nhau: Sao đường dài thế, đi mãi chẳng đến nơi? Qua tấm biển báo hết thị trấn Văn Điển, phải đi tiếp khoảng 3km nữa mới có lối rẽ vào con đường nhỏ bên tay phải, sát đường tàu hỏa, để vào khu trọ tồi tàn của mười mấy bệnh nhân thận.

Hôm qua tôi đi như thế, mưa, lạnh và tôi chủ quan, mặc không đủ ấm, cứ vừa đi vừa run, vừa tự hỏi đường sao dài thế.

Vậy mà, cứ rét, cứ mưa như thế, tuần 2 lần, một bệnh nhân nào đó của xóm, thường là anh Hồng, chị Hương, bây giờ là Khương, một bệnh nhân trẻ hơn, mang rau mầm hoặc giá đỗ xóm làm cho nhóm chúng tôi bán. 30kg rau, giá, hoặc hơn, mỗi lần như thế. Màu da của bệnh nhân chạy thận đã xám như chì, mà tôi vẫn trông thấy họ tái đi vì lạnh. Chỉ trồng được rau mầm vào mùa lạnh nên họ cố gắng lắm. Lạnh nhưng đừng mưa, mưa không kịp đem vào nhà là rau nát hết.

Hôm qua, xóm có cuộc liên hoan cuối năm, cả đạo tràng chứ không riêng xóm. Đạo tràng đông hơn, là những bệnh nhân thận sống quanh đấy chứ không chỉ ở trong khu trọ này. Bà chủ xóm trọ cho xóm một phòng miễn phí làm nơi thờ Phật. Những phòng còn lại, khoảng 8m2, cho thuê cũng rẻ. Hy vọng mới của xóm là có một vị sư định mua cả khu đất này, xây một dãy nhà cho toàn bệnh nhân thận, sống và tương trợ nhau như tôi đã thấy dạo mới vào.

Tôi vào xóm từ năm 2012, giờ đã hơn 6 năm rồi. Không phải năm nào tôi cũng vào được buổi liên hoan cuối năm của xóm. Nếu không bận, tôi đều cố gắng đi, sợ họ mời không đi, họ tủi.

Hôm qua, xóm tiếp nhiều người. Một nhóm các bạn hội TTH, tôi hỏi: “Trái Tim Hồng à?”, các bạn ấy phá lên cười: “Chúng em là “Tôm tép Hội”, làm việc nhỏ thôi nên nhận tên như thế!”. “Tôm tép hội” thứ bảy nào cũng vào nấu cháo phát cho bệnh nhân. Bệnh viện Nông nghiệp gần đấy. Xóm thận này cũng chủ yếu chạy thận ở đấy. Nhóm tôi cũng có một cái tên, nhưng ít dùng: “Những hạt mầm xanh”, giờ chỉ còn mấy người đứng ra lo bán rau cho xóm thận.

Tôi ở xóm về, trời còn mưa lạnh hơn, cảm giác ốm trở lại. Hương có ông anh là thầy phong thủy, nhiều lần bảo tôi, vận chúng em đen lắm, chị giúp chúng em là nhiều khi phải gánh đỡ vận của chúng em đấy. Có lẽ thế thật, nhưng ốm một tý chẳng ai coi là đen. Nếu gánh được chút gì cho họ, tôi sẵn lòng.

Và hễ cứ hôm nào có giá đỗ, tôi lại đành thôi không ốm.

Hà Phạm