Triển khai Bảo hiểm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xóa rào cản, giảm cách biệt

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:37 - Chia sẻ
Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), chậm nhất ngày 1.1.2020 phải phát thẻ BHYT điện tử cho người dân. Việc triển khai thực hiện sẽ góp phần tạo thuận tiện hơn cho người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), song việc triển khai bước đầu vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Bảo đảm quyền lợi cho đồng bào

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, hầu hết các hộ DTTS, người DTTS đã có thẻ BHYT. Điều đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của BHXH Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam với Ủy ban Dân tộc trong việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho đồng bào.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang Nguyễn Hoàng Triệu, khi được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT miễn phí, đồng bào DTTS ở các ấp, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn đã có điều kiện chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế cũng như được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho đồng bào dân tộc. Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát những trường hợp ở các ấp, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn mà chưa được cấp thẻ BHYT để bổ sung kịp thời.

Mặc dù vậy, về phía người dân, tình trạng đi khám, chữa bệnh không mang thẻ hoặc công tác bảo quản thẻ BHYT chưa được quan tâm; thẻ BHYT rách, mờ gây khó khăn cho việc tra cứu và nhập dữ liệu vào hệ thống giám định BHYT trên phần mềm giám định BHYT. Vì vậy, việc chuyển đổi thẻ giấy sang thẻ điện tử đã được ngành BHXH Việt Nam đặc biệt chú trọng.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, đối với người tham gia BHYT hiện nay, sẽ không mất thời gian để mang BHYT giấy trước đó đi thay đổi thành BHYT điện tử, mà thủ tục chuyển đổi sẽ được cơ quan BHXH chủ động chuyển đổi sang thẻ điện tử và không yêu cầu phải lập bổ sung hồ sơ. Người tham gia khi đi khám, chữa bệnh BHYT không mang giấy tờ tùy thân có thể thực hiện xác thực nhân thân bằng thông tin sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho đồng bào DTTS ở những vùng khó khăn, khi việc đi lại gặp nhiều hạn chế.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Với đặc thù đồng bào DTTS thường tập trung vào các vùng núi và vùng sâu vùng xa, việc thực hiện Nghị định 146/2018 của Chính phủ và đưa dịch vụ y tế hiện đại tiếp cận tất cả đồng bào DTTS vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn là thách thức lớn. Theo các chuyên gia, một trong những mấu chốt để có thể triển khai ứng dụng thẻ BHYT điện tử là việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ. Để thống nhất tích hợp quản lý đối tượng tham gia BHYT ở vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, cần tập trung nhân lực, nguồn lực, phối hợp để rà soát dữ liệu thông tin cá nhân, quá trình tham gia BHYT.

Mặt khác, để triển khai ứng dụng thẻ BHYT điện tử thành công cần có nhiều giải pháp và sự đầu tư mạnh hơn nữa về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, đòi hỏi đáp ứng nhu cầu liên thông dữ liệu thẻ BHYT giữa các ngành. Song song với đó, cơ sở hạ tầng của các cơ sở khám chữa bệnh, đơn vị liên quan phải có đủ trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ để khi người dân có thẻ, việc sử dụng thẻ BHYT được áp dụng ở mọi lúc, mọi nơi. Song, đây vẫn là thách thức không hề nhỏ đối với vùng sâu, vùng xa - nơi có hệ thống trang thiết bị y tế còn thiếu, máy móc chưa kịp cập nhật công nghệ hiện đại, việc đầu tư về công nghệ thông tin còn gặp khó khăn.

Trước những lo ngại về việc chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử gặp phải khó khăn khi đồng bào DTTS còn chưa hiểu hết về kỹ thuật, máy móc cũng như thủ tục thực hiện, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, việc cấp thẻ BHYT điện tử dự kiến thực hiện theo lộ trình, trong thời gian người tham gia chưa được cấp thẻ BHYT điện tử thì thẻ BHYT bằng chất liệu giấy vẫn có giá trị sử dụng bình thường, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia.

 Đồng thời BHXH Việt Nam cũng sẽ có các biện pháp hỗ trợ người tham gia như tuyên truyền đến người dân, nâng cao nhận thức về lợi ích và cách thức sử dụng thẻ BHYT điện tử để người dân có thể hiểu và sử dụng thẻ BHYT điện tử khi đi khám bệnh, chữa bệnh; trang bị máy móc, hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH, giúp thuận tiện trong việc sử dụng thẻ và giải quyết chế độ BHYT.

 Để tránh gây ra những khó khăn nhất định cho từng cơ sở, người dân, phía BHXH Việt Nam sẽ tiến hành thực hiện thí điểm ở một số cơ sở, đồng thời cân nhắc dựa trên điều kiện về kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất của địa phương.

Hải Yến