Góc nhìn

Xóa bỏ chồng chéo?

- Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:22 - Chia sẻ
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ được sự chồng chéo, mâu thuẫn - vấn đề đã và đang được coi là “điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật của chúng ta.

Chức năng của Tổ công tác là tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác rà soát pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, thực hiện rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật; chủ động tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kịp thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thời gian qua, tình trạng xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật đã gây nhiều khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng luật. Sự chồng chéo, mâu thuẫn không chỉ xảy ra giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành mà còn giữa văn bản hướng dẫn luật này với văn bản hướng dẫn luật khác. Không chỉ các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo mà những quy định thiếu cụ thể, có tính tùy nghi cũng gây khó cho các đối tượng chịu sự tác động và cho chính những người thực thi. Không ít quy định đã đẩy người dân, doanh nghiệp vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Tình trạng thực hiện thủ tục hành chính cứ bị “đá qua đá lại” từ cơ quan này sang cơ quan khác không còn là chuyện hiếm gặp. Sự thiếu thống nhất dẫn đến cùng là một quy định pháp luật nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp thời gian qua.

Việc xung đột, chồng chéo các quy định pháp luật gây ra nhiều hệ lụy, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc cho rằng, khi làm thủ tục, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau, chi phí giao dịch rất tốn kém. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết phải thực hiện theo quy định nào, bởi, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Để không còn những quy định pháp luật “vênh” nhau, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành trong công tác xây dựng thể chế. Muốn vậy, phải xóa bỏ được tình trạng cát cứ, hay còn gọi là “pháp luật cục bộ” giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm “đứng mũi chịu sào” của cơ quan “gác cổng” đó là Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, rà soát nhằm phát hiện sớm những chồng chéo, mâu thuẫn thiếu thống nhất để từ đó đưa ra những kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật là điều rất cần thiết trong điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập hiện nay. Hy vọng, việc ra đời của Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng sẽ sớm tháo gỡ được những xung đột pháp luật, tạo hàng lang pháp lý vừa bảo đảm thông thoáng, vừa bảo đảm chặt chẽ để thúc đẩy cho phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, những kiến nghị rà soát sửa đổi sẽ vì lợi ích chung, xóa bỏ được “quyền anh - quyền tôi”, ngăn chặn được tình trạng “cài cắm” lợi ích bộ, ngành mà dư luận vẫn phản ánh lâu nay. 

Hà An